| Hotline: 0983.970.780

Đậu đỏ mất mùa

Thứ Ba 18/03/2014 , 10:49 (GMT+7)

Do ảnh hưởng thời tiết, 3 năm qua liên tiếp mất mùa, nhiều vùng chuyên canh đã không còn bóng dáng cây đậu đỏ.

Đậu đỏ (đỗ gạo) trước đây là cây trồng phổ biến ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên), nhưng do ảnh hưởng thời tiết, 3 năm qua liên tiếp mất mùa; nhiều vùng không còn bóng dáng cây đậu đỏ.

Ra sức hái đậu đỏ từ sáng đến trưa, hai vợ chồng lui cui đập cho nẻ hạt, dồn lại không được nửa thúng đậu đỏ. Ông Ma Lang ở xã Ea Ba (Sông Hinh) buồn bã nói: “Năm nay đậu đỏ dây nhiều mà trái ít. Đầu vụ gia đình tôi gieo 2 sào, thu hoạch chắc gì được nửa bao hạt. Không chỉ năm nay mà 3 năm liền, dây đậu đỏ chỉ ra le que vài trái”.

Cũng theo ông Lang, đậu đỏ khi thời điểm chuẩn bị ra hoa thì trời không mưa, ban đêm lạnh đọt xoăn lại, không có hoa đồng nghĩa với không có trái. Trước đây đậu đỏ được mùa, trái nhiều, hái không xuể nhiều người vào rẫy từ mờ sáng khi sương còn thấm ướt, cuộn dây đậu chất trong tấm bạt, trưa nắng hạt tự nẻ dùng cây đập thêm hạt bung ra hết, vô bao chở về. Còn nay mất mùa phải nhọc công đi mót từng trái.

Bà Hờ Leng ở xã Ea Trol (Sông Hinh) sàng sẩy rồi lượm hạt đậu đỏ sót lại trong đống vỏ nói lí nhí: “Tôi trồng rải rác xung quanh bờ rẫy tính ra gần 1 sào nhưng trái ít đủ hấp cơm cho cả nhà ăn vài ngày là hết. Giá đậu đỏ năm nay 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng không có để bán”.

Theo nhiều nông dân miền núi, đậu đỏ dễ trồng, không kén đất vì thế thường trồng trên các vùng gò đồi. Tháng 7, 8 (âm lịch), khi trời mưa cày một bận vãi giống rồi bừa lấp hạt, đậu đỏ tự vươn lên không tốn công chăm sóc, làm cỏ đến tháng 2 năm sau trái chín cho thu hoạch.

Cách đây 10 năm dọc theo các vùng gò đồi các xã Ea Bá, Ea Troil, Đức Bình Đông (Sông Hinh) rồi qua xã Ea Chà Rang, Sơn Định, Sơn Long (Sơn Hòa) đậu đỏ mọc bạt ngàn, đến mùa thu hoạch, nhà nào ít nhất cũng vài tạ, có người cả thu tấn đậu đỏ chất trong nhà. Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cây trồng khác, có người trồng đậu mua được xe máy.

Những năm gần đây diện tích đậu đỏ bị thu hẹp dần, nguyên nhân chủ yếu thời tiết không thuận lợi dẫn đến mất mùa. Ông Nguyễn Văn Tràng ở xã Sơn Định (Sơn Hòa) giãi bày: “Đậu đỏ rất tiện lợi, có gia đình hấp cơm ăn rất ngon nhưng chủ yếu ở miền núi làm nhân bánh, nấu chè. Năm nào giá thấp thì gieo trồng để ăn nhưng gần đây mất mùa nên nhiều người không mặn mà trồng đậu đỏ”.

Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, năm 2014, toàn huyện gieo trồng 1.065 ha đậu đỏ, năng suất đạt 4 tạ/ha, diện tích và năng suất giảm gần nửa so với cách đây 4 năm. Còn tại huyện Sông Hinh, năm 2010, diện tích đậu đỏ là 2.500 ha, đến nay chỉ còn chưa đến 1.000 ha.

Theo nhiều người dân miền núi, đậu đỏ còn là cây trồng lấp khoảng trống ở vùng đất trồng sắn bị chết không thể trồng dặm. Ông Trương Văn Dũng ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) cho hay: “Đậu đỏ thân dây leo nên khi trồng sắn gặp nắng hạn làm chết thưa thớt hoặc chết từng chòm thì đem đậu đỏ trỉa vào, dây mọc lên quấn vào các thân cây bụi, trái sai hơn là trồng ở nơi đất trống. Năm nay nắng hạn sắn chết nhiều nhưng tìm không ra giống đậu đỏ để trỉa”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phước cho hay: “Đậu đỏ trước đây trồng rất nhiều ở vùng đồi núi nhưng hiện nay nông dân trong xã không còn ai trồng nữa”. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Phó Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: “Hiện tại ở 11 xã, thị trấn trong huyện chỉ có một số ít hộ gia đình ở xã vùng cao Phú Mỡ còn trồng giống đậu đỏ”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm