Nói thì dễ nhưng số làm được lại không nhiều. Một trong những đơn vị có thể thực hiện được điều ấy là Cty Chè Phú Đa (Phú Thọ).
Cùng ăn cùng lỗ với dân
Ông Nguyễn Văn Liệu, TGĐ Cty Chè Phú Đa nói rằng, nhiều người trong ngành chè không thích ông lắm vì hay nói thẳng, nói thật và... nói trúng. Nói những điều không phải người khác không biết mà là biết nhưng không chịu làm.
Chính ông Liệu là một trong số những ông chủ DN hiếm hoi trong lĩnh vực chè rất nhiều lần tuyên bố trong các cuộc họp rằng: Người trồng chè ở miền núi phía Bắc không thể ăn không khí để sống được.
Họ phải được làm chủ, phải giàu từ chính cây chè của mình. Cách nói khiến nhiều người cho là nổ, là chém gió nếu không một lần lên những vùng chè nguyên liệu của Phú Đa.
Tôi biết ông Liệu năm 2011. Đó là quãng thời gian vấn nạn chè bẩn tung hoành khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái... Trong khi hầu hết các DN lao đao vì thực trạng người trồng chè trộn phân bón, xi măng để tăng trọng lượng thì Cty Chè Phú Đa cứ như thể đứng ngoài cuộc vậy.
Mặc dù vùng nguyên liệu của họ nằm ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, những nơi chè bẩn nhiều vô kể nhưng tuyệt nhiên số nguyên liệu của Phú Đa không dính một cọng nào.
Lạ lùng nhất là thời điểm ấy giá thu mua của Phú Đa còn thấp hơn bên ngoài (3,9 ngàn đồng so với 4,5 ngàn đồng/kg). Đúng với cái chất của mình, ông Tổng giám đốc Cty Phú Đa giải thích rất “dễ ghét”: Người trồng chè trong vùng nguyên liệu chúng tôi không thèm làm ba trò bẩn bởi chỉ cần làm đàng hoàng là họ đã có thể giàu rồi.
Bình quân mỗi hộ dân ở vùng chè nguyên liệu Phú Đa sở hữu khoảng 1,3 ha đồi chè. Hiếm có vùng chè nào mà người dân sản xuất gần như theo công thức, chưa đến vụ đã nắm chắc phần lời lãi.
Một ha thu 15 tấn bán giá 6 ngàn đồng/kg, thu 90 triệu/năm. Và ở Phú Đa, giá chuyển nhượng đất chè thấp nhất là 300 triệu đồng mỗi ha vẫn rất khó mua.
Ông Liệu khoe rằng hiện Cty Chè Phú Đa đang giữ hai kỷ lục của ngành chè Việt Nam. Đó là nơi có năng suất chè bình quân cao nhất và là doanh nghiệp có thiết bị và công nghệ chế biến hiện đại nhất trong nước.
Ở đây đã có những ha chè sản lượng gần 30 tấn. Bí quyết thành công là phương châm: “Nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp là động lực, thị trường là cơ sở, đời sống người lao động là mục tiêu”. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng không thể làm nhanh.
Thực ra Phú Đa cũng đã từng có quãng thời gian thê thảm. Đó là giai đoạn năm 2007, vấn nạn chè vàng từng khiến tất cả các xưởng của Cty phải “trùm mền” vì chẳng kiếm nổi một cân chè nào. Vùng nguyên liệu chỉ dựa vào dân, giá thương lái thu mua quá cao nên Phú Đa chịu không nổi. Công nhân Cty thấy giá bên ngoài cao hơn nên được cân chè nào thu gom về đem bán ra ngoài luôn.
Hoàn cảnh bi đát đến nỗi ông Tổng giám đốc thời bấy giờ nản quá nên viết đơn xin từ chức. Bài học xương máu giúp vị Tổng giám đốc mới Nguyễn Văn Liệu đề ra mục tiêu số một là tìm mọi cách để làm thế nào người trồng chè có thể “cùng ăn cùng lỗ” với Cty.
Cách tốt nhất là liên kết đầu tư. Phía Cty chịu trách nhiệm đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV cho nông dân, đổi lại người dân phải sản xuất chè nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà cán bộ trong Cty hướng dẫn. Từ chỗ “đói" nguyên liệu, bây giờ Phú Đa có hơn 1.400 ha.
“Ngành chè Việt Nam đang phải trả giá vì yếu tố ATVSTP. Việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, bừa bãi, không đúng cách đã giết chết thương hiệu chè Việt. Nếu không liên kết với người dân, không đặt quyền lợi của họ lên đầu để cùng họ hình thành nên một chuỗi qui trình sản xuất khép kín thì khó có thể tạo thành những sản phẩm chè chất lượng”, ông Nguyễn Văn Liệu khẳng định. |
“Lên voi hay xuống chó”, giá chè nguyên liệu ngoài thị trường có nhảy múa thế nào thì người trồng chè ở Phú Đa luôn được cộng thêm 1 ngàn đồng/kg từ phía Cty gọi là phí cam kết, hỗ trợ lẫn nhau.
Đó cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo vấn đề ATVSTP, là “giấy thông hành” để chè Phú Đa có thể đổ bộ vào những thị trường khó tính.
Ông Liệu khoe, trong Lễ hội Đền Hùng vừa rồi, nhiều du khách quốc tế tham dự uống chè Phú Đa mà không tin rằng đó là một sản phẩm của Việt Nam. Chẳng biết nên vui hay nên buồn.
Vấn đề là cách làm
Tiếc một điều, ở nhiều vùng miền núi phía Bắc hiện nay, số hộ trồng chè không phải "ăn không khí" như ở Phú Đa vẫn chưa nhiều. Hãy nhìn vào những con số thống kê thì biết.
Nghe bảo, ngành chè có một qui ước ngầm rằng, sản lượng chè cứ phải trên 10 tấn/ha/năm thì mới có thu nhập, nhưng ở nhiều nơi con số ấy vẫn còn rất xa xỉ.
Đơn cử như tỉnh Phú Thọ, theo ông Liệu, sản lượng bình quân chè của tỉnh này vào khoảng 8 tấn/ha. Một con số mà nếu hạch toán chi tiết hơn nữa sẽ cho đáp án rất nghiệt ngã: Người ăn thì chè nhịn và ngược lại.
Cụ thể, với giá thị trường ở mức cao là 5-6 ngàn đồng/kg thì 1 ha người trồng chè thu chừng trên 40 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với mức bình quân ở Phú Đa.
Một cán bộ ở Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc ngán ngẩm than rằng: Mức sản lượng ấy khiến dân trồng chè có tha thiết đến mấy, tâm huyết đến mấy thì cũng không thể tái đầu tư sau khi thu hoạch bởi muốn dành tiền đầu tư tiếp thì người trồng chè phải “ăn không khí”, còn ngược lại, vườn chè ngày một cằn cỗi hơn, năng suất thấp hơn và dần dần kiệt quệ.
“Chúng ta cần phải có một cuộc cách mạng. Chủ trương, chính sách xác định chè là cây trồng mũi nhọn rồi. Giống năng suất, chất lượng cao có rồi, KHKT, máy móc, công nghệ cao cũng có rồi. Vậy thì tại sao vẫn còn tình trạng người trồng chè phải “ăn không khí”? Theo tôi chỉ còn có cách làm thôi”, ông Liệu khẳng định.
“Người hay nói trúng” phân tích, cách làm của “những người có trách nhiệm” đối với ngành chè hiện nay còn hơi thiếu trách nhiệm. Ví như tỉnh Phú Thọ. Cả tỉnh có trên 60 Cty chè nhưng thử hỏi trong số ấy có mấy DN có vùng nguyên liệu đảm bảo?
Có thực trạng cùng một vùng nguyên liệu nhưng Cty nào cũng nhận là của mình. Những nhà qui hoạch hứa cho DN này rồi lại hứa tiếp cho một hai DN nữa. Đó là những vùng nguyên liệu trên giấy.
“Ở huyện Thanh Sơn có khoảng 2 ngàn ha chè, Cty Phú Đa chiếm 400 ha, còn lại có 1.600 ha nhưng hàng chục Cty nhận đó là “vùng nguyên liệu” của mình. Vì sao có kiểu làm ăn chụp giật như thế mà không bị xử lý?
Tôi cho rằng có nhiều DN xây dựng nhà máy nhưng không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh chè. Trong khi đó, với người trồng chè, lợi ích đã phơi bày ra trước mắt, vấn đề là họ cần được hỗ trợ. Mỗi ha chè chất lượng cần đầu tư từ 150 triệu đồng để cho lợi ích kinh tế dài lâu. Nhưng chính sách hỗ trợ chỉ tầm dăm bảy triệu, số còn lại nông dân lấy đâu ra?
Cứ xui dân trồng chè mạnh vào, nhưng trồng thế nào, chăm bón thế nào thì lại chả thấy bàn tay của ai cả ”, Tổng giám đốc Cty Chè Phú Đa nói đầy ẩn ý.