| Hotline: 0983.970.780

Bi hài lúa cổ, lúa kim

Thứ Ba 03/08/2010 , 12:30 (GMT+7)

Trong khi giới khoa học đang “sốt ruột” chờ đợi kết quả xác định gen của giống “lúa cổ” ở Thành Dền thì ở Lạng Sơn, nông dân lại đau đầu bởi giống lúa trồng hơn 5 năm tháng vẫn… chưa trổ đòng. Nực cười lúa kim chưa trổ, lúa cổ đã trổ lâu rồi!

Trong khi giới khoa học đang “sốt ruột” chờ đợi kết quả xác định gen của giống “lúa cổ” ở Thành Dền thì ở Lạng Sơn, nông dân lại đau đầu bởi giống lúa trồng hơn 5 năm tháng vẫn… chưa trổ đòng. Nực cười lúa kim chưa trổ, lúa cổ đã trổ lâu rồi!

Từ chuyện lúa cổ 3.000 năm thành... Khang dân đột biến?

Giống lúa ở Thành Dền đang vào chắc.

Như NNVN đã phản ánh, trong quá trình khai quật địa điểm khảo cổ Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) vào tháng 5/2010 các nhà khảo cổ đã tìm thấy những hạt thóc dưới địa tầng sâu 1m. PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng những hạt lúa này được lấy ra từ các hố rác bếp thuộc văn hóa Đồng Đậu, tiền Đông Sơn, tức là cách ngày nay 3.000-3.500 năm.

GS Đào Thế Tuấn nhận định các hạt lúa này có hình dạng ngắn, bề ngang rộng chứ không thon dài như lúa nhiệt đới. Đây  cũng là hình dạng của các loại lúa cổ xưa ở Việt Nam như lúa nương, lúa nếp. Theo ông, nếu đúng là hạt thóc 3.000 năm nảy mầm thì có lẽ ở đây có một điều kiện đặc biệt nào đấy, tạo cho khu vực lưu trữ hạt thóc ở di chỉ Thành Dền chân không tốt nhất, giữ được sức sống cho chúng.

Tuy nhiên PGS-TS Nguyễn Lân Cường lại tỏ ra nghi ngờ: “Hơn 40 năm làm khảo cổ nhưng tôi chưa bao giờ nghe, hoặc chứng kiến chuyện này. Tôi cũng đã đọc rất nhiều tài liệu nhưng chưa thấy đề cập đến chuyện nào tương tự. Có thể đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống”.

Hiện tại, 6 cây lúa ở Thành Dền (lần đầu gieo 6 cây, 1 tuần sau thêm 4 cây) được trồng, bảo vệ và theo dõi tại Viện Di truyền nông nghiệp đã trổ bông sau 2 tháng 10 ngày được nuôi cấy, bắt đầu vào chắc. Những giống lúa hiện đại như Q5, Khang Dân trồng sau một tuần để so sánh cũng đã trổ bông. TS Phạm Xuân Hội, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho biết, quan sát bằng mắt thường thì giữa giống lúa hiện đại và 10 cây lúa này không có điểm khác biệt lớn. Điểm khác biệt duy nhất là 10 cây lúa này có bản lá to hơn và lá đứng hơn.

Trả lời những băn khoăn về việc đặt giả thiết đó là những cây lúa mọc mầm từ hạt thóc có cách đây 3.000 năm, liệu môi trường sinh trưởng khác biệt so với 3.000 năm trước có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa, ông Hội khẳng định môi trường, điều kiện chăm sóc tốt hơn ngày xưa chỉ khiến cây lúa tốt hơn và năng suất cao hơn chứ không thể thay đổi bản chất di truyền được. Tuy nhiên, là người trực tiếp quan sát quá trình sinh trưởng của 10 cây lúa, ông Hội khẳng định chuyện lúa cổ là chuyện hi hữu có một không hai. Không thể dựa vào một vài thông tin mà kết luận được. Cũng theo ông Hội, kể cả khi nhận được kết quả giám định niên đại từ Nhật, các nhà khoa học vẫn phải vào cuộc nghiên cứu tiếp trước khi đưa ra một khẳng định có tính khoa học về niên đại của hạt thóc.

