| Hotline: 0983.970.780

Chạy đua với vụ hè thu

Thứ Hai 27/06/2011 , 11:50 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá nên vụ đông xuân đã giãn ra, lấn vào thời gian của vụ sau làm người nông dân Quảng Bình như “vắt chân” lên cổ để chạy đua với vụ hè thu...

Đến thời điểm cuối tháng 6/2011, có thể nói vụ đông xuân ở Quảng Bình đã kết thúc thắng lợi. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá từ đầu vụ làm quá trình sinh trưởng cây lúa kéo dài nên vụ đông xuân đã giãn ra, lấn vào thời gian của vụ sau làm người nông dân như “vắt chân” lên cổ để chạy đua với vụ hè thu...

Theo tính toán của các địa phương, vụ hè thu năm nay sẽ chậm tiến độ từ 20 đến 30 ngày. Với vụ hè thu thì đây là khoảng thời gian “chết người”, cây lúa rất dễ làm “mồi” cho lũ lụt. Đặc biệt, ở những vùng thấp trũng thì những cơn lũ sớm càng đe dọa nhiều hơn. Để hạn chế sự cố chậm vụ hè thu, theo ông Hoàng Văn Mịn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì sự chỉ đạo đối với cơ sở là khẩn trương thu hoạch vụ đông xuân với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”, đồng thời tiến hành cày ải ngay những diện tích đã gặt, tận dụng cơ giới trong thu hoạch, làm đất để đẩy nhanh tiến độ và khẩn trương xuống giống…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Trước tình hình chậm thời vụ, huyện chỉ đạo các địa phương sử dụng các giống lúa cực ngắn và hỗ trợ bù giá cho bà con. Đó cũng là cách chạy đua với vụ hè thu”. Tại xã An Ninh (huyện Quảng Ninh), bà con bám đồng để vừa tiết nước vừa gieo. Anh Nguyễn Duy Viên - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho biết: “Năm nay vụ hè thu chậm đến 20 - 30 ngày so với lịch nông vụ, với địa bàn thấp trũng của địa phương thì đây là một bất lợi lớn, vì vậy HTX sẽ sử dụng các giống cực ngắn như CN2, 504… để phòng lũ sớm”.

Khi làm vụ hè thu bằng lúa tái sinh thì không phải lo chuyện lũ lụt dù đó là rốn lũ Lệ Thủy. Tuy nhiên, mùa vụ quá chậm cũng phải cảnh giác với lũ sớm. Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho rằng: “Dù là lúa tái sinh, không thể chủ quan. Hơn nữa, năm nay một số địa phương đã làm lại vụ hè thu bằng gieo cấy thông thường chứ không để tái sinh 100% diện tích như những năm trước nên cũng phải chỉ đạo dùng lúa ngắn ngày để chạy đua với lũ sớm”.

Bên cạnh việc đẩy nhanh mùa vụ, ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đang sát cánh cùng bà con nông dân tiếp tục thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, phòng trừ dịch bệnh góp phần giành thắng lợi vụ thứ hai của một năm đầy khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp.

Từ sáng sớm đến chiều tối, trên mọi cánh đồng ở Lệ Thuỷ không ngớt bóng người. Đây cũng là thời điểm nông dân vào gặt gấp ở giai đoạn cuối và “đánh nhanh” khâu làm đất để nhanh chóng xuống giống. Những vạt ruộng vừa gặt xong buổi sáng thì buổi chiều máy cày đã xeo xéo chạy xới lật những gốc rạ tươi, ngậy lên mùi đất và ngai ngái mùi rạ. Vụ hè thu năm ngoái, Lệ Thuỷ có khoảng 9.000 ha lúa chủ yếu tái sinh, năm nay, các địa phương chuyển và tăng diện tích gieo trên 2.300 ha (còn lại khoảng trên 7.500 ha lúa tái sinh) nên người nông dân cũng tất bật chia việc.

Anh Nguyễn Văn Can (xã An Thuỷ) cùng vợ và con vận chuyển thóc được đóng bao vừa gặt chở về bằng xe công nông. Dưới gốc cây xoài rợp bóng mát, bà cụ mẹ anh Can lúi húi dọn bữa trưa cho cả gia đình, hối thúc mọi người vận chuyển nhanh để ăn trưa kẻo đói. Hất xong bao lúa cuối cùng nặng trịch vào đống giữa nhà, lau mồ hôi đang tứa ra, anh Can lục túi lấy chiếc điện thoại bấm số rồi nói to như đang phát biểu giữa cuộc họp xóm: “Chú Lực à, chiều nay tranh thủ chạy cày vỡ cho tôi mẫu ruộng gần cống An Sơn luôn nhé”.

Trên vùng núi cao Tuyên Hoá, cán bộ Phòng NN-PTNT đã tích cực bám sát cơ sở, động viên bà con đẩy nhanh thu hoạch, làm đất để khắc phục việc chậm mùa vụ. Ông Nguyễn Tri Phương - Trưởng phòng NN-PTNT đưa ra phương án khá ấn tượng: “Một mặt chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân sử dụng giống lúa ngắn ngày; mặt khác thực hiện gieo mạ trong sân nhà rồi đưa ra cấy trên ruộng. Với cách làm này có thể rút ngắn thời gian từ 10-15 ngày so với gieo như hiện nay”.

Ông Nguyễn Thanh Kiếm - Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Bình cho biết: “Hiện Cty đã có kế hoạch cụ thể để chủ động tưới tiêu cho diện tích cây trồng vụ hè thu. Chủ động trữ nguồn nước đệm trên đồng ruộng để có thể tưới cho diện tích sớm nếu gặp khô hạn kéo dài. Ngoài ra, để phục vụ tốt nhiệm vụ tưới tiêu, Cty đẩy mạnh đầu tư cho các công trình thủy lợi, cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng”.

Buổi trưa, nắng vẫn như cháy trên đầu. Trên cánh đồng ngoài, chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Bắc Trạch - Bố Trạch) vẫn cần mẫn bưng thúng lúa giống gieo. Phía sau, chồng chị đeo bình phun thuốc diệt cỏ. Gieo xong thúng lúa giống, chị Hạnh tháo khăn che mặt cho đỡ bức, nói như kể cho vơi chút mệt nhọc: “Chưa có năm nào mùa vụ thúc vào lưng thế này. Nhà nào cũng tranh thủ làm luôn cả buổi trưa. Nhà cách cũng không xa nhưng tôi phải bới cơm trưa ra ăn tại đồng để gieo cho kịp trong ngày mấy sào ruộng ở đây. Ngày mai còn gieo ở vùng đồng trên nữa. Đúng là chạy như chạy lũ năm ngoái”.

Trước tình trạng chậm mùa vụ và các địa phương đồng loạt sử dụng giống lúa ngắn ngày, liệu có xẩy ra tình trạng thiếu giống? Khi đặt vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Kỳ - Phó Giám đốc Cty Giống cây trồng tỉnh cho biết: “Phía Cty đã chuẩn bị trên 1.000 tấn giống, đáp ứng đủ nhu cầu cơ cấu giống cho các địa phương trong tỉnh. Những loại giống chủ lực ngắn ngày như HT1, PC6, Khang dân, DV108 và giống cực ngắn như CN2... và một số giống mới, chất lượng cao”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm