Chò nâu là cây lâm nghiệp triển vọng cho rừng trồng gỗ lớn
Chò nâu (Dipterocarpus retusus Blume) là cây gỗ lớn, thân tròn đều, dáng thân thẳng, cao 30 - 40m, đường kính có thể đạt trên 100cm. Chò nâu là loài cây ưa sáng, lúc nhỏ hơi chịu bóng và có khả năng tái sinh tự nhiên kém. Cây thường mọc trong rừng nhiệt đới gió mùa, ở độ cao từ 100 - 1.000m, tập trung nhất ở 300 - 700m, ưa đất sâu, dầy, thoát nước.
Tại Việt Nam, chò nâu phân bố tập chung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ. Chò nâu có tán đẹp, xanh quanh năm, hiếm khi thấy sâu bệnh và có bộ rễ phát triển mạnh nên ít bị gãy đổ, phục vụ trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất cung cấp gỗ lớn, có thể trồng cảnh quan tại các công viên, đường phố, khu vui chơi giải trí.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, do bị khai thác từ nhiều năm trước nên hiện ở Phú Thọ chò nâu chỉ còn thấy những cá thể đơn lẻ còn sót lại ở khu di tích lịch sử Đền Hùng; Vườn Quốc gia Xuân Sơn và các xã Đồng Lạc, Mỹ Lương của huyện Yên Lập, một số xã khu vực Cầu Hai thuộc huyện Đoan Hùng; các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; không nơi nào phát hiện có trên 30 cá thể mọc tự nhiên tập trung. Cây chò nâu tự nhiên lớn nhất hiện nay được phát hiện ở Cầu Hai, Đoan Hùng có đường kính 114,7cm, cao khoảng 40m, vẫn có quả.
Nếu chọn lọc tốt ngay lúc đầu, các cây chò nâu trong lâm phần đều đạt tốc độ sinh trưởng như cây to nhất và mật độ để lại chỉ còn 600 cây/ha năng suất có thể đạt được khoảng 433 m3/ha sau 16 năm so với năng suất hiện tại trong cùng khoảng thời gian tương đương với 563 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn rừng trồng keo cung cấp gỗ lớn. |
Năm 1970, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Cầu Hai (nay là Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã quan tâm nghiên cứu gây trồng loài cây này với phương pháp thử nghiệm gieo hạt thẳng trên hiện trường rừng sau khai thác.
Sau khi cuốc hố, quả được bẻ bỏ cánh rồi gieo trực tiếp. Hiện tại, chỉ còn 1 quần thể khoảng 40 cây vẫn đang sinh trưởng phát triển tốt, đường kính bình quân đạt 39,2cm (0,85 cm/năm) và chiều cao bình quân 25,9m (0,56 m/năm), cây lớn nhất đường kính đạt 54,1cm (1,18 cm/năm) và cao 28,5m (0,61 m/năm).
Năm 2000, thông qua đề tài bảo tồn nguồn gen cây rừng đã trồng bảo tồn 2ha cây chò nâu tại 4 vùng địa lí gồm: Yên Bái, Cầu Hai, Xuân Sơn, Tuyên Quang bằng cây con từ hạt trong bầu polyetylen, các xuất xứ được trồng xen theo hàng với mật độ 1.100 cây/ha (cự ly 3 x 3m), đến nay đường kính trung bình là 19,7cm (1,23 cm/năm), chiều cao trung bình 18,6cm (1,16 m/năm).
Với tỷ lệ sống hiện tại là 65% thì năng suất rừng đạt 247 m3/ha, với giá bán thời điểm hiện tại khoảng 1,3 triệu/m3 có thể thu về 321 triệu/ha sau 16 năm trồng, ngang giá trị rừng keo tai tượng mọc nhanh trồng để cung cấp gỗ lớn. Tuy nhiên, giống cây trồng chưa được chọn lọc nên sinh trưởng trong lô rừng phân hóa mạnh. Cây to nhất đạt 25,8cm về đường kính (1,61 cm/năm) và 23m về chiều cao (1,44 m/năm).
Kết quả trồng thử nghiệm bước đầu cho thấy, sinh trưởng của chò nâu thuộc nhóm cây bản địa sinh trưởng nhanh, có tốc độ tăng trưởng đường kính trên 0,8 cm/năm, dễ gây trồng, đáp ứng được nhu cầu trồng rừng sản xuất cung cấp gỗ lớn cũng như chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
“Qua theo dõi rừng trồng chò nâu 46 tuổi và 16 tuổi, mặc dù trồng thuần loài nhưng chúng tôi chưa thấy loại sâu bệnh nào ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của loài cây này, đặc biệt không thấy loại sâu đục thân, sâu ăn lá không đáng kể, bên cạnh đó loài cây này cũng rất ít bị gãy đổ do gió bão”, Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ - Nguyễn Anh Dũng chia sẻ. |