TS Hà Thị Thuý, Viện Di truyền NN cho rằng, giống lúa Thành Dền không loại trừ là lúa… Khang dân đột biến. “Hạt thóc màu đen có thể là dòng lúa đột biến, bởi loại lúa này người ta có thể chọn tạo màu đen được. Có khả năng sau khi thu hoạch, chim hoặc chuột “mót” lúa đã làm rơi những hạt thóc vào vết nứt của ruộng xuống dưới tầng canh tác, bị yếm khí nên chưa thể nảy mầm được. Dù nằm ở dưới lớp đất, lúa vẫn có khả năng đột biến tự nhiên, chứ theo tôi không có chuyện hạt lúa có thể tồn tại 3.000 năm được” - TS Thuý nói.

Trao đổi với NNVN, TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, quan sát về hình thái thấy lúa ở Thành Dền (tạm gọi là lúa Thành Dền) rất giống lúa hiện đại, cụ thể cây lùn, thân thẳng đứng, lá xanh, đẻ nhánh khỏe; khác hẳn sự phát triển của lúa cổ. “Xưa lúa cổ (lúa dại) mà sinh trưởng phát triển tốt như thế này thì dân ta đã không đói. Hôm lúa trổ đòng vài người bên khảo cổ sang xem, tôi bảo xét về hình thái và thời gian sinh trưởng, lúa Thành Dền giống 99% lúa hiện đại. Còn lúa cổ thuộc giống lúa dài ngày có quá trình sinh trưởng khoảng 5-6 tháng. Nếu khác biệt về hình thái có thể xác định gen, chứ giống thế này chẳng cần xác định nữa. Nghe xong, các anh chị có vẻ “tiu nghỉu”. Cũng theo ông Hàm, khoảng 25/8 tới Viện sẽ tổ chức hội thảo đầu bờ giống lúa Thành Dền kết hợp với giám định của Nhật Bản mới có thể đưa ra kết luận.

Phản ứng trước những thông tin này, TS Lâm Thị Mỹ Dung, chủ trì đoàn khảo cổ Thành Dền cho biết không quá bất ngờ với việc những cây lúa trổ bông. “Theo cuốn Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì tác giả đã thống kê được VN từng có những giống lúa ngắn ngày như giống “ba giăng” sau 90 ngày đã cho thu hoạch. Đặc biệt, ở Huế từng tồn tại giống lúa câu chỉ 45 ngày đã cho thu hoạch. Để biết rõ lúa cổ hay kim phải đợi kết quả từ Nhật Bản may ra mới có thể kết luận niên đại của hạt thóc. Từ xưa đến giờ, cũng chưa có ai đưa ra bằng chứng khoa học về quá trình và thời gian sinh trưởng của giống lúa cổ nên chúng ta vẫn phải chờ” - bà Dung khẳng định.

…Đến giống lúa kim “trẻ mãi không già”

Vào thời điểm này bà con nông dân ở thôn Sẩy Thượng, xã Đồng Tân (Hữu Lũng, Lạng Sơn) đã gieo cấy xong vụ mùa thì thửa ruộng nhà ông Hoàng Văn Bảo (cùng thôn) lúa xuân vẫn lên xanh tốt, đẻ nhánh khoẻ. Tuy nhiên cả đám ruộng chỉ lác đác một vài khóm trổ đòng.

Ông Bảo: Trồng hơn 150 ngày lúa vẫn chưa trổ đòng.
Ông Bảo nhổ một khóm lúa lên nói với chúng tôi: “Đầu năm nay tôi mua 5kg giống lúa BĐ5 của đại lý Hà Lẩu ở thị trấn Mẹt (Hữu Lũng) về trồng. Bắt đầu gieo từ rằm tháng giêng, đến giữa tháng hai thì cấy. Ông Lẩu, chủ đại lý bảo đây là giống lúa mới năng suất cao, giá bán 15.000đ/kg; TGST từ 125-130 ngày, năng suất 7 tấn/ha. Vậy mà đến nay đã hơn 5 tháng trồng, lúa vẫn “trẻ mãi không già”; cả đám ruộng chỉ vài cây trỗ thoát. Trong khi đó 2 sào ruộng bên cạnh trồng giống Bio404 thì cho thu hoạch hơn 250 kg/sào. Các ruộng nhà bên đã cấy vụ mùa, sốt ruột quá gia đình đành cắt lúa chưa trỗ về cho bò ăn”.

Dẫn chúng tôi vào nhà, bà Chu Thị Phiến - vợ ông Bảo đưa vỏ bao giống cho xem. Ngoài bao bì ghi “Giống lúa ĐB5 do Cty CP Giống cây trồng Bắc Giang SX và cung ứng theo hợp đồng nhượng quyền số 01 ngày 8/9/2008”, phía dưới vỏ bao lại in hoa “Cty Nam Dương”. “Hôm trước tôi lên thị trấn hỏi ông Lẩu đại lý, ông ấy bảo còn giữ bao bì không mà thắc mắc. Tôi đưa bản photocopy cái vỏ bao ra, ông nói sẽ báo đơn vị cung ứng giống đến xác minh”.

Cũng theo bà Phiến, vài ngày sau Cty CP GCT Bắc Giang đã cử cán bộ kỹ thuật đến ruộng xem rõ thực hư. Cán bộ Cty khẳng định gia đình nhầm giống, toàn bộ diện tích lúa chưa trỗ không phải là giống ĐB5 mà là giống lúa cảm quang. “Tôi mua 5kg giống về trồng đúng kỹ thuật ghi trên bao bì, vỏ bao vẫn còn đây. Nếp lại bảo tẻ là thế nào? Nhầm làm sao được? Mất mùa Cty lại đổ vấy cho nông dân là sao?” - bà Phiến bức xúc.

Về phía đại lý, ông Dương Văn Lẩu cho rằng, vụ xuân 2010 cửa hàng cung ứng hơn 1 tấn giống ĐB5 cho các xã trong huyện. Đến thời điểm này chưa địa phương nào mất mùa, chỉ riêng gia đình ông Bảo kêu ca thắc mắc. “Gần 20 năm kinh doanh giống lúa chưa bao giờ tôi bán giống không ra hạt như thế này. Theo cảm quan của tôi thì ông Bảo trồng giống U17 - giống chỉ thích hợp ở vụ mùa. Trồng vụ xuân rất mẫn cảm với thời tiết nên không trỗ hạt; cấy muộn có khả năng mất mùa. Nếu xác minh đúng giống ĐB5 mất mùa thì Cty đền, còn không thì ông Bảo hoàn toàn chịu trách nhiệm” - ông Lẩu nói.

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT Hữu Lũng cho biết, sau khi nhận được thông tin, đại diện Phòng NN-PTNT, Cty CP GCT Bắc Giang, UBND xã Đồng Tân đã đến kiểm tra đám ruộng chưa trỗ và làm việc với gia đình ông Bảo. Theo trình bày của ông Bảo, vụ xuân 2010, gia đình ông trồng 9 sào lúa; trong đó 4 sào cấy giống U17 và Bio404 đã cho thu hoạch, còn 5 sào giống ĐB5 vẫn chưa trỗ. Vì vậy gia đình đề nghị Cty phải đền bù thiệt hại.

Tuy nhiên phía Cty CP GCT Bắc Giang lại khẳng định, diện tích ông Bảo đã thu hoạch là giống ĐB5. Toàn bộ 5 sào không trỗ là giống U17, loại giống cảm quang dài ngày thường gieo cấy ở vụ mùa. Đề nghị ông Bảo không tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến uy tín đại lý và DN. Cũng tại buổi làm việc, Phòng NN-PTNT đề nghị gia đình ông Bảo bớt 20m2 lúa để các cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định rõ nguồn gốc giống.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm