| Hotline: 0983.970.780

Chuyện rong, rêu

Thứ Ba 17/02/2015 , 20:17 (GMT+7)

Có một loài lan không bám vào gỗ như phong lan, không sống nhờ đất như địa lan mà nương tựa vào một loài rêu kỳ lạ đặc biệt có nhiều tại quốc gia Nam Mỹ xa xôi…

Lan rừng kết trên thân cây, khúc gỗ nhưng chỉ để bám víu là chủ yếu, còn dinh dưỡng lại hút qua rễ nên chúng rất phát triển, thò dài cả mét, buông vắt vẻo vào không khí. Ngược lại với phong lan, địa lan sống nhờ vào đất mẹ.

Cũng là lan nhưng hồ điệp không phải là phong lan để hít khí trời, thở sương đêm, không phải là địa lan để bám víu vào đất mà sống nhờ hoàn toàn nhờ giá thể là một loại rêu.

Trồng hồ điệp thiếu rêu chẳng khác gì nuôi gà công nghiệp mà thiếu cám cò, gà không chết vì ốm đau cũng còi cọc chỉ còn da bọc xương.

Hai mươi năm về trước, giới mộ điệu phía Bắc chỉ chơi phong lan, địa lan chứ chưa biết đến loại lan công nghiệp hồ điệp, lại càng không biết đến thứ rêu gắn cùng với đời nó. Năm 1997, một Cty đa quốc gia của Nhật liên doanh với Tổng Cty Rau quả, Nông sản Việt Nam hoài thai ra Javeco - Cty chuyên về lan có đặt trụ sở tại Thường Tín (Hà Nội).

Khi cả xã hội mới chỉ thoát ra khỏi chế độ bao cấp chừng mươi năm, chuyện cái ăn cái mặc còn nặng nề thế mà lương giám đốc Cty liên doanh 1.500 USD, phó giám đốc 1.000 USD, công nhân kết hoa 100 USD nên thèm muốn đỏ cả hai con mắt.

Giám đốc Cty lúc ấy là một người Việt. Trước, ông vốn phụ trách vận tải, chuyên lo xăng dầu, phân đạm, thuốc sâu bỗng một chốc lên tiên, hưởng lương còn cao hơn cả tổng giám đốc.

Để phục vụ cho liên doanh non trẻ, các trang thiết bị, đồ dùng từ đôi găng đến cái ủng được nhập nguyên chiếc từ Nhật. Ngoài chuyên gia bản xứ đến nằm vùng, hồi ấy đối tác Nhật còn “bốc” cả kỹ sư Việt sang xứ sở hoa anh đào để đào tạo.

Anh Bùi Đắc Ý khi đó mới ra trường đã được sang Nhật 3 tháng để học về trồng lan kiểu công nghiệp. Chân ướt, chân ráo nơi xứ người, anh choáng váng vì độ rộng cả trăm ha của những cơ sở trồng hoa.

Đi từ nhà lan này sang nhà lan kia phải có ô tô chuyên chở chứ cuốc bộ như ở quê ta có khi mất trọn cả ngày. Mọi thứ cứ như một công xưởng khổng lồ với từng công đoạn được chia nhỏ, cắt khúc với độ chuyên môn hóa cực cao.

Sốt ruột mãi rồi cũng đến lúc anh được “ra ràng”, mang kho kiến thức ấy về nước. Một mô hình trồng hồ điệp khép kín từ nuôi cấy mô đến tiêu thụ sản phẩm được thiết lập ngay sau đó. Khi dư âm của thời kỳ giong công, phóng điểm vẫn còn đầy rẫy trong xã hội thì ở đây đã hình thành cách làm việc kiểu Nhật với từng ly, từng tí đều được ghi vào sổ nhật trình. Khoa học nề nếp đến không thể tưởng tượng.

Người Hà Nội vốn chỉ quen với các loại lan rừng hay địa lan truyền thống kiểu hoàng vũ, hoàng thanh, hoàng hội điểm, đại hòa, mặc, thanh ngọc… hồ điệp trở thành thứ hoa thời thượng.

15-21-55_dsc_9158
Rêu làm giá thể cho lan

Các nhà khoa học từ khu tự trị Yamalo-Nenets (vùng Bắc Ural của Liên bang Nga) đã thực hiện một khám phá đáng kinh ngạc mà trong tương lai có thể giúp điều trị có hiệu quả các thứ bệnh đường hô hấp bằng… rêu thủy tiễn (có tên khoa học Sphagnum - tương tự rêu Chi Lê). Chúng có khả năng chống dị ứng và có thể dùng điều trị tốt cho các bệnh nhân hen phế quản.

Người ta không ngớt xì xào về nó. Người nào có một chậu hồ điệp chưng trong nhà là cả một niềm tự hào vì mỗi cây hoa khi ấy có giá đắt kinh hồn 600.000 đồng - tương đương hơn một chỉ vàng. Chơi chậu một cây là khá giả, chậu hai cây là giàu, chậu ba cây là sang, chậu bốn, năm cây là đại gia kếch xù, tiền muôn bạc vạn.

Một nhà có lan nửa phường người đến xem là vì thế.

Người chơi lan lúc đó không có thói quen chơi xong là bỏ như bây giờ mà khi hoa tàn, nhụy rữa lại gửi về vườn thuê chăm sóc cho năm tiếp. Cán bộ mèng mèng như anh Ý lúc đó không đủ bản lĩnh để bỏ mấy tháng lương ra chưng một cây hồ điệp.

Thế nhưng khi Tết đến xuân về, hàng xóm láng giềng đến chơi anh vẫn làm cho họ mắt tròn, mắt dẹt với những cây lan lạ lẫm. Những cây lan đứng thẳng trong giò chứ không bò ngang như phong lan hay cắm xuống mặt đất như địa lan. Những cây lan ở trong… catalogue giới thiệu sản phẩm.

Hồi đó không ai có thể hình dung được chỉ độ mươi năm sau thiên hạ lại chơi những chậu hồ điệp tới 60-70 cây, giá mỗi cây chỉ còn khoảng trên 100.000 đồng.

Liên doanh hoa sống được hai năm thì dính khủng hoảng kinh tế thế giới. Các tập đoàn đa quốc gia chao đảo như ngô rang trong chảo. Bỏ tiền ra mà chưa thấy thu được lợi nên phía Nhật đành rút.

Sẵn cơ sở vật chất, sẵn con người đã được đào tạo, sẵn cây trồng dở dang phía Việt Nam tiếp nhận lại để hình thành Trung tâm Sản xuất Kinh doanh Rau quả Thường Tín. Kể từ đó, hễ thấy lan hồ điệp là thấy rêu. Lan - rêu, rêu - lan trở thành cặp phạm trù tự nhiên lúc nào không hay biết.

Nắm rêu màu vàng rơm, xôm xốp, đóng thành từng bánh như thuốc lào, thuốc lá mà ẩn chứa biết bao câu chuyện đằng sau.

 Đặc tính của nó thật phi thường. Chúng thoát nước rất nhanh nhưng vẫn giữ độ ẩm cần thiết cho rễ lan phát triển. Độ dai, độ bền của chúng quả vô địch. Nước tưới liên tục, phân tưới trung bình mỗi tuần một lần trong hai năm liên tiếp của chu kỳ hồ điệp mà khi hoa tàn gỡ ra có khi vẫn tận dụng được rêu trong chậu. Một đời rêu là biết mấy đời lan.

15-21-55_6
Cận cảnh rêu khi còn tươi

Bởi phụ thuộc vào dinh dưỡng nhân tạo, vào độ ẩm (lúc nào cũng trên 60%) nhiệt độ (đông có máy sưởi, hè có điều hòa) nên hồ điệp chỉ thích hợp để trong nhà, ra ngoài trời gặp mưa là chúng chết, gặp nắng là chúng queo, gặp gió là chúng rũ.

Nói đến rêu Chi Lê thì đừng liên tưởng đến thứ rêu nhỏ bé, mọc đầy rẫy dưới suối, trên rừng của Việt Nam. Rêu ở Chi Lê là một thảm thực vật mọc trên những vùng đất thấp rộng bao la. Chúng được thu hoạch bằng máy, đóng bánh bằng máy rồi xuất khẩu khắp thế giới.

Thân rêu dài ngoại hạng, 30-50 cm, có nhiều lá, đặc biệt là cả thân lẫn lá khi sấy khô đều mềm mại như nhung và dai bền như sợi.

Các nhà khoa học đau đầu nhưng không thể lý giải cho tường tận được tại sao hồ điệp trồng trên giá thể rêu Chi Lê lại nhanh lớn, ngồng to, hoa dài và rất bền màu.

Chính vì những đặc tính đặc biệt ấy giá rêu chỉ biết tiến chứ chưa bao giờ thấy lùi, cách đây chưa lâu chúng có giá 80.000 đồng/kg nhưng nay đã vọt lên đến 140.000 đồng/kg.

Năm ít trại Thường Tín tung ra thị trường vài chục ngàn cây, năm nhiều cả trăm ngàn cây hồ điệp nên cần trung bình cả tấn rêu. Tính ra để phục vụ cho toàn ngành SX lan hồ điệp ở Việt Nam cần vài chục đến cả trăm tấn rêu nhập khẩu.

Thấy giá rêu Chi Lê cao, nhiều nhà trồng lan đã tìm các vật liệu khác thay thế. Trung Quốc có vùng Tứ Xuyên, Vân Nam cũng có giống rêu tương tự với giá chào khá mềm, khoảng 80.000 đồng/kg. Dù đủ tuổi nhưng loại này vẫn bị gọi là rêu non bởi nhanh mủn, chóng hỏng, dùng chỉ một năm là vứt.

Xơ dừa rất rẻ, rất sẵn ở ta cũng được đưa vào thử nghiệm làm giá thể nhưng không được vì giữ ẩm kém, sợi lại quá dai khiến rễ lan không luồn xuống chậu được mà nổi cả cụm lên trên mặt. Hồ điệp trồng bằng giá thể xơ dừa chậm lớn, lá vàng rồi lụi đi trông thấy.

Những bộ óc nhiều tính toán lại nghĩ đến phương án than củi nhưng loại này cũng không giữ được ẩm lâu, dinh dưỡng tưới vào cứ nhỏ tong tong xuống đất, màu hoa lại kém. Cấp tập bồi bổ phân vào thì màu cũng tạm được nhưng thân lan vẫn còi.

Đã thế giá thành lan trồng trên than củi lại tăng vọt bởi bản thân than đã đắt lại phải dùng với số lượng nhiều gấp đôi, gấp ba rêu. Tính đi, tính lại, rêu Chi Lê đắt mà lại hóa rẻ vì chỉ tốn 2.500 đồng/cây so với rêu Trung Quốc 4.000 đồng/cây còn so với than củi 5.000 đồng/cây.

Thế nên hễ thấy hồ điệp là thấy rêu.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm