| Hotline: 0983.970.780

Không chỉ ở Ấn Độ, Coca-Cola đi đến đâu làm khô cạn các nguồn nước ở đó

Thứ Ba 10/05/2016 , 13:30 (GMT+7)

Theo tờ Guardian, Coca-Cola đã bị chỉ trích nặng nề vì gây ra thiếu nước nghiêm trọng ở nhiều nước đang phát triển, nơi nguồn nước hạn chế. Năm 2006, các bằng chứng mới từ tổ chức War on Want cho thấy Coca-Cola gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nhiều cộng đồng ở Ấn Độ và châu Mỹ Latin.

Câu chuyện liên quan đến nguồn nước của Coca-Cola ở Ấn Độ đã kéo dài dai dẳng cả chục năm qua. Và không chỉ ở Ấn Độ...

Nhà máy mọc lên, nước rút xuống

War on Want đã điều tra khu vực Rajasthan của Ấn Độ, nơi nông dân không thể tưới tiêu cho cây trồng sau khi Coca-Cola lập nhà máy đóng chai ở đây. Các vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Uttar Pradesh. Trước đó, nhiều sự cố nguồn nước ở bang phía nam Kerala khiến một nhà máy của Coca-Cola ở đây buộc phải đóng cửa sau các cáo buộc nó làm ô nhiễm nguồn nước địa phương.

Coca-Cola là công ty nước giải khát lớn nhất thế giới và sử dụng 283 tỷ lít nước trong năm 2004. Mỗi lít nước uống thành phẩm đòi hỏi 2,7 lít nước sạch. Năm 2005, lợi nhuận của hãng là gần 15 tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 100 tỷ USD. Nhưng hãng này phải đối mặt với một loạt những vấn đề về sức khỏe và môi trường.

Louise Richards, lãnh đạo War on Want, nói cuộc điều tra của tổ chức này đã làm hé lộ mặt tối sau ánh hào quang của hãng Coca-Cola.

Sau những cáo buộc của War on Want, một phát ngôn viên của Coca-Cola nói: “Chúng tôi có những cam kết từ ban đầu rằng sẽ tiếp cận ở mức vừa đủ và công bằng đối với nguồn nước địa phương. Chúng tôi đã giảm sử dụng nguồn nước ở Ấn Độ 24% trong giai đoạn 2000-2004. Chúng tôi đã lắp đặt hệ thống thu hoạch nước mưa ở 26 nhà máy”.

Hãng cũng nói họ hợp tác với Cơ quan quản lý nước trung ương Ấn Độ, các chính quyền địa phương và cộng đồng để ngăn chặn nạn thiếu nước, thất thoat nước ngầm thông qua việc mở rộng tích trữ nước mưa. Tuy nhiên, cho đến nay, căng thẳng nguồn nước giữa hãng Coca-Cola và người dân nhiều vùng ở Ấn Độ vẫn diễn ra.

Báo Indian Express của Ấn Độ nói 18 hội đồng làng xã ở vùng Mehdiganj đang yêu cầu cấm nhà máy đóng chai của Coca-Cola khai thác nước ngầm vì cho rằng nhà máy dùng quá nhiều nước dẫn đến nạn khan hiếm lan tràn khắp khu vực.

Mehdiganj thuộc tỉnh Varanasi là khu vực bầu cử của đương kim Tổng thống Narendra Modi. Dân vùng này nói họ đã phải đối mặt với nạn thiếu nước ngọt từ năm 1999 khi nhà máy của Coca-Cola bắt đầu hoạt động. “Rõ ràng là Coca-Cola không được chào đón ở Mehdiganj. Đã đến lúc họ gói ghém hành lý và ra đi”, Amit Srivastava, thuộc trung tâm Tài nguyên Ấn Độ, có trụ sở tại California (Mỹ) nhận xét.

“Coca-Cola đã vẽ nên một bức tranh đẹp khắp thế giới về một công ty sử dụng nước có trách nhiệm, nhưng thực tế ở Ấn Độ cho thấy họ đã tận thu nước của người nghèo, của phụ nữ, trẻ em, nông dân và vật nuôi của họ để có lợi nhuận lớn”.

Mehdiganj là vùng nông thôn và nhu cầu nước của cộng đồng ở đây trông chờ chủ yếu vào nguồn nước ngầm, kể cả nước ăn uống, giặt giũ, tưới tiêu và chăn nuôi. Coca-Cola cũng dùng chung nguồn nước ngầm đó và đương nhiên cạnh tranh với cộng đồng địa phương về nguồn nước, theo các nhà môi trường.

Srivastava viện dẫn một số liệu năm 2011 do Cơ quan quản lý nguồn nước trung ương Ấn Độ cho thấy nguồn nước nơi đặt nhà máy của Coca-Cola đã bị khai thác quá mức.

Khó thỏa hiệp

Trong khi đó, chi nhánh Coca-Cola tại Ấn Độ là Công ty Hindustan Coca-Cola Beverages Pvt ltd viện dẫn một nghiên cứu năm 2012 của một cơ quan khác của Ấn Độ là Ủy ban nước ngầm trung ương nói không có bằng chứng Coca-Cola đã làm cạn các ao, giếng của người dân.

13-34-06_000_del298982
Ấn Độ là thị trường trọng điểm của Coca-Cola ở Nam Á (Ảnh: rt.com)

Tuy nhiên, trước nỗ lực của cộng đồng địa phương và các tổ chức môi trường, đầu năm 2016, Coca-Cola đã phải đóng cửa nhà máy ở bắc Ấn Độ, theo tường thuật của Wall Street Journal.

Trong tuyên bố hồi tháng 2, Coca-Cola không giải thích vì sao họ đóng cửa nhà máy ở Kaladera, một trong hơn 50 nhà máy sản xuất nước giải khát mang nhãn hiệu Coca-Cola ở Ấn Độ. Họ cũng không đề cập đến những sức ép từ các nhà hoạt động môi trường, những người đã đấu tranh cả thập kỷ để xóa bỏ nhà máy.

“Coca-Cola làm khô cạn các nguồn nước của chúng tôi”, Mahesh Yogi, thuộc tổ chức Kaladera Sangharsh Samiti, nói. “Nước, đồng ruộng của người nghèo đều bị nhà máy cướp mất”.

Một phát ngôn nhân của Coca-Cola tại Ấn Độ nói thật không công bằng khi nói nguồn nước ngầm sụt giảm bởi nhà máy của họ, mới được xây dựng năm 2000. Công ty nói “nhà máy chỉ dùng một phần rất nhỏ nước của vùng Kaladera”.

Tuy nhiên, một đánh giá về nhà máy ở Kaladera, theo yêu cầu của công ty, được thực hiện năm 2006 đã đưa ra cảnh báo mực nước trong khu vực đã ở mức thấp nguy hiểm. Đánh giá độc này được tổ chức phi lợi nhuận - Viện Năng lượng và Tài nguyên ở New Delhi thực hiện. Tổ chức này sau đó đề nghị Coca-Cola đóng cửa nhà máy bởi “hoạt động của nhà máy ở khu vực này sẽ tiếp tục là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước ở khu vực này”.

Việc phải đóng cửa nhà máy là thách thức mới nhất đối với Coca-Cola ở Ấn Độ, thị trường lớn thứ 6 của hãng tính theo doanh số. Năm 2012, Coca-Cola nói hãng đã lên kế hoạch bơm thêm 5 tỷ USD vào Ấn Độ từ nay đến năm 2020 và coi đây là thị trường trọng điểm của khu vực Nam Á.

Năm 2015, Coca-Cola đã phải gác lại kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 73 triệu USD ở bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ do những phản đối dữ dội từ nông dân địa phương.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiên Giang khởi động 12 cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa

Ngoài 2 cánh đồng tại Tân Hiệp và An Minh được Bộ NN-PTNT phối hợp cùng tỉnh khởi động, Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động 10 cánh đồng ở các huyện còn lại.