| Hotline: 0983.970.780

Bán ruộng cho... vịt

Thứ Tư 06/10/2010 , 10:37 (GMT+7)

Nghe thì hơi lạ nhưng tiền này giúp người dân xoá được hàng trăm cầu khỉ.

* Nghe thì hơi lạ nhưng tiền này giúp người dân xoá được hàng trăm cầu khỉ

Cầu GTNT ở Tân Hiệp được kiên cố hóa, tải trọng 5 tấn giúp đi lại, lưu thông hàng hóa dễ dàng

Tân Hiệp hiện đang là huyện đi đầu trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Kiên Giang. Đến nay, hầu hết các tuyến đường trong huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa. 100% xã, thị trấn đều có đường ôtô về tới trung tâm, đường liên ấp, xe máy đi lại thuận tiện cả trong mùa mưa nắng. Cái hay của người dân Tân Hiệp là cùng chung tay, góp sức làm GTNT chứ không trông chờ đầu tư của Nhà nước.

Nằm trải mình bên dòng sông Cái Sắn, một nhánh nhỏ của dòng sông Hậu đổ ra biển Tây, nên bốn mùa Tân Hiệp đều có nước ngọt. Đây là lợi thế lớn để Tân Hiệp đi lên bằng nông nghiệp. Thế mạnh của Tân Hiệp là làm lúa, nuôi thủy sản nước ngọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, thu nhập chính của người dân Tân Hiệp chủ yếu vẫn từ 2 vụ lúa/năm là chính.

Mặc dù cũng bị chia cắt bởi hệ thống sông, rạch như hầu hết các địa phương khác ở ĐBSCL nhưng Tân Hiệp được quy hoạch rất bài bản theo hình bàn cờ. Cứ cách 2km là có một con kênh, được đánh số thứ tự từ kênh zêrô (kênh số 0) đến kênh 10. Phần đông người dân Tân Hiệp là đồng bào di cư từ miền Bắc vào. Người dân chủ yếu sống cặp theo hai bờ kênh và canh tác đất liền kề ngay sau nhà. Đây là một lợi thế để Tân Hiệp đầu tư phát triển GTNT.

Trước đây, mặt đường GTNT ở Tân Hiệp rất thấp, thường bị ngập lụt vào những tháng nước nổi, đi lại rất khó khăn. Với chủ trương, đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm để thúc đẩy nông thôn phát triển, chính quyền và nhân dân Tân Hiệp đã cùng nhau bắt tay làm. Qua những lần nạo vét các tuyến kênh để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bùn đất được đưa nên tôn tạo nền đường.

Dần dần, các tuyến đường được tôn cao hơn đỉnh lũ. Từ đó, chính quyền địa phương vận động người dân chung tay xây dựng GTNT. Ban đầu chỉ là rải cát núi, đá mạt. Nơi nào khá hơn thì bê tông hóa. Hình thức phổ biến nhất là người dân bỏ ra 70% chi phí, phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ hoặc Nhà nước hỗ trợ cho vay, sau đó dân trả vốn từ từ qua các vụ lúa.

Khi hỏi về phong trào làm đường GTNT, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ nhiệm HTX kênh 3A, xã Tân Hiệp A, hồ hởi cho biết: “Tuyến đường của HTX dài hơn 5km hiện nay chúng tôi đã bê tông hóa hoàn toàn, mặt đường rộng 3m, không chỉ xe máy mà xe ôtô con cũng có thể đi lại thuận tiện. Nguồn tiền này là do người dân tự bỏ ra, chứ không chờ Nhà nước làm”.

Ông Lê Văn Đúng, Trưởng phòng Công thương huyện Tân Hiệp cho biết, trong 5 năm qua, ngành đã phối hợp với các địa phương xây dựng được 111km đường liên xã, liên ấp bằng bê tông, nâng tổng số đường GTNT được làm bằng vật liệu cứng của huyện lên 191km. Tổng số tiền để thực hiện những tuyến đường này là 55 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 42 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ kết hợp với vận động nhân dân đóng góp đầu tư xây mới được 59 cây cầu ngang qua các kênh, với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.
Ông Đào Ngọc Hiệp, xã viên của HTX kênh 3A cho biết thêm, khi mới chuẩn bị làm đường, chúng tôi cũng có làm đơn xin vay vốn hỗ trợ lãi suất nhưng không được. Thế là tôi tự xoay sở kiếm tiền, đoạn đường trước nhà dài 15m, rộng 3m làm bằng bê tông dày hơn 10 cm tốn hết 7 triệu đồng. Nhà nào tự lo làm phần đường trước cửa nhà mình, thế là có đường đi thuận tiện. Không chỉ làm đường, người dân còn đầu tư làm hệ thông điện chiếu sáng công cộng, giúp đi lại dễ dàng về ban đêm.

Có đường đi thuận tiện, người dân lại chung tay xóa bỏ cầu khỉ, loại cầu qua sông rạch khá phổ biến ở vùng sông nước ĐBSCL. Để có tiền làm cầu xây kiên cố qua sông, người dân lại tích góp như rết nhiều chân, cùng chung tay thực hiện. Theo những người dân cho biết, cứ sau mỗi vụ lúa, những người nuôi vịt chạy đồng lại tìm đến mua ruộng để chăn vịt. Mỗi lô đất (3ha) thường được khoảng 1 triệu đồng. Thay vì lấy nguồn tiền này chi tiêu, chính quyền địa phương vận động người dân góp lại để xóa cầu khỉ.

“Chỉ trong thời gian ngắn HTX kênh 3A đã xây dựng 6 cây cầu bê tông, trị giá gần 1 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu là do người dân đóng góp bằng tiền bán ruộng cho người nuôi vịt và vận động thêm các Mạnh Thường Quân. Phần còn thiếu HTX ứng vốn cho mượn trước rồi thu lại ở vụ lúa sau” - ông Việt cho biết. Đây là hình thức khá phổ biến mà các địa phương ở Tân Hiệp thực hiện, nhờ vậy mà huyện đã xóa trắng được cầu khỉ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm