| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Hà Nội ngày càng khởi sắc

Thứ Tư 04/09/2013 , 10:18 (GMT+7)

Những năm qua, chăn nuôi Hà Nội đã chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng.

Trung tâm Phát triển chăn nuôi thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả liên kết chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm đến năm 2013 và giải pháp trong thời gian tới.

Tham dự có ông Hoàng Thanh Vân, Thành ủy viên, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội; ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi…

Những năm qua, chăn nuôi Hà Nội đã chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đàn trâu bò đạt gần 160.000 con, trong đó bò sữa đạt 12.500 con, đàn lợn đạt 1,42 triệu con, đàn gia cầm 19 triệu con. Tỷ trọng của chăn nuôi đạt trên 52% trong cơ cấu nông nghiệp.

Nét đặc trưng của chăn nuôi Hà Nội là phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm như bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh, Phúc Thọ…; lợn ở Ứng Hòa, Thạch Thất, Sơn Tây…; gà ở Sóc Sơn, Thanh Oai, Phú Xuyên… Song song với đó, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư để giảm thải ô nhiễm môi trường.

Để ổn định đầu ra cho sản phẩm của người chăn nuôi, TTPTCN đã tập trung triển khai xây dựng và phát triển sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm và có chính sách gắn kết giữa người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố; tư vấn hỗ trợ thành công 2 nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm gồm trứng gà sạch Tiên Viên, trứng gà 729 của trại Nguyễn Hữu Phú (xã Yên Bài, Ba Vì).

8 sản phẩm đặc thù của thủ đô như “gà đồi Ba Vì”, “gà đồi Sóc Sơn”, “vịt Vân Đình”, “trứng vịt Liên Châu”’ “vịt Đại Xuyên”, “gà Mía”, “thịt lợn hữu cơ Bảo Châu”, “thịt bò Hà Nội” cũng đang được tư vấn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu tập thể .

Từ những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời đó, Trung tâm đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối, giúp các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có được nguồn nguyên liệu ổn định, có nguồn gốc, đồng thời, các trại chăn nuôi quy mô lớn có đầu ra thường xuyên, liên tục. Chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trứng sạch Tiên Viên là ví dụ điển hình.

Ông Đặng Đình Tiên, chủ trang trại trứng gà Tiên Viên cho biết: "Năm 2003, do dịch bệnh H5N1 hoành hành trên cả nước, diễn biến phức tạp gây tổn thất to lớn cho người chăn nuôi. Nhiều trang trại đã không bán được trứng, phải cho cá ăn hoặc chế biến sang dạng khác. Trang trại Tiên Viên đứng trước nguy cơ phá sản. Khi ấy, tôi đã ý thức được rằng muốn bán và tiêu thụ được sản phẩm thì trước hết phải làm đúng theo quy trình kỹ thuật đối với con gà.

Đặc biệt là phải chủng ngừa vaccine H5N1 theo đúng chỉ dẫn của cán bộ thú y. Chính vì ý thức và làm tốt được như vậy cho nên đàn gà của trang trại Tiên Viên luôn có hiệu quả kháng thể cao trong khu vực và trên địa bàn, toàn bộ đàn gà được bảo toàn qua giai đoạn khốc liệt ấy".

Từ năm 2011, được sự định hướng, quan tâm giúp đỡ của TTPTCN, Cty CP Tiên Viên đã củng cố chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ, xây dựng được 8 trại chăn nuôi khép kín, thiết bị chăn nuôi hiện đại. Quy mô chăn nuôi hàng năm là 4 vạn gà hậu bị, 3,5 vạ gà đẻ, cung cấp cho chuỗi trên 3 vạn trứng mỗi ngày.

Từ thành công của mô hình, 20 hộ chăn nuôi gia cầm tại địa phương đã tham gia vào các chuỗi, các trang trại này cung cấp thường xuyên gần 4 - 5 vạn trứng/ngày. “Để ổn định đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi đã hình thành 4 kênh tiêu thụ chính gồm: 1 nhà máy phân phối, cung cấp trứng cho 72 cửa hàng bán lẻ (chiếm 50,6% sản lượng); tiếp thị cung ứng cho 18 bếp ăn, nhà hàng, khách sạn; 8 gian hàng siêu thị và 7 hợp đồng cung ứng trứng với số lượng ổn định cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Nhờ vậy, doanh thu của các bên không ngừng được tăng trưởng”, ông Tiên nói.


Giết mổ gia cầm đảm bảo ATVSTP

Nhắc tới những kết quả trong phát triển chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư trên địa bàn thành phố, không thể không kể về câu chuyện điển hình ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai.

Trước năm 2011, tình hình chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn, một mặt do trình độ chăn nuôi lạc hậu, quy mô chuồng trại nhỏ lẻ, manh mún và đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh ấy, năm 2007, Trại lợn của Cty CP Chăn nuôi & dịch vụ tổng hợp Hoàng Long được xây dựng trên diện tích 2,18 ha; công suất chăn nuôi khởi điểm là 300 lợn nái và khoảng 2.000 con lợn thịt.

Tuy nhiên, với nguồn vốn hạn hẹp cộng với việc gặp khó khăn như giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, giá thức ăn đầu vào tăng không ngừng trong khi giá lợn hơi lại không đảm bảo lợi nhuận nên Cty gặp nhiều khó khăn, không hoàn thành được kế hoạch.

Quyết định 2801 của UBND TP Hà Nội ra đời vào 6/2011 là nguồn động viên lớn giúp cho ngành chăn nuôi trên địa bàn giảm bớt khó khăn với những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung ngoài khu dân cư.

“Nhận được gần 1,8 tỷ đồng hỗ trợ của thành phố, chúng tôi đã hoàn thành xong hệ thống chuồng lợn nái và khu úm lợn con, nâng công suất chăn nuôi từ 300 lợn nái lên 600 con vào cuối năm 2011”, ông Trần Trọng Long, GĐ Cty Hoàng Long chia sẻ.

Bên cạnh những thành tựu to lớn trong chăn nuôi, khâu giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn cũng đạt được những thành tựu đáng mừng. Hiện có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; 10 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, thủ công tập trung và hơn 400 điểm giết mổ quy mô nhỏ.

 Việc tổ chức kiểm kịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vẫn tồn tại những hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, thôn Đỗ Xá, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, đại diện Cty CP Thương mại Lan Vinh (kinh doanh giết mổ gia cầm và sơ chế, chế biến thịt gia cầm sạch) cho biết: "Ở xã Yên Thường có rất nhiều hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ, bừa bãi. Họ không có giấy phép kinh doanh, không có đủ điều kiện vệ sinh thú y, không cần trang bị cần thiết để phục vụ giết mổ an toàn…

Mỗi ngày, họ nhập từ 2 - 3 xe ô tô gà không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nước thải từ giết mổ thải ra rực tiếp xuống cống rãnh gây ô nhiễm môi trường. Đây là những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, gây sức ép ghê gớm cho cơ sở kinh doanh của chúng tôi".

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Thanh Vân, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội đánh giá cao những kết quả rất đáng khâm phục mà ngành chăn nuôi của thành phố đã đạt được trong thời gian qua; đặc biệt là những hoạt động tư vấn, hỗ trợ, làm cầu nối gắn kết doanh nghiệp và người chăn nuôi của TTPTCN, từ đó hình thành các mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ và chế biến - tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo hướng hiện đại hóa.

Tuy nhiên, ông Vân cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành là, sự gặp gỡ giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng chưa nhiều và chưa gắn bó. Những trở ngại cố hữu về mất VSATTP trong khâu giết mổ chưa được cải thiện đáng kể. Bằng chứng là tỷ lệ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố chiếm tới 80%. Việc chở lợn mổ rồi không có dụng cụ che chắn trên đường phố diễn ra rất phổ biến, quen thuộc trong mắt người dân thủ đô.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa những người chăn nuôi, các doanh nghiệp trong ngoài nước khiến một số thời điểm, sản phẩm chăn nuôi bị ép giá nghiêm trọng, làm thất thoát thu nhập của các bên.

Ông Vân lưu ý nhiều nội dung quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển mô hình chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Thứ nhất, phải hết sức quan tâm đến công tác truyền thông. “Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Dù chúng ta có làm tốt tất cả các khâu, từ SX giống, thức ăn, chế biến… nhưng người tiêu dùng không biết tới thì chắc chắn thất bại”, ông Vân nói.

Thứ hai, nhất thiết phải tiến hành xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm. Người đứng tên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm của mình để không làm bừa, làm bậy.

Thứ ba, cần phải có sự phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các bên tham gia phối hợp; minh bạch công khai về lợi nhuận giữa các khâu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao trong chăn nuôi nhằm tạo ra những mô hình mới, tập trung, quy mô lớn, từ đó xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ…

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm