| Hotline: 0983.970.780

Ấn Độ: Đánh đổi sự ổn định lấy những tăng trưởng nóng?

Thứ Hai 09/05/2016 , 06:30 (GMT+7)

Nhiều quốc gia đang phát triển đã chào đón các công ty, tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động sản xuất của các công ty này nhiều khi khiến cư dân bản địa bức xúc vì những vấn đề như xung đột lợi ích giữa người lao động và giới chủ, môi sinh, môi trường hay nguồn nước...

Với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng, nhiều quốc gia đang phát triển đã chào đón các công ty, tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động sản xuất của các công ty này nhiều khi khiến cư dân bản địa bức xúc vì những vấn đề như xung đột lợi ích giữa người lao động và giới chủ, môi sinh, môi trường hay nguồn nước... Điều này đặt ra cho các chính phủ bài toán cân nhắc lợi ích trước mắt và lâu dài.

“Chiến tranh” nước ở Ấn Độ

Câu chuyện xung đột của dân địa phương với hãng Coca-Cola ở Ấn Độ xung quanh chuyện nguồn nước đặt ra nhiều vấn đề cho chính phủ. Liệu có nên đánh đổi các nguồn tài nguyên quý giá và khó tái tạo, đánh đổi sự ổn định lấy những tăng trưởng nóng?

Savitri Rai nhăn nhó khi bà kể lại việc cảnh sát đã đánh bà ra sao khi bà phản đối việc khai thác nước ngầm tại một nhà máy của hãng Coca-Cola gần mảnh ruộng của bà. Sau một thập kỷ, bà nói, nước ngày càng khan hiếm.

“Chúng tôi phải đào giếng ngày càng sâu mới mong có nước”, Rai, 60 tuổi, nói với phóng viên Bloomberg bên ngoài ngôi nhà đắp bằng bùn của bà ở làng Mehadiganj ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ.

Nguyên nhân, theo Rai, là nhà máy đóng chai rất lớn của Coca-Cola cách đó khoảng 1km. Hãng này từ chối bình luận về cáo buộc của bà Rai. Tuy nhiên, trong năm 2014, Coca-Cola đã phải gác lại kế hoạch mở rộng nhà máy với khoản đầu tư 24 triệu USD, vì “các giấy phép khai thác thêm nước ngầm bị chậm phê chuẩn”.

Nước: bài toán nan giải

Những điểm nóng như vậy đã khiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chịu thêm áp lực trong việc cải thiện công tác quản lý nguồn nước tại quốc gia sử dụng nước ngầm nhiều nhất, trong khi vẫn muốn biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất của thế giới.

Ngân hàng Thế giới cho hay, nông nghiệp, công nghiệp và các thành phố lớn cùng nhau khai thác quá mức nguồn nguồn nước ngầm đã đặt các mục tiêu phát triển của Ấn Độ vào khả năng phá sản. Điều đó cũng có nghĩa là để tồn tại, các công ty từ khai mỏ đến sản xuất nước giải khát, bia rượu phải tìm kiếm nguồn nước bền vững hơn.

“Ấn Độ đang trong tình trạng sử dụng không có kiểm soát đối với một nguồn tài nguyên không dễ dàng tái tạo”, Upmanu Lall, giáo sư ngành trái đất và môi trường tại Đại học Columbia (Mỹ) nói. “Đây là vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn quốc”.

Ấn Độ khai thác 230km3 nước trong một năm, hơn ¼ tổng lượng nước ngầm mà thế giới khai thác, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Nông nghiệp dùng phần lớn, khoảng 70%, rồi đến công nghiệp.

Nền kinh tế có quy mô 1,9 ngàn tỷ USD vận hành chương trình trợ giá lương thực lớn nhất thế giới và khoảng 742 triệu người sống ở nông thôn, có nghĩa nông nghiệp là ngành kinh tế sống còn.

Trên thế giới, nước ngầm là nguồn nước uống cho hơn 1,5 tỷ người. Ở Ấn Độ, các chất gây ô nhiễm như arsen khiến 1/3 trong số 600 huyện không thể dùng nước ngầm để uống, theo tổ chức Động vật hoang dã (WWF) Ấn Độ. Tổ chức này nói Ấn Độ đang phải đối mặt với thách thức về nước nghiêm trọng nhất thế giới.

Ở Mehadiganj, khoảng 20km từ thánh địa Varanasi của người Ấn, nông dân 28 tuổi Sabita Rai nói chị từng múc nước ở giếng chỉ bằng sợi dây dài bằng cánh tay mình. Rồi các giếng cạn khô hết.

13-34-02_1200x-1
Nông dân Urmila Vishwakarma đứng trước cánh đồng, xa xa là nhà máy đóng chai của Coca-Cola ở Mehediganj, Varanasi. Vishwakarma nói chị phải đào 80m mới có nước, trong khi các năm trước chỉ cần đào khoảng 20m là có. “Cuộc chiến lớn của chúng tôi chính là nước. Tình cảnh của chúng tôi đã trở nên tồi tệ”. (Ảnh: Bloomberg)

“Chúng tôi quá nghèo, không đủ lực đào sâu thêm”, chị nói và cho biết, hiện nay chị phải tìm nước ở nhiều khu vực xa nhà. Chị dâu của Sabita, Rajpatti Rai nói chị đã đến nhiều thành phố như Mumbai hay New Delhi và đập các chai Coca-Cola trên đường phố để phản đối việc hút nước ngầm ở khu vực làng mình.

Giấy phép bị trì hoãn

Kamlesh Sharma, phát ngôn viên của công ty nước giải khát Coca-Cola Hindustan, chi nhánh của Coca-Cola ở Ấn Độ, nói công ty này không có bình luận nào thêm về nhà máy ở Mehadiganj trong thư gửi chính quyền bang Uttar Pradesh.

Trong thư, công ty viết rằng, sự trì hoãn “quá lố” từ cơ quan Quản lý nguồn nước ngầm trung ương trong việc cấp phép khai thác thêm nước sẽ khiến dự án mở rộng nhà máy trị giá 24 triệu USD (khoảng 480 tỷ đồng) bị gác lại, làm thiệt hại về tài chính cho công ty.

Coca-Cola nói họ đã lên kế hoạch tìm một địa điểm khác ở bang Uttar Pradesh để xây dựng nhà máy đóng chai với công suất 600 chai/phút trong khi tiếp tục vận hành nhà máy đóng chai đã tồn tại 15 năm ở Mehadiganj.

Chất lượng nước và nguồn cung ở Ấn Độ “đã và đang làm gián đoạn hoạt động của nhiều công ty”, Joe Phelan, Giám đốc Hội đồng Kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững ở New Dheli, nói. “Vấn đề mấu chốt là các công ty phải phối hợp với cộng đồng dân cư địa phương và những bên sử dụng nước khác, cùng nhau giảm đi các nguy cơ về nguồn nước”.

Một nghiên cứu năm 2009 do trường Đại học California (Mỹ) và cơ quan nghiên cứu không gian và vũ trụ Mỹ NASA cho thấy nguồn nước ngầm mất đi ở vùng tây bắc Ấn Độ từ năm 2002 đến 2008 gấp ba lần dung tích của hồ Mead, hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất nước Mỹ (dung tích hơn 32.200km3).

Tình trạng suy kiệt nguồn nước ngầm ở tây bắc Ấn Độ, trải dài từ bang Rajasthan, Haryana đến Punjab, vẫn tiếp diễn với tốc độ không đổi, theo lời Matthew Rodell, lãnh đạo Phòng thí nghiệm khoa học thủy lợi cũng thuộc NASA.

“Khi nguồn nước ngầm suy giảm với tốc độ đó, giếng nước của người dân sẽ tiếp tục khô cạn và họ lại phải đào sâu thêm nữa”, ông nói. “Rồi cuối cùng, họ sẽ đào đến đáy mỏ nước ngầm và chất lượng nước sẽ suy giảm đến mức không thể sử dụng được nữa”.

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.