| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc cà phê đầu mùa mưa

Thứ Sáu 17/05/2013 , 10:37 (GMT+7)

Mặc dù trễ nhưng cuối cùng Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cũng đã có mưa tương đối đều trên diện rộng và công việc của nông gia lại tất bật.

(Diễn giả: TS. Tôn Nữ Tuấn Nam, KS. Nguyễn Đăng Huy (Cty CP Phân bón Bình Điền)

Mặc dù trễ nhưng cuối cùng Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cũng đã có mưa tương đối đều trên diện rộng và công việc của nông gia lại tất bật. Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ cũng giống như mùa xuân ở các tỉnh phía Bắc, cây trái đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái để bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng và phát triển mới.

Tuy nhiên điều khác biệt có thể dễ nhận thấy nhất là mùa xuân phía Bắc thì mát mẻ, ẩm ướt còn mùa mưa phía Nam là mưa nắng xen kẽ khiến cho cây đủ ẩm, đủ ấm để phát triển thì cũng tạo điều kiện cho nấm bệnh sinh sôi phát triển. Bởi nên những ngày đầu mùa mưa nhà nông thường phải kết hợp cả 2 công việc, vừa cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng cho cây vừa tiến hành các công việc phòng trừ sâu bệnh.

CẦN BÓN BAO NHIÊU PHÂN?

Mỗi năm tối thiểu phải bón phân hóa học cho cà phê 3 lần, chia ra đầu, giữa và cuối mùa mưa. Lượng mưa trong những ngày qua ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là khá đều trên diện rộng nên cần phải tiến hành ngay việc bón phân đợt 1 cho cà phê.

Ở lần bón này yêu cầu phân có hàm lượng cao nhất là đạm, sau đó là phân lân và cuối cùng là kali. Lượng bón tùy thuộc tình trạng cụ thể của từng vườn nhưng căn cứ lớn nhất là dựa vào năng suất cà phê mà chủ vườn mong muốn và khả năng đáp ứng của năng lực vườn cây.

Thông thường, trên đất bazan muốn có năng suất cà phê đạt 3 tấn nhân khô/ha thì phải cung cấp khoảng 220 kg N - 80 kg P2O5 - 260 kg K2O (trên đất xám 320 kg N, 90 kg P2O5, 270 kg K2O). Nếu bón phân hỗn hợp thì trên đất bazan với năng suất 3 tấn nhân khô/ha phải bón khoảng 1,8 tấn phân NPK (cả năm), sau đấy nếu muốn thêm 1 tấn năng suất nữa thì lượng phân bón cần tăng thêm là 500 kg/ha. Tuy nhiên cũng chỉ nên duy trì năng suất bình quân 4 tấn/ha mà không nên cố đạt năng suất cao 5 - 6 tấn/ha vì năng suất cao dễ làm cho cây bị suy, không bền vững.

SỬ DỤNG PHÂN ĐƠN HAY NPK?

Nếu xét về giá trị hàng hóa đơn thuần thì phân đơn (mua riêng urê, SA, lân supe, lân nung chảy, DAP, kali về trộn theo tỷ lệ rồi đem bón) có giá rẻ hơn NPK. Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên mà từ năm 2000 đến nay, lượng tiêu thụ phân NPK tăng vọt, bởi ngoài việc cân đối các dinh dưỡng đa lượng chính, trong phân NPK còn có các dinh dưỡng trung vi lượng nên khiến cho cây hấp thụ tốt hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.

Phân bón Đầu trâu tăng trưởng chuyên dùng cho cà phê được coi là tối hảo cho lần bón đầu mùa mưa này. Với công thức 19% N, 12% P2O5 và 6% K2O đã thỏa mãn nhu cầu các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng. Ngoài ra cón có nhiều Ca, Mg, Bo nên hiệu quả mang lại rất cao. Lượng bón khoảng 600 gr/gốc.

Với những vườn cà phê đã có tuổi thọ trên 15 năm, cần lưu ý thêm rằng về lượng bón vẫn phải căn cứ vào mục tiêu năng suất (bón lần này khoảng 600 - 700 gr/gốc) nhưng lúc này vườn đã kém tơi xốp nên cần phải bón thêm vôi 500 kg/ha, 2 năm bón 1 lần, sử dụng nhiều phân hữu cơ và bổ sung thêm dinh dưỡng qua con đường phân bón lá.

LÀM SAO CHỐNG DƯ THỪA LƯU HUỲNH?

Điều bất ngờ nhất trong kết quả khảo sát thổ nhưỡng năm 2012 trên đất cà phê ở Tây Nguyên là đất bắt đầu có hiện tượng dư thừa lưu huỳnh (S). Lưu huỳnh rất cần thiết cho cà phê nhưng nếu trong đất dư thừa quá cũng sẽ gây độc cho cây. Bình quân hàm lượng S trong đất chỉ cần trong phạm vi từ 30 - 100 ppm, nhưng nhiều mẫu đã vượt trên 100 ppm, thậm chí 300 ppm.

Việc lưu huỳnh dư thừa trong đất là do nhiều năm liên tục nông dân đã dùng đạm SA, hoặc sử dụng NPK có hàm lượng lưu huỳnh cao như NPK Philippine 16-16-8-13S. Phân tích cho thấy cây cà phê cần khoảng 99 kg S để tạo nên năng suất 4 tấn, mà trong 1 tấn đạm sun phát a môn (SA - (NH4)2SO4) có tới 240 kg S, trong 1 tấn phân NPK 16-16-8-13S có 130 kg S.

Để hạn chế lưu huỳnh bón vào đất, Bình Điền là đơn vị đầu tiên của VN đã thành công trong việc SX NPK bằng công nghệ urê hóa lỏng. Về lý thuyết đây là công nghệ không mới nhưng về mặt kỹ thuật lại khó nên rất ít nơi làm được. Nhờ công nghệ này mà hàm lượng S trong phân Đầu trâu tăng trưởng và Đầu trâu chắc hạt chỉ còn 5%, vừa đủ đáp ứng cho nhu cầu của cây mà không sợ dư thừa.

Kỹ thuật bón cho cây cũng rất quan trọng, bón không nông qúa cũng không sâu quá. Lớp rễ hút dinh dưỡng chủ yếu nằm ở độ sâu 0 - 20 cm, bởi vậy nếu bón nông quá thì phân dễ thất thoát, bón sâu quá thì khi gặp mưa lớn, phân sẽ theo đường trực di xuống tầng dưới sâu hơn, rễ cây không hấp thu được.

Các nhà khoa học khuyến cáo là bón phân 3 lần trong mùa mưa, tuy nhiên nếu có điều kiện nên chia thành 4 lần bón thì khoảng cách giữa các lần bón rút xuống chỉ hơn 1 tháng thay vì 1,5 tháng, điều này sẽ giúp cây chống rụng trái non tốt hơn.

Việc cây gặp mưa và phân bón tốt tất nhiên sẽ đâm nhiều cành nhánh mới. Sau khi bón phân khoảng 3 tuần lễ cần nhẹ nhàng tỉa bớt cành nhánh mới ra để tạo cho vườn thông thoáng, ít che lấp nhau, hạn chế được bệnh rỉ sắt và nấm hồng là 2 bệnh chính rất dễ bộc phát vào đầu mùa mưa.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm