| Hotline: 0983.970.780

Dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao

Thứ Năm 15/11/2012 , 12:42 (GMT+7)

Dây chuyền thiết bị chế biến hạt giống chất lượng cao của Viện Cơ điện nông nghiệp& công nghệ giúp nâng tỷ lệ hạt giống được xử lý sau thu hoạch lên đến 90%.

Trước năm 2001, lượng hạt giống được xử lý sau khi thu hoạch ở nước ta đạt chưa đến 10%. Nhưng từ khi dây chuyền thiết bị chế biến hạt giống chất lượng cao của Viện Cơ điện nông nghiệp & công nghệ sau thu hoạch ra đời và đi vào thực tiễn SX, tỷ lệ này đã tăng lên gần 90%. Đây thực sự là lời giải giải cho bài toán nâng cao chất lượng hạt giống.

Trội hơn hàng ngoại

TS Chu Văn Thiện, Viện trưởng Viện Cơ điện NN&CNSTH cho biết, trước những năm 2000, ông được đi tham dự hội thảo, tham quan công nghệ chế biến hạt giống ở rất nhiều nơi trên thế giới. Tại các nước phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), gần như 100% số hạt giống đều được xử lý và phân loại sau quá trình thu hoạch.

Không nói đâu xa xôi, ngay bên cạnh chúng ta là nước láng giềng Trung Quốc, tỷ lệ hạt giống được chế biến cũng lên đến 50%. Trong khi đó, tại nước ta, tỷ lệ này không quá 10%. Chính vì thiếu khâu xử lý hạt giống, bảo quản kém… chất lượng hạt giống của nước ta luôn bị “chê” là không đạt chất lượng.

Theo ông Thiện, trước đây tình trạng hạt giống của ta kể cả sau khi đóng bao bì, nhãn mác mà bị lẫn hạt khác hoặc hạt giống cỏ là chuyện… bình thường ở huyện. Chưa kể đến, độ đồng đều cũng không đảm bảo, một bao giống mà quá nhiều kích thước khác nhau, hạt lành, hạt vỡ.

Với những dây chuyền nhập khẩu, giá thành của nó rất cao, có khi lên đến 4 - 5 tỷ đồng. Số tiền này vào thời điểm đó không hề nhỏ với các công ty chế biến hạt giống. Còn những hộ kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ hay người dân thì đây thực sự là… một giấc mơ dài.

Nhận thấy thực trạng trên, Viện Cơ điện NN & CNSTH đã trình Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN để tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu, lựa chọn công nghệ và thiết bị để chế biến một số loại hạt giống cây trồng chất lượng cao quy mô vừa và nhỏ”.


Dây chuyền chế biến hạt giống của Viện Cơ điện NN&CNSTH hiệu quả cao, chi phí giảm

Đây là một trong những công trình trọng điểm cấp nhà nước, được thực hiện trong vòng 3 năm (2001 - 2004). Đến năm 2005, TS Chu Văn Thiện, chủ nhiệm đề tài trên đã cho ra đời dây chuyền thiết bị chế biến hạt giống chất lượng cao. Sản phẩm đã được Hội đồng KH-CN nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá loại xuất sắc.

Nếu như trước đây, nước ta phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài thì sản phẩm này đã được nội địa hóa gần như hoàn toàn. Tất cả các bộ phận cơ khí của dây chuyền đều được SX trong nước. Duy nhất có một bộ phận phải nhập về lắp ráp là bảng điều khiển điện tử tự động.

Chính vì điều này, giá thành của một dây chuyền chế biến hạt giống giảm xuống đáng kể. Một dây chuyền tương tự nhập về của các nước EU là gần 5 tỷ đồng, của Trung Quốc cũng phải 2 tỷ, nhưng dây chuyền của viện chỉ có giá khoảng 1 tỷ đồng.

Không những không thua kém hàng ngoại, sản phẩm dây chuyền chế biến hạt giống của viện lại còn có một số điểm tỏ ra vượt trội hơn. Ngoài việc xử lý, phân loại, đóng bao… dây chuyền này còn được tích hợp công nghệ nhuộm màu cho hạt giống bằng chất bảo quản.

Chi phí thấp

Trong tất cả các loại hạt giống ở nước ta, có lẽ lúa là “khách hàng” quen thuộc nhất của hệ thống dây chuyền chế biến này. Hạt lúa giống sau khi thu hoạch sẽ được làm khô bằng phơi hoặc sấy trên máy sấy đơn giản, sau đó được làm sạch sơ bộ bằng máy làm sạch như sàng quạt. Việc này sẽ được thực hiện tại các cơ sở chế biến vệ tinh.

Qua công đoạn sơ chế, hạt lúa có độ ẩm dưới 20%, độ sạch trên 96% và là nguyên liệu thích hợp để vào dây chuyền chế biến tinh chế. Thao tác này vừa góp phần nâng cao chất lượng hạt giống, đồng thời giảm chi phí cho khâu tinh chế. Sau khi đảm bảo độ sạch và độ ẩm, hạt giống sẽ được chuyển vào hai silo (bồn chứa) để ủ hoặc đảo trong quá trình sấy.

Để đảm bảo tính liên tục và ổn định của hệ thống, giữa các khâu sẽ có silo chứa trung gian, phía dưới silo có các van kiểu cánh bướm để điều chỉnh lưu lượng dòng nguyên liệu đúng theo quy trình kỹ thuật. Qua giai đoạn sấy, hạt giống sẽ được xả xuống thiết bị băng tải và được gầu tải chuyển vào máy phân loại và làm sạch.

Nhờ có kết cấu đặc biệt của bộ phận hút cửa trước, cửa sau và sàng… bằng bi nên hiệu suất làm sạch của máy lên đến 99,5%. Sau khi được làm sạch, hạt giống được gầu tải chuyển vào “trống” chọn hạt, đẩy hạt vỡ, gãy ra ngoài, tạo sự đồng đều về kích thước của khối hạt. Số hạt giống không đạt yêu cầu này sẽ được đẩy ra ngoài, tận dụng chế biến thức ăn cho gia súc.

Ông Thiện cho biết, hạt giống nếu đã qua dây chuyền chế biến này, tỷ lệ đồng đều có thể đạt tới 99,99%. Một ưu điểm của máy đó là có thể thay “trống” một cách dễ dàng. Tùy từng loại hạt mà ta lắp ghép từng loại “trống”. Kết cấu của “trống” hiểu nôm na như một cái “sàng” có kích thước chia nhỏ theo đúng quy định chất lượng của hạt giống.

Tính đến nay, Viện Cơ điện NN&CNSTH đã chuyển giao được 30 dây chuyền cho các đơn vị trong toàn quốc. Ngoài ra, viện cũng nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các nước như Lào, I rắc, Cuba… Với một dây chuyền không kém hàng nhập, có giá thành rẻ một nửa, tích hợp công nghệ bảo quản hạt giống trong khi chi phí chế biến tiết kiệm được 75%, đây thực sự là một sản phẩm chất lượng, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật chế biến hạt giống khắt khe nhất.

“Tuy dây chuyền này là một trong rất nhiều sản phẩm mà viện chế tạo ra, nhưng nó lại chiếm đến 50% doanh thu cả cơ quan trong vài năm qua”, TS Thiện hồ hởi chia sẻ.

Ví dụ như “trống” chọn ngô thường là 7 mm/1 lỗ, còn với lúa là 3 mm. Máy móc dễ vận hành, sửa chữa và tháo lắp cũng là một điểm “cộng” cho hệ thống dây chuyền này. Từ đây, hạt giống lại được gầu múc chuyển vào máy xử lý hóa chất. Đó là một hợp chất có chứa bảo quản đồng thời tạo màu luôn cho hạt giống. Chất này hoàn toàn không ảnh hưởng tới chất lượng hạt giống mà còn giúp hạt giống tồn tại vài năm trong kho mà không hề bị ẩm mốc, mối mọt. Công đoạn cuối cùng cả dây chuyền là chuyển toàn bộ hạt giống vào silo chứa thành phẩm rồi định lượng đóng bao.

Toàn bộ dây chuyền SX kể trên được điều khiển hoàn toàn tự động qua bảng điều khiển công nghệ cao. Khi có sự cố, đèn đỏ trên bảng điều khiển sẽ tắt, chuông báo động sẽ chạy. Chỉ một bộ phận nhỏ bị lỗi, cả hệ thống dây chuyền sẽ được ngắt hoàn toàn, tránh sự tổn thất về máy móc. Ngoài lúa và ngô, hệ thống dây chuyền này còn có thể xử lý cả hạt đỗ, lạc, đậu tương…

Những dây chuyền nhập khẩu từ nước ngoài, nguyên liệu sử dụng hoàn toàn bằng dầu DO, chi phí rất cao. Khắc phục nhược điểm này, trên dây chuyền của ta, dầu DO đã được thay thế bằng than đá (kíp lê). Trên thị trường hiện nay, 1 kg than đá chỉ có giá 4.000 đồng, trong khi dầu DO là 21.000 đ/kg. Tính sơ sơ, cùng một lượng nhiệt tỏa như nhau, nếu dùng than đá thì giá thành rẻ hơn 3 lần so với dầu DO.

Mọi thông tin chi tiết, xin liên hệ: Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

Địa chỉ: 126 Trung Kính, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 043.8689187, Fax: 043.8689131.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm