| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lớn ngàn "héc"

Thứ Sáu 02/01/2015 , 08:15 (GMT+7)

Mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở ĐBSCL ngày càng được mở rộng nhưng chủ yếu liên kết theo hình thức “nông dân nhỏ, cánh đồng lớn”, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp. 

Tuy nhiên, ngay giữa vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên, có một đơn vị tư nhân đã mạnh dạn bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng CĐL khép kín từ khâu SX, chế biến, đến tiêu thụ với diện tích cả ngàn ha.

Người có công lớn trong việc xây dựng CĐL này là ông Nguyễn Trung Tín, GĐ Cty CP Nông lâm nghiệp Phan Minh (Kiên Giang).

Nặng lòng với cây lúa

Cuối tháng 11, khi những cơn gió đông thổi mạnh, cũng là lúc nước lũ ở ĐBSCL rút nhanh, để lại lớp phù sa trên mặt ruộng, báo hiệu một vụ lúa mới lại bắt đầu. Tôi bấm máy để hẹn gặp ông Tín. Đầu dây bên kia vang lên: “A lô, anh chuẩn bị vào ruộng, có đi thì đến cùng đi”. Chúng tôi ăn sáng vội vã rồi lên đường cho kịp một ngày làm việc. Do nằm giữa vùng lũ Tứ giác Long Xuyên nên giao thông chưa được kết nối thông suốt, muốn vào CĐL phải lên xe, xuống đò.

Sau hơn một giờ đi đường giao thông nông thôn; rồi luồn lách sông rạch, đò cặp bến, đập vào mắt chúng tôi là tấm biển lớn: “Ban quản lý cánh đồng mẫu lớn” được treo trước văn phòng (ở xã Nam Thái Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang), phía sau là ruộng lúa mênh mông.

Đang là cao điểm ngày mùa, ông Tín tập hợp anh em kỹ thuật phân công rất nhanh như người chỉ huy trên chiến trường: Tốp đi sạ phân, tốp xuống giống, tốp làm đất… Nhận “lệnh”, họ túa ra đồng, cùng lao động phổ thông đã được thuê mướn sẵn bắt tay vào việc.

Vừa lội ruộng, ông Tín vừa phân trần: “Chỉ vì nặng lòng với cây lúa mà giờ vất vả lội sình, giăng nắng như thế này. Làm nông miệt nhưng cũng có cái vui của nó”. Ông Tín vốn là dân kinh doanh lúa gạo, phó giám đốc một Cty chế biến, xuất khẩu gạo lớn ở TP.HCM. Trong những chuyến đi tìm vùng nguyên liệu, đầu tư hợp tác làm ăn, ông đã chọn Kiên Giang làm đất cắm dùi. Từ chỗ đi thu mua, hợp tác tiêu thụ, ông lại thích trực tiếp làm ra hạt lúa, củ khoai.

“Ban đầu cũng chỉ là ý tưởng kiếm 15 - 20 ha đất, vừa làm ruộng vừa vui thú điền viên. Ai ngờ UBND tỉnh Kiên Giang lại đang có chủ trương đầu tư xây dựng hình mẫu về CĐL, nếu đầu tư làm thì họ sẽ giao đất. Thế là tôi gật đầu làm”, ông Tín nói về quá trình hình thành dự án.

Thế nhưng khi nhận đất mới thấy phát hoảng: 1.200 ha vốn là đất rừng trồng tràm, bạch đàn đã khai thác. Mặt ruộng mấp mô mương liếp, gốc tràm ngổn ngang, cỏ dại mọc um tùm… Đứng chỗ nào cỏ, sậy cũng cao quá đầu người. Cả một vùng đất rộng mênh mông hoang hóa như chưa hề có dấu ấn bàn tay con người.

Đứng trên bờ đê chỉ tay về những thửa ruộng đã lên xanh, ông Tín nói như kể công: “Để có được những ruộng lúa như ngày hôm nay, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều tiền của, công sức. San ủi mặt bằng đã khó vì toàn là gốc cây nhưng việc trị phèn, rửa phèn để cây lúa sống được còn khó hơn gấp bội. Nước trong ruộng lúc nào cũng đỏ quạch như pha trà, đến con cá cũng không sống nổi”.

Tính đến nay, tổng số tiền Cty Phan Minh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng CĐL này là trên 55 tỷ đồng, đó là chưa kể vốn đầu tư trực tiếp cho SX. Trong đó, chi phí bồi hoàn toàn bộ khu đất hết 24 tỷ đồng. Múc hàng triệu m3 đất để làm hệ thống kênh mương, đê bao chống lũ, san ủi mặt bằng hết gần 21 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn kéo điện lưới 3 pha dài hàng chục cây số để phục vụ tưới tiêu, xây dựng nhà kho, trụ sở làm việc… Hiện nay, việc đầu tư cơ sở hạ tầng toàn bộ khu đất đã hoàn thiện, khép kín, chống lũ tốt, sẵn sàng cho việc SX. Những diện tích khai phá sớm đến nay đã xuống giống được 4 vụ, kể cả vụ lúa ĐX 2014-2015 này.

Theo ông Tín, vụ đầu tiên xuống giống cây lúa không chịu được phèn nên phát triển rất kém, nhiều nơi phèn nặng lúa cứ chết lụi dần. Đầu tư nhiều mà không hiệu quả nên anh em cũng nản chí. Nhưng đến cuối vụ, những cây lúa sống sót đã đơm bông kết trái, phảng phất hương thơm, rung rinh trong gió như vẫy chào, níu kéo bước chân mọi người.

Kết quả đó khiến cho mọi người cảm thấy vui, dù năng suất ban đầu rất thấp, chỉ từ 2 - 2,5 tấn/ha. Rồi mọi người lại hăng say bắt tay vào làm vụ tiếp theo. Đến nay, một số diện tích đất đã "thuần", có thể SX 3 vụ lúa/năm và là nơi chuyên SX lúa giống để cung cấp cho toàn cánh đồng.

Ngoài trực tiếp đầu tư làm CĐL để đảm bảo vùng nguyên liệu cho chính mình, những năm qua Cty Phan Minh Kiên Giang còn thực hiện bao tiêu lúa cho nông dân làm CĐL trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, vụ ĐX 2013-2014, Cty được Sở NN-PTNT Kiên Giang phân bổ diện tích bao tiêu 4.000 ha, ở các huyện Tân Hiệp, Hòn Đất, với các giống lúa ST 10, ST 20 và Jasmine 85.
Sản lượng lúa thực tế Cty đã thu mua theo hợp đồng bao tiêu với nông dân trong vụ này là 3.900 tấn, góp phần vào việc bình ổn thị trường, giảm áp lực tiêu thụ khi thu hoạch rộ.

“Từ một vùng đất hoang hóa mà chỉ một thời gian ngắn Cty đã cải tạo, xây dựng thành cánh đồng lúa mênh mông. Đó là cả một sự nỗ lực và được đánh giá là một trong những án nhận khoán giao đất tại vùng Tứ giác Long Xuyên được triển khai, đưa vào SX nhanh nhất”, ông Tín tự hào nói về CĐL của mình.

Quy trình khép kín

Để làm lúa đạt hiệu quả, với chi phí thấp nhất có thể, ông Tín cho biết: “Ban quản lý CĐL chúng tôi đặc biệt quan tâm đến yếu tố kỹ thuật, giống và cơ giới hóa đồng bộ”. Về yếu tố kỹ thuật, trước hết là thiết kế đồng ruộng phải hợp lý, phân lô, đào kênh sao cho việc thoát nước, xả phèn thật tốt. Nếu chia lô quá lớn sẽ khó cho việc quản lý nhưng chia nhở lại mất đất, khó áp dụng cơ giới hóa. Mặt bằng ruộng phải làm thật kỹ, thời gian tới sẽ tiếp tục làm phẳng bằng máy có gắn hệ thống laser. Đê bao quanh được thiết kế cao và rộng, mặt ủi phẳng, vừa chống lũ vừa kết hợp làm giao thông nội đồng, xe ôtô có thể lưu thông dễ dàng.

Các loại máy móc phục vụ SX đều được Cty đầu tư trực tiếp hoặc hợp đồng liên kết, có thể khép kín từ khâu làm đất, đến phun xịt thuốc, thu hoạch, sấy khô, bảo quản… Hiện Cty cũng đã làm xong hàng chục hệ thống bơm điện công suất lớn, phục vụ tốt cho việc canh tác. Theo ông Tín, bơm điện là một trong những yếu tố hạ giá thành SX, vì chi phí bơm điện chỉ bằng 1/3 so với chạy bằng dầu diezel.

Về khâu kỹ thuật, ngoài 40 kỹ sư nông nghiệp và lao động làm việc trực tiếp, Ban quản lý CĐL còn ký kết hợp đồng với Trung tâm KN-KN Kiên Giang, đưa cán bộ khuyến nông cơ sở xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, cách phòng trừ sâu, bệnh trong suốt mùa vụ.

Mục tiêu mà Cty hướng tới là nên nông nghiệp hữu cơ, làm ra gạo sạch để phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Vì vậy, các sản phẩm phân bón hữu cơ, sinh học luôn là ưu tiên số 1, hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học. Hiện nay, về cung cấp vật tư đầu vào Cty đang liên kết với một số đơn vị chuyên về sản phẩm hữu cơ, vi sinh như: Lio Thái, Suna, Việt Sinh Kiên Giang… Giống lúa được Cty ưu tiên lựa chọn đưa vào canh tác là các loại lúa thơm, hạt dài, chế biến xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Trong đó, có 80 ha chuyên làm lúa Nhật cho đơn vị liên kết phục vụ xuất khẩu.

Ông Tín cho biết thêm: “Để khép kín quy trình SX, thời gian tới Cty sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng kho lúa sức chứa 20.000 tấn, lò sấy công suất 400 - 500 tấn/ngày, nhà máy xay xát công suất 30 tấn/giờ, lau bóng gạo công suất 16 -20 tấn/giờ”.

Tuy nhiên, theo ông Tín, cái khó hiện nay là do đất chưa được cấp giấy chứng nhận, nên việc triển khai xây dựng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Ngay cả các chính sách ưu đãi theo Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ chi phí khai hoang ban đầu, hỗ trợ giống lúa trong vòng một năm đến nay Cty cũng chưa thể tiếp cận, dù nhiều diện tích đã được đưa vào SX mấy năm nay. Kéo theo đó là không thể vay vốn ngân hàng vì không có gì thế chấp, trong khi nhu cầu vốn đầu tư trực tiếp cho SX là rất lớn.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm