| Hotline: 0983.970.780

Cuộc chiến giữ 'nóc nhà' Tây Nguyên

Thứ Sáu 28/04/2017 , 14:31 (GMT+7)

Lợi dụng vùng giáp ranh giữa Gia Lai và các tỉnh Kon Tum, Đăk Lăk có trữ lượng gỗ lớn, lâu nay lâm tặc luôn tìm cách xâu xé.

Mặc dù lực lượng kiểm lâm các tỉnh liên tục triển khai nhiều giải pháp phối hợp, tăng cường công tác bảo vệ… nhưng rừng vẫn mất theo kiểu nhỏ giọt. Đó chính là bài toán đặt ra cho những người canh giữ "nóc nhà" Tây Nguyên...

16-42-42-mot-trong-nhung-xe-go-khi-thc-o-huyen-e-sup-tinh-dk-lk-vn-chuyen-qu-di-bn-bi-luc-luong-kiem-lm-huyen-chu-puh-bt-giu110916459
Một xe chở gỗ khai thác trái phép bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ

I. Kbang là một trong những huyện nóng rẫy của tỉnh Gia Lai về tình trạng chặt phá rừng. Đặc biệt, tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong, huyện Kbang) quản lý còn khoảng 300 cây gỗ hương cổ thụ, từ lâu được xem là "miếng mồi ngon" mà lâm tặc luôn nhòm ngó, tìm mọi cách cưa hạ. Chính vì vậy, chính quyền nơi đây luôn lo lắng cảnh giác, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát rừng. 

Vụ bắt giữ các đối tượng ở huyện Kon Plông, Kon Rẫy (Kon Tum) đang khai thác rừng trái phép tại tiểu khu 1, xã Đak Rong (Kbang) đang được cơ quan chức năng huyện Kbang tiến hành điều tra. UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị tỉnh Kon Tum chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tổ chức tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác rừng trái phép tại khu vực giáp ranh với huyện Kbang.

Khi văn bản này còn chưa ráo mực, lâm tặc lại tiếp tục khai thác, vận chuyển gỗ trái phép với quy mô lớn tại địa bàn xã Hiếu (Kon Plông) giáp ranh xã Sơn Lang (Kbang) càng làm cho chính quyền và các cơ quan lâm nghiệp Gia Lai lo lắng.

Theo ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang: Sau khi nhận được thông tin cảnh báo, huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, truy quét lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực giáp ranh nói trên. Đồng thời, chủ động có kế hoạch phối hợp với huyện Kon Plông (Kon Tum) tổ chức truy quét, xử lý triệt để các hành vi xâm phạm rừng tại khu vực giáp ranh.

Mặc dù đã tích cực chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng đến nay, huyện Chư Pưh- giáp ranh với huyện Ea H'leo (Đăk Lăk) vẫn còn là “điểm nóng” về vận chuyển lâm sản trái phép. Đặc biệt, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, lực lượng Kiểm lâm huyện đã phát hiện, bắt giữ 14 xe công nông chở gỗ và 1 vụ cất giữ lâm sản trái phép với tổng khối lượng 32,906 m 3 gỗ tròn các loại từ nhóm III đến nhóm V.

16-42-42-mot-trong-nhung-cy-go-huong-bi-lm-tc-xe-thit-ti-huyen-kbng110916289
Một cây gỗ hương bị lâm tặc "xẻ thịt"

Trước đó, UBND huyện Chư Pưh đã có công điện hỏa tốc chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; kiểm tra, kiểm soát tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt là khu vực giáp ranh với các huyện lân cận như Ea H'leo, Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk). Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được kiểm soát, ngăn chặn tận gốc, triệt để.
 

II. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc đóng cửa rừng, mới đây (ngày 31/3), hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp, cùng đưa ra nhiều quyết sách mạnh mẽ nhằm tạo “cú đấm thép” ngăn chặn lâm tặc tấn công rừng giáp ranh.

Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nêu thực trạng: Người dân tỉnh Gia Lai qua bên Đăk Lăk để khai thác gỗ, ngược lại người dân Đăk Lăk thì qua Gia Lai lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Ông Kpă Thuyên cho rằng, lâu nay sự phối hợp, ngăn chặn giữa chính quyền và các Ban Quản lý bảo vệ rừng hai tỉnh chưa thực sự tốt.

Trong khi đó, ông Trương Văn Dự- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp (Đăk Lăk), cho biết địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện quá rộng, địa hình phức tạp khiến việc tuần tra, kiểm soát ở các khu vực giáp ranh gặp nhiều khó khan, như mưa lũ, địa hình chia cắt, đường đi vòng...

16-42-42-loi-dung-khu-vuc-rung-gip-rnh-nguoi-dn-x-i-le-huyen-chu-puh-tinh-gi-li-sng-di-bn-huyen-e-sup-tinh-dk-lk-khi-thc-go-tri-phep110916257
Lợi dụng địa bàn giáp ranh, người dân xã Ea H'leo sang địa bàn xã Ea Súp khai thác gỗ trái phép

Do vậy, lực lượng kiểm lâm chưa tổ chức được các đợt truy quét vào những vùng sâu, vùng xa giáp ranh giữa 4 huyện Ea Súp, Ea H'leo (Đăk Lăk) và Chư Pưh, Chư Prông (Gia Lai) để ngăn chặn triệt để. Ông Dự thẳng thắn nhìn nhận: "Các đơn vị chủ rừng còn buông lỏng công tác quản lý và bảo vệ rừng, để các phương tiện của người dân ra vào rừng mà không có biện pháp ngăn chặn".

Ông Lê Anh Dục, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh (Gia Lai) cũng nhận định: Phương thức, thủ đoạn của lâm tặc là dùng các loại xe công nông, xe máy cày, xe độ chế cùng các loại cưa xăng, cưa tay vào các khu rừng huyện Ea H'leo và Ea Súp (Đăk Lăk) để khai thác rồi vận chuyển qua địa bàn huyện Chư Pưh.

“Các đối tượng thường tập kết gỗ ở khu vực giáp ranh trên Quốc lộ 14 (đoạn cầu 110 thuộc địa phận Đăk Lăk) để buôn bán trái pháp luật. Dùng các phương tiện vận chuyển là xe khách, xe du lịch, xe tải... nên công tác phát hiện, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn”, ông Dục nói.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình khai thác gỗ trái phép tại các khu vực rừng giáp ranh, việc ký kết quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh được xem là biện pháp mạnh nhằm siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng ở các khu vực nói trên, được xem là một đòn tấn công mạnh mẽ vào các đường dây khai thác, vận chuyển gỗ trái phép của lâm tặc; tăng cường kiểm soát tại các khu vực trọng điểm nhằm chủ động ngăn ngừa vi phạm xảy ra.

“Việc ký kết nhằm ngăn chặn, không để bất cứ sự tác động nào vào rung. Bởi với Tây Nguyên, mất rung là mất tất cả”- ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

+ Vùng rừng giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk có chiều dài 155 km trải dài trên 5 huyện Krông Pa, Chư Prông, Ayun Pa, Phú Thiện và Chư Pưh (Gia Lai) cùng 4 huyện của Đăk Lăk là Ea H'leo, Krông Năng, Ea Kar và Ea Súp.

Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, trữ lượng gỗ lớn, nhiều loài động thực vật cùng dược liệu quý hiếm đặc hữu vùng Tây Nguyên. Đây cũng chính là "miếng mồi ngon" mà bọn lâm tặc hay nhòm ngó, gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

+ Theo nội dung quy chế phối hợp được ký kết hôm 31/3 giữa ngành Kiểm lâm hai tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk: Các bên tổ chức thanh tra, tuần tra, kiểm soát tại các vùng giáp ranh nơi thường xảy ra các hoạt động vi phạm lâm luật; Kiểm lâm các bên tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng các phương án bảo vệ, PCCCR và quản lý lâm sản…

Các đối tượng vi phạm lâm luật không chấp hành mà tẩu tán tang vật, phương tiện qua địa bàn hai tỉnh thì lực lượng đang làm nhiệm vụ tiếp tục truy bắt đồng thời đề nghị kiểm lâm nơi gần nhất hỗ trợ. Nếu hành vi vi phạm liên quan đến hai địa phương thì đơn vị nào phát hiện trước thì xử lý, sau đó thông báo kết quả cho bên kia…

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu lãi 400 - 500 tỷ đồng năm 2024

Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh theo 2 phương án lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng và 500 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2023 - 2024, tùy tình hình thị trường.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.