| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ cao không thể xin

Thứ Sáu 24/04/2015 , 09:34 (GMT+7)

Điều quyết tử nhất của một quốc gia là gieo mầm, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển những cá nhân, doanh nghiệp có công nghệ cao, cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.

Cần Thơ ở trung tâm vùng nông nghiệp trọng điểm quốc gia, trước năm 1975 đã có khu công nghiệp Trà Nóc nổi tiếng, đang đối diện thách thức gì trong tiến trình công nghiệp hóa? PV NNVN đã có cuộc trao đổi với Trưởng BQL các KCN-KCX Cần Thơ Võ Thanh Hùng (ảnh).

16-02-52_2304158

Ông Hùng nói:

- 20 năm trở lại đây, các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thu hút được nhiều vốn đầu tư, mạnh nhất là trong 4 năm 2006, 2007, 2008, 2009 được 1.400 triệu USD chiếm 65% tổng vốn đăng ký 20 năm.

Sang giai đoạn 2010-2015 đã giảm và giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục giảm nếu không có cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá.

Công nghệ lạc hậu

Khiếm khuyết lớn nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài nhiều năm qua là gì?

Không tạo dựng được doanh nghiệp có công nghệ cao trong nước. Quy mô các dự án ở Cần Thơ phần lớn vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều diện tích đất và nhiều lao động phổ thông, suất tiêu hao nhiên liệu cao.

Công nhân thu nhập bình quân 2 triệu - 5 triệu đồng/tháng. Các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, thất nghiệp và phúc lợi xã hội cho công nhân đều thấp như thiếu nhà ở, khu vui chơi, giải trí. Phần lớn công nhân không gắn bó với nhà máy.

Ông thấy các nhà đầu tư nước ngoài thường bộc lộ điều gì?

Khai thác tính nôn nóng, muốn phát triển nhanh của lãnh đạo ta trong việc đưa ra nhiều ưu đãi đầu tư như giảm giá thuê lại đất, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và hàng loạt các ưu đãi khác về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội.

Bây giờ, chúng ta hiểu vấn đề thì không còn cách nào thay đổi hoặc điều chỉnh được, điển hình như giá thuê đất, công nghệ thấp sử dụng nhiều năng lượng, nước sạch, gây ô nhiễm môi trường. Hiện điện và nước vẫn còn phải trợ giá một phần; chờ đến khi nền kinh tế chuyển hẳn sang thị trường thì họ đã thu hồi hết vốn, vòng đời dự án đã kết thúc.

Nhưng theo nhiều báo cáo thì họ cũng làm ra hàng xuất khẩu thu ngoại tệ?

Các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào nước ta, trước hết là vì thị trường tiêu thụ của nước ta trên 90 triệu dân, nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú. Thực tế, không có sản phẩm nào trên thế giới mà không có mặt trên thị trường Việt Nam từ bia, thuốc lá, rượu, nước hoa, xà bông đến xe mô tô hai bánh, xe ô tô các loại, máy giặt, máy lạnh, tivi, đồng hồ v.v mang thương hiệu của nước ngoài.

Không ảo tưởng

Tại sao hô hào bao nhiêu năm mà công nghiệp của ta vẫn lạc hậu?

Vì công nghệ phải mua, không thể xin. Cũng không phải muốn mua gì cũng được vì các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc có luật chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.

Điển hình là Nhật Bản, chính phủ chỉ cho phép doanh nghiệp chuyển giao các sản phẩm sản xuất ra nước ngoài như xe ô tô các loại, máy giặt, máy lạnh, máy tính… không quá 58% chi tiết trong tổng số chi tiết để lắp hoàn chỉnh một sản phẩm; mà ta thường gọi là sản phẩm phụ trợ hay sản phẩm “ăn theo”.

Sản phẩm phụ trợ ở nước ta cũng không phát triển?

Vì hầu hết các nhà lãnh đạo, quản lý và doanh nghiệp của Việt Nam chưa hiểu như thế nào là nắm và chuyển giao công nghệ.

Ở thành phố Cần Thơ, đã qua rất nhiều nhiệm kỳ đều chọn ngành cơ khí chế tạo và cơ khí phục vụ nông ngư nghiệp, vận tải thủy bộ và cơ khí tiêu dùng làm mũi nhọn, nhưng đến nay chưa trở thành ngành mũi nhọn và cũng chưa có thương hiệu nào nổi tiếng.

Những nước đang phát triển quanh ta mà ông có dịp đến, tình hình thế nào?

Cách đây 5 năm, tôi đến thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc. Thành phố này có diện tích bằng các tỉnh ĐBSCL và dân số khoảng 30 triệu dân. Đây là thành phố phát triển công nghiệp nặng, trong đó chủ yếu là thép và xe ô tô.

Ông Hang - Phó trưởng ban khu kinh tế Trùng Khánh cho biết, thành phố có trên 700.000 kỹ sư cơ khí các loại. Tôi sợ nghe nhầm nên hỏi lại 70.000 hay 700.000, ông khẳng định là trên 700.000 kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó có hai phần ba là kỹ sư cơ khí chế tạo nhưng ngành cơ khí của Trung Quốc vẫn còn thua các nước tiên tiến.

Tôi có hỏi ông thêm hai câu là: Ngành cơ khí của Trung Quốc thua Mỹ và các nước tiên tiến ở điểm nào? Khu kinh tế Trùng Khánh có những ưu đãi gì cho nhà đầu tư?

Ông dẫn tôi đến bảo tàng thành phố Trùng Khánh, giới thiệu một cái máy cán thép của Anh và nói: Ban quản lý khu kinh tế Trùng Khánh có 80 cán bộ, công nhân viên thì trong đó 60 người học ở Mỹ và các nước khác, từ thạc sĩ trở lên và nói thêm rằng cái máy này người Anh đã đầu tư vào Trùng Khánh cách đây 100 năm nhưng họ vẫn không chuyển giao công nghệ cho người Trung Quốc phần tinh luyện và nhiệt luyện. Chỉ có phần tạo phôi, xi mạ là Trùng Khánh làm được.

15-25-15_1304153
Khu công nghiệp Trà Nóc hình thành trước năm 1975

Hiện thành phố Cần Thơ có 8 KCN với tổng diện tích 2.267 ha, diện tích đã cho thuê 567,19 ha, giải quyết việc làm trên 32.000 lao động, trong đó có 64 lao động người nước ngoài.
Các KCX và KCN ở Cần Thơ có 214 dự án còn hiệu lực (191 dự án hoạt động, 18 dự án đang xây dựng, 5 dự án chưa triển khai).
Dự án FDI có 22 dự án hoạt động, 1 dự án đang xây dựng với tổng vốn đăng ký 203,536 triệu USD, thực hiện 171,315 triệu USD, chiếm 84,15% vốn đăng ký.

Về ưu đãi, ông nói, toàn bộ đầu tư xây dựng hạ tầng cho khu kinh tế, trong đó có nhà ở công nhân thì Nhà nước đầu tư 100%. Còn giá cho thuê lại đất, tùy ngành nghề và sản phẩm do Chính phủ quyết định nhưng giá không quá 40 USD/m2/50 năm. Mỗi năm, khu kinh tế Trùng Khánh được đầu tư từ 800 triệu đến 1 tỷ USD .

Phải quan tâm tới DN trong nước

Công nghiệp hóa để mong kết quả tốt, theo ông nên bắt đầu từ đâu?

Quan tâm đến doanh nghiệp nước nhà. Điều quyết tử nhất của một quốc gia là gieo mầm, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển những cá nhân, doanh nghiệp có công nghệ cao, cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước. Sẽ rất sai lầm và phiến diện nếu không coi những cá nhân, doanh nghiệp là tài sản quốc gia vì đây là nền tản vững chắc của một nước.

Các doanh nghiệp trong nước ở Cần Thơ hiện thế nào?

Một số doanh nghiệp tư nhân đã có công nghệ cao. Chẳng hạn, DNTN Cơ khí Sông Hậu, DNTN Cơ khí Thế Dân, DNTN Trí Tuệ, Cty CP Dược Hậu Giang. Tuy nhiên, còn nhỏ bé. Nhà nước cần tổ chức các doanh nghiệp theo sản phẩm và nhóm sản phẩm, lựa chọn những doanh nghiệp công nghệ cao làm hạt nhân để phát triển.

Giao cho doanh nghiệp hoạch định sản phẩm công nghiệp cho thành phố Cần Thơ kể cả việc chọn công nghệ, giải pháp kỹ thuật. Ngành cơ khí thì giao cho Hiệp hội đúc và Luyện kim Cần Thơ, trong đó có thể giao cho DNTN Cơ khí Sông Hậu vì đang sản xuất được các loại sơ - mi động cơ đốt trong; sản phẩm dược phẩm thì giao cho Hiệp hội Dược.

Còn doanh nghiệp chế biến thủy sản?

Cần Thơ có 24 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, trong đó một nhà máy chế biến cá tra công suất 700 tấn nguyên liệu/ngày đêm, tương đương 210.000 tấn/năm, bằng sản lượng cá tra của một tỉnh trung bình nuôi được.

Cả ĐBSCL có trên 300 nhà máy chế biến thủy, hải sản lớn nhỏ, trong đó trên 100 nhà máy lớn. Sản phẩm đã được xuất đi khắp thế giới nhưng đều có đặc điểm, đa số các doanh nghiệp chưa hiểu gì về phong tục ăn uống của các nước. Sản xuất chủ yếu theo phong trào, sản phẩm chế biến thô nên luôn gặp khó khăn.

Vậy phát triển công nghiệp ở ĐBSCL phải trên cơ sở nghiên cứu thị trường, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng?

Cần Thơ và ĐBSCL nên tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng sông nước, nhiệt đới như gạo, cá tra, tôm, măng cụt, xoài cát Hòa Lộc, bưởi, vú sữa Lò Rèn; hạn chế cây, con ngoại lai bởi những cây, con này không chết trước thì cũng chết sau. Sản phẩm chế biến phải được nghiên cứu kỹ. 

Như Cty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Pattaya Việt Nam của Thái Lan trong khu công nghiệp Trà Nóc 1, với thương hiệu “Cá mòi ba cô gái” và “Cua biển sống vùng Alaska (Mỹ)” đóng hộp rất ngon. Cty này đã nghiên cứu chế biến “Cá ngừ đại dương đóng hộp” trên 4 năm nhưng vẫn chưa quyết định đầu tư.

Nói chung, trong đầu tư, nên khắc phục “căn bệnh” gì?

Bệnh thành tích. Biểu hiện là rất vui vẻ, thích thú khi được khen và lấy làm khó chịu, thành kiến, định kiến khi tiếp nhận lời chê; không phân biệt đâu là khen thật đâu là khen xã giao.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lạng Sơn rà soát lại các gói thầu liên quan đến công ty Thuận An

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An tham gia thi công một phần của dự án nâng cấp Quốc lộ 4B, kết nối liên vùng giữa tỉnh Lạng Sơn - Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm