| Hotline: 0983.970.780

Chuyện phía sau vùng nuôi lợn lớn nhất miền Bắc

Thứ Ba 03/06/2014 , 09:43 (GMT+7)

Tròn 4 năm, chúng tôi có dịp trở lại xã Ngọc Lũ (Bình Lục – Hà Nam), vùng chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc.

Bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều đổi thay, cuộc sống người dân sung túc hơn. Nhưng cùng với đó, sự ô nhiễm từ chăn nuôi đã vượt tầm kiểm soát. Nhiều giải pháp, nhiều công trình xử lí môi trường được đưa ra nhưng tất cả đều thất bại thảm hại…

Đỉnh điểm ô nhiễm

“Chỗ nào chả ô nhiễm, ô nhiễm thì thiếu gì, giờ tìm chỗ không ô nhiễm chụp ảnh mới khó”, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lũ – ông Trần Đình Mão cười chua xót. Có lẽ, ở Ngọc Lũ, ô nhiễm đã thành chuyện thường khi hằng ngày, 1.600 hộ chăn nuôi xả thẳng chất thải ra môi trường không qua xử lí.

Xả đi đâu bây giờ

Trong cái nắng gần 40oC, mùi xú uế nồng nặc bốc lên khắp nơi từ mương máng đến ruộng vườn. Ngồi trong trụ sở UBND xã Ngọc Lũ, nhấp chén trà mà thú thực, trong vòm họng vẫn lờm lợm… mùi phân lợn. Ông Mão chỉ tay ra con mương đằng sau trụ sở rồi thở dài, anh xem, ô nhiễm nó có trừ chỗ nào đâu. Con mương xưa trong xanh là thế, giờ đen ngòm, bốc mùi khủng khiếp.

Anh công an viên tên Tới dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xã. Vừa đi, anh Tới vừa bảo, các anh cứ yên tâm, muốn đến chỗ nào tôi dẫn đi, cái gì chứ ô nhiễm thì khắp. Đội 1 và đội 12 là nơi có số hộ cũng như tổng đàn lợn lớn nhất của xã Ngọc Lũ. Tiếng lợn kêu eng éc vang khắp xóm làng.

Ông Trần Văn Dũng, chủ một trại lợn cho biết, gia đình đã nuôi lợn cả chục năm nay. Trong khu chuồng rộng 300 m2 luôn có khoảng 150 lợn thịt cộng nái, chưa tính số lợn con theo mẹ. Hiện nhà ông Dũng mới xây dựng được một hầm biogas 17 mét khối. “Đúng ra, bằng ấy con lợn phải xây 10 hầm biogas mới đủ. Nhưng không có tiền xây, nhà tôi cứ xả thẳng ra mương thôi. Anh bảo không xả ra mương thì xả đi đâu bây giờ”, ông Dũng thừa nhận.

Cách đây 5 – 7 năm, còn ít người nuôi lợn, tình trạng ô nhiễm chưa nghiêm trọng. Khi hỏi về độ ô nhiễm, ông Dũng lắc đầu, quá ô nhiễm chứ còn gì nữa. Cần gì phải kiểm tra, bằng mắt thường ai chả nhận thấy. Ngày mưa còn đỡ, ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ruồi nhặng kéo về đông như quân Nguyên.

 Chúng tôi đến nhà anh Phan, chủ hộ nuôi gần 100 con lợn thịt. Trong chuồng có vẻ sạch bóng, nhưng con mương gần đó ô nhiễm ngoài sức tưởng tượng. Một hầm biogas 10 mét khối nhà anh Phan cũng không đủ chứa toàn bộ lượng chất thải. Xử lí được một phần, phần còn lại anh dùng vòi nước xịt đẩy chất thải ra con mương sau chuồng.

Anh Tới bảo, trước mương này cá nhiều lắm, nhưng giờ chắc bọ gậy cũng không sống nổi. Trời nắng, con mương đen ngòm, đặc quánh lại, sủi bọt sùng sục như bị đun sôi. Mương đầy ứ, nhiều hộ phải xả cả chất thải ra vườn, thậm chí là ruộng lúa.

15-45-08_2
Xả thẳng chất thải ra môi trường

Chủ trại lợn Trần Như Thái cho biết, nhà nuôi 200 – 300 con lợn, xử lí bằng 1 hầm biogas thì làm sao hết được. Phân, nước thải đen ngòm, lấp hết khu vườn trồng ổi, bưởi gần đó. Cây không sống nổi, đen quắt lại, chết đứng như bị sét đánh.

Vòng ra sau chuồng trại của những hộ này, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những đường ống nhựa dẫn phân, nước thải xả thẳng ra mương. Cách đây 4 năm, nơi chúng tôi đang đứng là một cái ao trong xanh. Giờ đây, nó đã bị biến thành một đầm lầy phân lợn, ken đặc bèo và khoai nước.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một hộ không chăn nuôi bức xúc, ăn cơm, uống nước, cái mùi thối của phân lợn lúc nào cũng đầy ứ trong cổ. “Hai đứa trẻ nhà tôi, hè nào cũng bị đau mắt, ăn uống sơ sẩy một cái là tiêu chảy, tả như thường”.

Chất thải cả xã Ngọc Lũ chảy ra một con kênh lớn, đi xuyên qua bờ đê rồi đổ thẳng ra sông Châu Giang. Con mương sau UBND xã Ngọc Lũ dẫn qua trụ sở HTXNN bốn mùa bốc mùi xú uế. Hai năm về trước, người dân Ngọc Lũ vẫn phải sử dụng nguồn nước từ giếng khoan. Giờ được dùng nước máy nhưng nhiều người vẫn hết sức lo lắng khi mà nguồn nước lại lấy từ chính con sông Châu Giang.

Bí thư Đảng ủy xã Trần Đình Mão cho biết, có khoảng 400 hộ không chăn nuôi cũng phải chịu trận từ ô nhiễm. “Những hộ này chủ yếu là người già, người về hưu. Một số hộ đã phải chuyển nhà đi nơi khác ở vì không chịu được ô nhiễm”, ông Mão kể. Thời gian đầu, những hộ này bức xúc, kiện cáo rùm beng nhưng mãi vẫn không giải quyết được thì chán. Và giờ, họ phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm, coi đó như… chuyện bình thường", vẫn theo ông Mão.

Ô nhiễm sẽ còn tăng

“Cá thả xuống ao chết nổi lên. Lúa ngập trong phân lợn bị lốp mà chết. Nhiều diện tích đất lúa bị bỏ hoang vì ô nhiễm. Năng suất lúa của xã ngày một giảm. Vụ nào được mùa cũng chỉ 1 tạ/sào”, ông Mão thở dài.

Đó là khẳng định của ông Trần Đình Mão về tình hình môi trường của xã. Ngọc Lũ hiện có khoảng 1.600 hộ chăn nuôi lợn. Trong đó, chăn nuôi quy mô nhỏ dưới 20 con/lứa là 343 hộ. Từ 20 – 100 con/lứa là gần 700 hộ. Chăn nuôi có quy mô trên 100 con là hơn 200 hộ. Có những hộ chăn nuôi lớn quy mô đến 1.300 con/lứa.

Tổng đàn lợn 1 năm toàn xã dao động từ 50.000 – 60.000 con. Mỗi năm xuất bán ra thị trường xấp xỉ 10.000 tấn thịt lợn hơi. Những hộ xây dựng chuồng trại theo kiểu khép kín chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số hộ chăn nuôi xây dựng được hầm biogas mới chỉ đạt gần 50%. Hầu hết hầm biogas đều trong tình trạng quá tải.

Năm 2012, chính quyền địa phương cắt 5,3ha đất lúa 5% để quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung tại khu vực Đồng Chằm, cách nhà dân 2km.

15-45-08_3
Những con mương bị ô nhiễm trầm trọng

Xã liên tục kêu gọi người dân, đặc biệt là chủ trang trại chăn nuôi lớn chuyển đến Đồng Chằm. Tuy nhiên, sau 2 năm, số hộ chuyển ra khu chăn nuôi tập trung vẫn là con số 0 tròn trĩnh.

 “Hộ nào muốn chuyển ra phải lập đề án. Còn muốn xây dựng chuồng trại thì phải san lấp, làm hệ thống đường, điện…”, ông Mão cho hay. Theo tính toán của lãnh đạo địa phương, chăn nuôi sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Kèm với đó là ô nhiễm sẽ còn tăng cao. Đến năm 2015, dự tính sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 11.500 tấn; và 12.000 tấn vào năm 2020.

 Cũng theo ông Mão, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ xây dựng quy chế đối với các hộ chăn nuôi về bảo vệ môi trường, buộc các hộ phải kí cam kết bảo vệ môi trường. Cho đến nay, câu chuyện xử lí môi trường ở Ngọc Lũ vẫn là một câu hỏi lớn không lời giải.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm