| Hotline: 0983.970.780

Bưởi đường còn một chút này

Thứ Ba 04/03/2014 , 11:43 (GMT+7)

Do ảnh hưởng triều cường, nguồn nước ô nhiễm và đô thị hóa khiến diện tích trồng bưởi đường ngày càng thu hẹp.

Bưởi đường An Phú Đông ở quận 12 (TP.HCM) là loại trái đặc sản nổi tiếng không kém bưởi Tân Triều (Đồng Nai), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long) hay bưởi da xanh (Bến Tre). Do ảnh hưởng triều cường, nguồn nước ô nhiễm và đô thị hóa khiến diện tích trồng bưởi đường ngày càng thu hẹp, thậm chí có nguy cơ "tuyệt chủng"...

TỰ HÀO

An Phú Đông không chỉ nổi tiếng với truyền thống yêu nước mà ngay trên vùng đất phù sa nước ngọt ven đô này, người dân còn ươm trồng được giống bưởi đường mà bất cứ ai thưởng thức cũng nhớ mãi không quên. Nơi đây chỉ còn lại là những mảnh vườn nhỏ nằm đan xen, lọt thỏm trong khu dân cư mới.

Ông Dương Văn Hùng, một trong ít hộ còn giữ được vườn bưởi đường tâm sự: “Từ khi đô thị phát triển, tình trạng ô nhiễm và triều cường cũng bắt đầu tăng, năm nào cũng bị bể bờ bao khiến nước tràn vào ngập lụt làm chết cây nên người dân rất nản. Cây bưởi đường có rễ chùm, rễ cám nên chỉ cần bị ngập nước trong vòng 24 tiếng đã khiến cây thối rễ. Do trồng mà không được hưởng khiến nhiều hộ nản, không muốn trồng nữa"

Từ năm 2008 đến nay, nhờ TP đầu tư làm tuyến đê bao ven sông Sài Gòn, giữ được ô nhiễm môi trường của sông Bến Cát, Tham Lương. Đồng thời lấy được nguồn nước từ sông Sài Gòn vào nên dần dần bà con phục hồi trồng bưởi, nhưng diện tích rất khiêm tốn, vì giống này không phải đất nào cũng trồng được.

Hơn nữa còn tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ và cây bưởi đường đâu phải là giống “mì ăn liền”, vì trồng sau 3 - 4 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Khi vườn bưởi đã phát triển thì sẽ cho ăn cả vài chục năm sau với điều kiện chăm sóc tốt.

Nhớ lại thời hoàng kim của cây bưởi đường An Phú Đông, ông Hùng kể: “Thời đó, người dân địa phương thường trồng bưởi giữa vườn và trồng lài xung quanh, khi thu hoạch lài có tiền lại tiếp tục đầu tư vào thâm canh bưởi. Đây là thời hoàng kim của cả cây lài và bưởi đường, vì sản phẩm hoa trái đều bán được giá cao, nhiều hộ có được nguồn thu “2 trong 1” đã phất lên vù vù".

Tính đến nay, gia đình ông Hùng đã bỏ hơn chục năm mới bắt đầu quyết định gây dựng lại vườn bưởi. Với kinh nghiệm trồng bưởi của ông, nếu để cây bưởi bị bệnh hay do già cỗi chết thì vườn đất sẽ bị "the" nên phải để đất nghỉ từ 5 - 10 năm mới trồng lại. Bưởi đường rất phù hợp trên vùng đất An Phú Đông, trồng cây chiết sẽ tốt hơn cây ghép.

Hiện khu vườn của ông Hùng có diện tích 4.000 m2 , bắt đầu trồng lại bưởi từ năm 2010 nhưng đến nay ráng lắm cũng chỉ giữ được khoảng 60 gốc bưởi đường. Trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua vườn bưởi đã được 4 tuổi và cho bói trái, thu được 20 cặp trái. Ông vừa làm quà biếu những gia đình anh em họ hàng, còn lại ít trái khách quen đến năn nỉ bán với giá 200.000 đ/cặp.

BẢO TỒN

Để chứng minh chất lượng giống bưởi đường quý, ông Hùng chạy ra vườn chọn hái 2 trái vừa chín vào mời chúng tôi thưởng thức. Tôi hỏi giống này mua từ đâu, ông bảo do ông tự chiết lấy tại vườn nhà và mua thêm của các vườn xung quanh về trồng.

Chúng tôi ghé thăm thêm một vài nhà vườn còn trồng bưởi, gặp ai cũng ngợi ca về giống bưởi đường và lấy làm tiếc vì càng ngày càng ít người trồng bởi quỹ đất đang giảm dần. Chị Trương Thị Thu Hương ở tổ 4, khu phố 4, phường An Phú Đông tâm sự: “Ngày trước vườn nhà tôi trồng khá nhiều loại cây trái như ổi, xoài, tắc và nhất là bưởi đường. Do nguồn nước bị ô nhiễm khiến cây trái cứ chết dần chết mòn. Gia đình cũng ráng chăm sóc muốn giữ lại giống bưởi đường nhưng một thời gian sau cũng chỉ còn vài cây sống sót”.

Theo chị Hương, sau khi hết thời hoàng kim của cây bưởi đường, nhiều hộ dân địa phương chuyển sang trồng cây cảnh, mai kiểng. Còn gia đình chị cũng cải tạo đất vườn trồng lài, gừng, riềng. Tuy nhiên, thị trường cây kiểng bị bão hòa, bán quá ế, hơn nữa trồng rất hao đất vì cứ bứng lên bán lại mất cả bầu đất, dần dần sẽ mất hết đất mặt, đất phù sa. Có người bảo trồng mai bán tết như trồng cây bán đất chứ có phải bán kiểng đâu, vì tính ra lời lãi chẳng ăn thua gì.

Anh Huỳnh Thế Trọng, Phó Chủ tịch  Hội Nông dân phường An Phú Đông cho biết: “Hiện cả phường còn khoảng 20 hộ dân trồng bưởi đường nhưng số lượng cây rất ít, chỉ 400 cây; thậm chí có hộ chỉ còn vài cây nhằm bảo tồn giống và cũng như muốn giữ lại chút tiếng tăm.

Bưởi đường An Phú Đông nổi tiếng vùng chiến khu xưa, trước kia bà con thường trồng để làm quà biếu và chưng bày ngũ quả ngày tết. Chất lượng bưởi đường có tiếng lan ra tận miền Bắc. Bất cứ ai khi một lần thưởng thức cũng không thể nào quên được vị ngọt của nó. Đã có nông dân mang giống bưởi đường này đi dự đấu xảo trái cây ngon thành phố, đạt được giải cao".

+ Người dân nơi đây vẫn còn nhớ khu vườn của ông Huỳnh Văn Đặng (Ba Đặng, nguyên Chủ tịch xã An Phú Đông) trước kia trồng nhiều bưởi đường nhất. Nổi tiếng vì đến cả những đoàn khách trung ương cũng về đây rất thích thưởng thức đặc sản này. Tuy nhiên con cháu ông Đặng cũng dần bán hết đất vườn và xây cất nhà ở, không còn giữ được gốc bưởi nào nữa. Hay những vườn trồng bưởi đường nhiều và nổi tiếng ở địa phương như hộ ông Sáu Nhỏ, hộ bà Mai…

+ “Hội Nông dân phường đang tiến hành khảo sát đánh giá lại toàn bộ diện tích bưởi thường bị ngập, đề xuất và vận động các hộ tham gia củng cố các đoạn đê bao khép kín để bảo vệ các vườn cây trái còn lại. Đồng thời, khuyến nông địa phương cũng có kế hoạch phân loại, tổ chức chiết cây nhân giống, hỗ trợ phân bón, tổ chức phòng ngừa sâu bệnh trên số bưởi còn lại để góp sức khôi phục bưởi đường”, ông Mã Huy Tân, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú Đông nói.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm