Báo New York Times cho hay, Myitsone là dự án đập đầu tiên trên dòng sông thiêng Irrawaddy của Miến Điện. Đây là dòng chảy lớn nhất, thủy lộ quan trọng nhất ở nước này, là dự án trọng điểm của chính quyền quân sự trước đó. Việc ngừng xây dựng là một chiến thắng của những người bất đồng chính kiến với chính phủ.
“Cái tát”
Nhiều nhân vật quan trọng, bao gồm các nhà văn, nhà khoa học và người nhận Giải thưởng Nobel Daw Aung San Suu Kyi đã phản đối dự án.
Việc ngừng dự án là một “cái tát” đối với Trung Quốc, nước từ lâu là đối tác quan trọng hàng đầu của Chính phủ Miến Điện. Công ty Đầu tư Năng lượng Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước là nhà thầu của dự án sản xuất và truyền tải điện về miền nam Trung Quốc.
Thông báo ngừng dự án được đưa ra trong một phiên họp của Quốc hội Miến Điện với những ngôn từ thừa nhận về vai trò của dư luận đối với quyết định này.
“Là chính phủ dân cử, chúng tôi tôn trọng những nguyện vọng của nhân dân”, Tổng thống U Thein Sein, theo tờ Tuần báo 11 của Miến Điện. “Chính phủ cũng chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề gây lo lắng cho người dân. Do đó, chính phủ sẽ ngừng dự án đập Myitsone”.
Tuy nhiên, ngừng dự án không có nghĩa là dự án đã bị hủy bỏ và cũng có khả năng nó sẽ được tiếp tục ở hình thức nào đó. Bởi văn bản tuyên bố có đoạn viết: “Để đáp ứng nhu cầu điện quốc gia, chính phủ sẽ tiếp tục phát triển các dự án thủy điện không làm hại đến nước sau khi tiến hành các nghiên cứu có hệ thống”. Tuyên bố nói thêm rằng chính phủ sẽ đàm phán các điều khoản với Trung Quốc “để không ảnh hưởng đến mối quan hệ thân thiết giữa hai nước”.
Các công ty Trung Quốc hiện diện khắp nơi ở Miến Điện trong những năm gần đây và đã có những xung đột ở nhiều khu vực. Trong nhiều trường hợp, các công ty Trung Quốc bị cáo buộc phá rừng, chủ yếu nhăm nhe các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện.
Dự án đập Myitsone làm trầm trọng thêm tâm lý bài Trung Quốc trong dân chúng Miến Điện. Là cái nôi của nền văn minh Miến Điện, sông Irrawaddy là biểu tượng đặc biệt quan trọng của đất nước. Những người chỉ trích dự án nói lợi ích mà dự án tạo ra không thể bù đắp nổi những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Một bản báo cáo do Công ty Đầu tư Năng lượng Trung Quốc tài trợ thực hiện đã làm trầm trọng thêm nỗi lo của những người phản đối dự án. Công ty Trung Quốc chưa bao giờ công bố bản báo cáo nhưng một bản copy đã bị rò rỉ tới tay các nhà môi trường và những người phản đối dự án.
Báo cáo nói một số chủng loại cá nhiều khả năng sẽ bị tuyệt chủng và cần có nghiên cứu thêm để hiểu thấu đáo những ảnh hưởng có thể có của con đập, với hơn 26,2 ngàn ha đất bị ngập lụt nếu đập hình thành.
Hai con đập nhỏ hơn xây trên sông nhánh của dòng Irrawaddy có thể sản xuất sản lượng điện tương đương với dự án Myitsone.
Sẽ tái khởi động dự án?
Điều này không phải là không có cơ sở, bởi mới đây, sau khi Tổng thống U Thein Sein, người quyết định ngừng dự án Myitsone, đã hết nhiệm kỳ. Và theo tờ Thời báo Miến Điện, công ty Công ty Đầu tư Năng lượng Trung Quốc nói họ đang hy vọng tái khởi động dự án.
Sông Irrawaddy là dòng sông thiêng của dân tộc Miến Điện (Ảnh: New York Times)
Mặc dù nhiều người dân phản đối dự án, nhưng hổi tháng 6/2015, công ty Trung Quốc nói họ đang chuẩn bị tái tục dự án trước khi chính phủ mới ở Miến Điện ra mắt vào tháng 4/2016.
Công ty Đầu tư Năng lượng Trung Quốc nói họ không có cơ hội giải thích trong quyết định ngừng dự án và nay đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của nhiều tổ chức. Công ty đã thuê một công ty quan hệ công chúng của Anh là Bell Pottinger để thuyết phục các bên rằng con đập mang lại nhiều lợi ích hơn là các tác động tiêu cực.
Nhiều người Miến Điện tin rằng dự án có thể được tái khởi động sớm. Ngày 24/5/2015, quan chức Miến Điện yêu cầu dân chúng ở khu vực xây dựng đập ký vào thỏa ước không sử dụng các phần đất trống ở đây, tuy nhiên, người dân đã từ chối ký, theo Thời báo Miến Điện.
Một thành viên của đảng Dân chủ quốc gia Kachin nói đảng này sẽ tiếp tục phản đối dự án nếu chính phủ đồng ý cho tiếp tục. “Chúng tôi không muốn dự án này. Chính phủ mới cần tôn trọng ý muốn của người dân”, ông nói.
Tính đến tháng 6/2015, hơn 2.100 người ở 5 ngôi làng đã phải dời chỗ ở. Để phục vụ toàn bộ dự án, bao gồm cả 6 con đập lớn khác ngoài đập Myitsone, 18.000 người cần phải tái định cư.
“Nghe có vẻ lớn, nhưng rất nhỏ nếu so với đập Tam Hiệp ở Trung Quốc, nơi hơn 1,1 triệu người phải di dời nhà cửa”, Vương Bình, một lãnh đạo của Công ty Đầu tư Năng lượng Trung Quốc nói.