| Hotline: 0983.970.780

Cần xem lại một số tiêu chí

Thứ Tư 10/11/2010 , 10:36 (GMT+7)

Qua một năm tiến hành xây dựng mô hình NTM ở 8 xã theo 19 tiêu chí mà UBND tỉnh Thái Bình ban hành, chúng tôi thấy xuất hiện một số vướng mắc sau:

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, vào tháng 9/2009 Thái Bình đã chọn 8 xã của 7 huyện và thành phố thực hiện thí điểm xây dựng NTM. Tỉnh cũng ban hành Bộ tiêu chí cho mô hình xây dựng NTM, dựa theo tiêu chí của Chính phủ để các xã làm thí điểm. Mô hình gồm 19 tiêu chí với 41 hạng mục.

Qua một năm tiến hành xây dựng mô hình NTM ở 8 xã theo 19 tiêu chí mà UBND tỉnh ban hành, chúng tôi thấy xuất hiện một số vướng mắc sau:

Trước hết, bàn về 19 tiêu chí thấy có những vấn đề mâu thuẫn hoặc bất khả thi. Cụ thể tiêu chí 12 yêu cầu đến năm 2020 xã chỉ còn 25% lao động trong độ tuổi làm việc ở nông, lâm, ngư nghiệp; thế mà mục 3 của tiêu chí 14 yêu cầu đến năm đó tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt được trên 40%. Vậy còn 35% lao động chưa được đào tạo nghề họ có thể bỏ nông, lâm, ngư nghiệp mà đi sống bằng nghề khác được không? Tiêu chí 7 đòi hỏi xã phải có chợ đạt chuẩn Bộ Xây dựng. Chợ là một hoạt động văn hóa truyền thống, những xã có chợ rồi chỉ cần nâng cấp để đạt chuẩn thì dễ, những xã chưa có chợ mà xây dựng mới cho dù đẹp đẽ, khang trang cũng chưa chắc có người đến họp; mặc dù do nhu cầu trao đổi hàng ngày, những chợ cóc vẫn mọc lên ở ven lề đường. Tình trạng này xảy ra trên cả nước và ngay Thái Bình đã có một vài xã gặp phải.

Tiêu chí 10 yêu cầu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của xã phải gấp 1,5 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh. Và theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 4/6/2010, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM. Như vậy đến năm đó 50% số xã này chiếm 75% GDP khu vực nông thôn của tỉnh. Còn lại 50% số xã chưa đạt chỉ chiếm 25% GDP khu vực nông thôn thôi sao? Về mặt thực tiễn cần hiểu thu nhập bình quân đầu người theo GDP của tỉnh hay cả nước thường cao hơn thu nhập bình quân đầu người ở cơ sở, nhất là cơ sở nông thôn sản xuất nghề nông là chính.

Đặc biệt nông thôn Thái Bình, nơi đất chật người đông, phần lớn nông sản để tự cung, tự cấp, làm hàng hóa không nhiều, làng nghề thì manh mún, nhỏ lẻ, kỹ thuật chưa cao nên thị trường tiêu thụ nhỏ bé. Việc tính thu nhập bình quân đầu người cả nước hay của tỉnh bao gồm thu nhập thực tế của cơ sở cộng với phần thuế thu được từ cơ sở. Còn thu nhập bình quân đầu người ở cơ sở chỉ có phần thu nhập thực tế sau khi đã làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước và thanh toán các khoản dịch vụ. Xin nêu ví dụ: Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của Thái Bình đạt 870 USD, tương đương 17 triệu đồng. Vậy mà ở Vũ Hội huyện Vũ Thư, một xã làng nghề nổi tiếng, thu nhập đầu người mới đạt trên 12 triệu, xã Vũ Phúc ở TP Thái Bình, một xã không nghèo cũng mới đạt 9,4 triệu; nghĩa là còn cách xa thu nhập bình quân của tỉnh. Nếu so với thu nhập bình quân của cả nước 1200USD thì lại càng cách xa. Vậy về tiêu chí này, theo tôi nên xem xét lại.

Về vấn đề chỉ đạo thực hiện 8 xã điểm hiện nay ở Thái Bình được bao cấp hầu hết các hạng mục trong bộ tiêu chí. Tính đến tháng 9/2010, tỉnh đã chi cho 8 xã này hơn 144 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Bình quân mỗi xã trên 18 tỉ mà mới đạt từ 7 - 8 tiêu chí. Trong đó có những tiêu chí đã đạt từ trước như 3 trường đều đạt chuẩn Quốc gia (tiêu chí 5), an ninh, trật tự xã hội được giữ vũng (tiêu chí 19). Khi hoàn thành đủ 19 tiêu chí chắc phải đầu tư mỗi xã từ 50 - 60 tỉ. Vậy tới đây triển khai đại trà cho trên 270 xã còn lại, liệu tỉnh có đủ ngân sách đầu tư như 8 xã làm thí điểm không? Nếu không thì những bài học kinh nghiệm rút ra từ các xã làm điểm sẽ vận dụng được là bao? Các xã còn lại chắc không còn xã nào có khả năng tạo ra nguồn vốn lớn như vậy để xây dựng theo mô hình NTM. Bởi vì tiềm năng huy động vốn lớn nhất là đất mặt đường, nơi có giá cao thì các xã đã bán hết để xây dựng điện, đường, trường, trạm những năm qua rồi.

Vì vậy 8 xã làm điểm chỉ nên đầu tư công tác chỉ đạo là chính, còn ngân sách nếu ưu ái quá, lớn hơn rất nhiều các xã làm đại trà sau này thì những bài học kinh nghiệm rút ra từ những xã đó liệu có vận dụng được cho các xã làm sau không? Mặt khác nó còn tạo nên sự bất bình đẳng giữa các địa phương, tạo nên lý do để các xã làm đại trà bao biện cho việc tiến hành chậm và không chịu học hỏi các xã làm điểm. Nếu vậy thì việc xây dựng thí điểm hỏi còn có ý nghĩa gì? Bài học xây dựng điển hình xã Vũ Thắng của Thái Bình mấy chục năm trước vẫn còn đó.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất