| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược nâng cao giá trị lúa gạo: Nhìn từ một doanh nghiệp

Thứ Tư 26/11/2014 , 08:15 (GMT+7)

Nhìn về tương lai phục vụ cho SX trên cánh đồng lớn, Cty CP BVTV An Giang nhận thức khoa học- công nghệ sẽ góp phần quan trọng giúp gia tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh.

Đáng tiếc, do thiếu chính sách, những DN như thế chưa nhiều...

Từ năm 2012, Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) đã đầu tư thành lập Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DT ARC). Việc một Cty cổ phần thành lập trung tâm nghiên cứu là một hiện tượng mới tại Nam bộ.

Cũng từ đây các cán bộ di truyền giống đã lai tạo chọn lọc thành công một giống lúa cao sản ngắn ngày, trồng được ba vụ trong năm trong tất cả các vùng sinh thái đồng bằng: hạt rất dài (> 7,5 mm), chất lượng cơm không thua kém các giống lúa mùa địa phương quang cảm ở thượng nguồn Mekong (Thái Lan, Campuchia).

Chiến lược phát triển

AGPPS là nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam, DN tiên phong xây dựng thành công mô hình “chuỗi sản xuất lúa gạo theo qui trình bền vững” giúp thay đổi cuộc sống cho nông dân và cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao trên khắp toàn cầu.

Theo kế hoạch đến năm 2018, Cty sẽ xây dựng 12 nhà máy sấy lúa và chế biến lúa gạo với công suất 2,4 triệu tấn lúa/năm, chiếm 9% tổng nhu cầu của toàn ĐBSCL.

Song song với việc chọn lựa những nông dân có diện tích canh tác lớn, yêu thích khoa học kỹ thuật để hợp tác, Cty khích lệ những nông dân có diện tích nhỏ, liền kề, gần nhà máy, phá bỏ ranh giới bờ thửa để tạo thành những thửa ruộng rộng lớn hơn và trồng cùng một giống với một qui trình kỹ thuật thống nhất trong cánh đồng lớn (CĐL) vùng nguyên liệu của Cty.

Trước đây, các Cty thành viên của Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood II) không có chủ trương hình thành vùng nguyên liệu của chính mình. Hiện nay Vinafood II đang bắt tay liên kết hợp tác với AGPPS vì hướng phát triển chung của nền nông nghiệp Việt Nam.

Đoàn lãnh đạo Vinafood II đã đến tham quan các nhà máy, vùng nguyên liệu của Cty và tìm hiểu nông dân cộng tác viên; đồng thời AGPPS tổ chức các lớp tập huấn chia sẻ kinh nghiệm cho các cán bộ, nhân viên của Vinafood II về: Tổ chức vùng nguyên liệu, quản lý vùng nguyên liệu, thuyết phục và quản lý nông dân, quản lý qui trình kỹ thuật...

Trước vụ ĐX 2014-2015, AGPPS đã bán cho Vinafood II 850 tấn giống cấp xác nhận đáp ứng cho vùng nguyên liệu. Đội ngũ FF (Framers’ Friends - bạn nhà nông, nay gọi là lực lượng "ba cùng") của AGPPS tại các tỉnh ĐBSCL sẽ tư vấn kỹ thuật cho vùng nguyên liệu của Vinafood II. Cuối vụ Vinafood II sẽ thu mua lúa của nông dân.

Sự hợp tác mới hy vọng mang lại hiệu quả, giải quyết ổn định đầu ra trên CĐL ngày càng mở rộng, SX lúa gạo an toàn, truy xuất được nguồn gốc, góp phần gia tăng thu nhập nông dân trồng lúa, xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam.

Thách thức phía trước

Ngoài mô hình CĐL của Cty AGPPS, còn lại trên thực tế DN tham gia đầu tư tổ chức SX, thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa nhiều.

04-31-45_thu-hoch-lu-o-dbscl-nh-le-hong-vu
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Ngày nay sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt trong hội nhập quốc tế. Do đó nhà nước cần tài trợ chi phí phân tích dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng…cho những lô hàng xuất khẩu nông sản của DN.
DN được hỗ trợ những thông tin thị trường các nước thông qua tham tán thương mại của đại sứ quán Viện Nam ở nước ngoài, từ đó giúp giới thiệu thương hiệu hàng nông sản Việt Nam ra thế giới.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của nhà nước là bà mẹ, bà đỡ trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân, nông dân có tính chất quyết định. Những DN mới thành lập trong lĩnh vực nông nghiệp giống như những đứa trẻ sơ sinh vẫn cần có hơi ấm từ lồng ngực trong vòng tay của mẹ.

Từ năm 2010 đến nay, AGPPS đã đầu tư được 5 nhà máy, công suất chế biến 100.000 tấn/năm, mặt bằng 14 ha với vốn đầu tư 140 tỷ đồng/nhà máy. Mặc dù tất cả các nhà máy đã đi vào hoạt động, kinh doanh lương thực đã có lợi nhuận, nhưng hiện vẫn chưa có nhà máy nào xin được giấy phép chuyển từ đất lúa sang đất xây dựng công nghiệp.

DN luôn mong ước có được những mảnh đất công, ở những vị trí thuận lợi gần vùng nguyên liệu để thuê dài hạn lập nhà máy chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng. Hơn nữa, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị, máy móc nhà xưởng rất tốn kém, cần vốn lớn, nên chăng nhà nước hỗ trợ để có được lãi suất bằng không trong dài hạn, chính là một sự hỗ trợ thiết thực.

Đối với nông dân có những việc mà DN có thể tự làm bằng nguồn lực của chính mình như tập huấn kỹ thuật, ứng trước vật tư đầu vào, thu mua nông sản hàng hóa. Tuy nhiên cần có nguồn lực đầu tư lớn từ nhà nước để tạo những "cú đấm thép” chuyển biến tình hình như: Hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy làm dịch vụ nông nghiệp.

Có thể đơn cử từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy nước ta và Ấn Độ có xuất phát điểm bằng nhau, từ năm 2003 là con số zero trong san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Nhưng nhờ chính sách quyết đoán (hỗ trợ 50% giá máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser cho 1.000 người đăng ký đầu tư đầu tiên, chi phí tương đương 100 tỷ đồng) nên Ấn Độ ngày nay có trên 25.000 máy trong khi Việt Nam chỉ được con số đếm trên đầu ngón tay.

Những chiếc máy làm dịch vụ hiệu quả sẽ là điển hình kéo theo nhiều nông dân khác tự bỏ vốn đầu tư.

Bên cạnh đó trong điều kiện Việt Nam để khích lệ tính hợp tác, nhà nước có chính sách tài trợ 50% chi phí san phẳng đồng ruộng bằng tia laser trong điều kiện những nông dân liền kề tự nguyện đồng ý phá bỏ bờ ranh vĩnh viễn (nhưng vẫn giữ chủ quyền sử dụng đất) để hình thành diện tích thửa ruộng lớn hơn từ 3-5 ha.

Từ đó tư tưởng tư hữu giảm nhẹ và tính liên kết từng bước được hình thành để SX cùng qui trình, SX tạo khối lượng hàng hóa lớn; số hợp đồng DN ký với nông dân sẽ giảm, dễ dàng trong quản lý. Theo đó những máy móc hiện đại khác được các viện, trường đánh giá hiệu quả cũng sẽ được chọn lựa, lập danh sách và hỗ trợ như vậy.

Các chính sách hỗ trợ hiện nay chưa đủ mạnh để nhanh chóng chuyển biến tình hình trong tái cơ cấu. Hệ thống thủy lợi, giao thông trong những vùng nguyên liệu của các DN nông nghiệp rất cần được nhà nước ưu tiên nâng cấp, hoàn thiện, có đường cho xe tải chở lúa tươi về nhà máy sấy nhanh chóng hơn chở bằng ghe, chất lượng lúa gạo không bị giảm.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.