| Hotline: 0983.970.780

Chuyện về tỷ phú "Hùng cá"

Thứ Sáu 24/12/2010 , 11:08 (GMT+7)

Người dân quanh vùng thường gọi Trần Văn Hùng bằng biệt danh rất ấn tượng và thân thương: đại gia “Hùng cá”!

Tỷ phú "Hùng cá" (bên trái)
Người dân quanh vùng thường gọi anh bằng biệt danh rất ấn tượng và thân thương: đại gia “Hùng cá”! Biệt danh này, cũng được anh đặt tên: Công ty TNHH Hùng Cá và lập Website hungca.com.

Là một doanh nhân thành đạt, có tấm lòng nhân ái và một trái tim nhiệt huyết, từ đôi bàn tay chai sần, lưng trần cháy nắng… sau nhiều năm xuôi ngược khắp nơi, chí thú làm ăn, tích cóp vốn liếng, đến nay Trần Văn Hùng - GĐ Công ty TNHH Hùng Cá đã sở hữu một cơ ngơi đồ sộ, trở thành đại gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Nghị lực làm giàu

Tiếp chuyện chúng tôi bên cạnh dãy NM chế biến thủy sản xuất khẩu trong cụm công nghiệp Thanh Bình, anh Hùng tâm sự: “Tôi là đứa con thứ năm trong một gia đình nghèo ở huyện vùng biên giới Hồng Ngự. Gia cảnh khốn khó nên tôi không được đi học tới nơi tới chốn. Chưa hết lớp 3 thì nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình thả lưới, giăng câu, đóng đáy, tát đìa… khai thác thủy sản kiếm sống. Đến năm 20 tuổi, tôi được một gia đình thương tính thật thà chịu khó mà gả con gái và cho mảnh đất nhỏ cạnh bên dòng Tiền Giang để cất căn chòi ra riêng”.

Có vợ rồi có con. Cuộc sống ngày thêm cơ cực, anh Hùng quyết định sang đất bạn Campuchia đấu thầu độc quyền khai thác thủy sản. Trầm mình dưới nước suốt ngày đêm với nhiều ngư cụ: chài, lưới, đăng, vó, đáy… để bắt tôm, cá đem bán kiếm được đồng nào chi xài dè xẻn rồi để dành và kiếm thêm. Cực khổ, tiện tặn nên chỉ sau hơn 7 năm nỗ lực làm ăn trên đất Campuchia, anh Hùng đã tích luỹ được lưng vốn trên 10 lượng vàng. Trở về quê nhà, năm 1987 anh đầu tư vốn đóng 2 chiếc bè gỗ neo đậu dưới lòng sông Tiền để nuôi cá basa. Từ đây, cuộc sống của gia đình anh bắt đầu sang một trang mới.

Đến năm 1997, anh Hùng đã phát triển thêm lên 7 chiếc bè gỗ lớn nuôi cá, xuất bán hơn 3.000 tấn cá basa thương phẩm, thu nhập 4 tỷ đồng. Và biệt danh đại gia “Hùng Cá” đã lan rộng ra khắp vùng châu thổ. Tiếp đó, vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, phong trào nuôi cá tra lên ngôi do giá cả trên thị trường lúc bấy giờ tăng cao, Hùng Cá quyết định chuyển sang nuôi loại cá này.

Là một người từng trải, dạn dầy kinh nghiệm và có một thời gian dài gắn bó mật thiết với nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản nên anh Hùng biết rất rõ tính nết, đặc điểm của nhiều loại cá. Vả lại, Hùng Cá cũng đã có khoảng thời gian khai thác thủy sản tại “vương quốc” con cá tra nên anh rất am hiểu về loại cá da trơn này. Từ đó, đại gia Hùng Cá quyết định đầu tư vốn mua 6 ha đất bãi bồi ven sông Tiền, thuê xáng nạo vét thành 4 cái ao lớn rồi thiết kế đăng, bửng và hệ thống ống thoát nước, nơi xử lý nước làm sạch môi trường… để phát triển nghề nuôi cá tra trên đất bãi bồi.

 Với bản tính dám nghĩ - dám làm, mạnh dạn làm ăn và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên sau vụ nuôi đầu này, đại gia Hùng Cá đã thu hoạch hơn 1.000 tấn cá tra thương phẩm, thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Phấn khởi trước kết quả đạt được, sang năm 2000 anh Hùng tiếp tục thả nuôi cá tra vào 4 cái ao trên đất bãi bồi trên và tăng cường các giải pháp KHCN vào chăn nuôi nên cuối vụ thu hoạch, đã đưa sản lượng cá tra thương phẩm tăng cao, lợi nhuận thu được tăng hơn gấp đôi so vụ nuôi năm trước.

 Sau nhiều năm nuôi cá basa trong bè, nuôi cá tra trong ao trên vùng đất bãi bồi thành công, thừa thắng xông lên, đại gia Hùng Cá tiếp tục mua và thuê thêm đất đào ao mở rộng nghề nuôi cá da trơn. Đến năm 2005, trang trại nuôi cá tra của đại gia Hùng Cá đã lên đến 40 ao, mỗi ao rộng trên dưới một hecta. Hằng năm, trang trại của anh xuất bán ra thị trường gần 20.000 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt gần 300 tỷ đồng!

Từ ao làng ra thế giới

Đầu năm 2006, đại gia Hùng Cá quyết định đầu tư 60 tỷ đồng mua thêm 12 ha đất trong cụm Công nghiệp Thanh Bình để xây dựng NM, trang bị dây chuyền máy móc thiết bị chế biến cá tra xuất khẩu hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Cuối tháng 3/2007, NM đã được đưa vào hoạt động, mỗi tháng chế biến được trên 600 tấn cá tra - cá basa thành phẩm xuất bán sang thị trường các nước châu Á, châu Âu và Trung Đông… tạo việc làm cho 1.500 lao động.

 Đại gia Hùng Cá hiện đang đầu tư vốn khai thác thủy sản trên 500 ha đất tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười là: Hồng Ngự, Thanh Bình và Tam Nông. Anh Hùng cho biết: trong năm 2008, Công ty đã xây dựng NM sản xuất đạt công suất thiết kế 150 tấn cá nguyên liệu/ngày, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng Quốc tế ISO 9001:2000 và xây thêm phân xưởng có công suất chế biến đạt 600 tấn cá thành phẩm/tháng. Công ty TNHH Hùng Cá kết hợp với Công ty Cổ phần Vạn Ý và Công ty Hoàn Châu cũng vừa động thổ xây dựng NM chế biến thực phẩm trên diện tích 6 ha tại Cụm công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình.

NM này được thiết kế thành một xưởng chế biến cá phi lê và một xưởng chế biến đồ hộp và sản phẩm giá trị gia tăng bằng công nghệ châu Âu - Nhật Bản, với tổng công suất 72.000 tấn cá nguyên liệu/năm; 30.000 tấn cá phi lê thành phẩm/năm và 5.000 tấn hàng giá trị gia tăng và đồ hộp… Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng lên đến 12,6 triệu USD. NM đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2009. Vào tháng 7/2010, Công ty TNHH Hùng Cá đã được công nhận đạt chuẩn Global GAP. Từ khi tuân thủ theo quy trình quốc tế về hệ thống nước ra vào vùng nuôi, ao nuôi, kỹ thuật nuôi và hệ thống NM chế biến cá… tốn rất nhiều kinh phí, nhưng bù lại cá nuôi ít bệnh, sản lượng tăng từ 3 - 5%, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ được giá thành.

Công ty TNHH Hùng Cá hiện đang giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương và là doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp đứng trong top 100 doanh nghiệp tiêu biểu toàn quốc có thương hiệu hàng đầu Việt Nam được trao tặng Cúp Vàng thương hiệu Việt năm 2009 và 2010.

Không quên những mảnh đời khốn khó

Khi thành công trên thương trường, anh Hùng không quên quan tâm đến các hoạt động từ thiện - xã hội. Hằng năm, anh đều trích quỹ phúc lợi của Công ty khoảng nửa tỷ đồng để làm công tác từ thiện. Biết được những xã, ấp nào có những học sinh đang gặp khó khăn, hộ dân còn khốn khó, những người cơ nhỡ, tật nguyền… thì bằng mọi cách, anh Hùng kịp thời đến thăm hỏi, tìm hiểu, động viên và tặng quà.

 Dù ở bất cứ nơi nào, anh Hùng cũng không quản ngại đường sá xa xôi, trời mưa hay nắng anh vẫn tìm đến tận nhà để chia sẻ, giúp đỡ bà con. Với những việc làm thiết thực, anh Hùng đã đóng góp tích cực trong công tác từ thiện - xã hội ở địa phương như: cất nhà tình thương, trao quà, tiền cứu giúp cho những hộ nghèo, neo đơn, không nơi nương tựa; hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo - vượt khó - học giỏi, đóng góp Quỹ vì người nghèo của các địa phương, xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ phẫu thuật mắt đặt thủy tinh thể đem lại ánh sáng cho người mù nghèo…

 Tại đêm văn nghệ “Nghĩa tình Đồng Tháp” được tổ chức tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, anh Hùng đã tận tay trao tặng 1 tỷ đồng vào quỹ cất nhà tình thương của tỉnh Đồng Tháp. Chỉ tính trong hơn 5 năm gần đây, tổng giá trị tiền và vật chất mà Hùng Cá đã giúp cho những hộ nghèo, những mảnh đời bất hạnh ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Đồng Tháp lên đến hàng chục tỷ đồng. Anh Hùng tâm sự: “Tiền của bao nhiêu xài cũng hết, cái quý nhất là tình người với nhau. Tôi thấy bà con nghèo khổ, không nơi nương tựa, các em học sinh khó khăn... tôi muốn giúp họ có nhà ở ổn định, giúp người mù sáng mắt, giúp các em học sinh nghèo tiếp tục đến trường”. 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm