| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Trước bước chuyển lịch sử

Thứ Sáu 29/04/2016 , 07:10 (GMT+7)

Kỷ niệm 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nhìn lại thành tựu hơn 30 năm qua, càng thấy rõ ý nghĩa lớn lao của sự nghiệp Đổi Mới, đã tạo ra thế và lực mới cho nông nghiệp ĐBSCL.

Từ một nước thiếu lương thực, vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, nhiều sản phẩm nông nghiệp của vùng đã vươn xa, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Tiếp nối Đổi Mới, hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng nhiều thách thức. Hệ quả tích cực hay tiêu cực của hội nhập quốc tế phụ thuộc vào việc tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của vùng này trong thời gian tới.

Điểm tựa tầm nhìn

Hội nhập kinh tế quốc tế đang tỏa nhiệt khi hàng ngoại “đổ bộ” vào thị trường nội với quy mô lớn, tạo ra sức ép cạnh tranh mạnh mẽ. Việc thực thi các cam kết Cộng đồng kinh tế ASEAN, sắp tới là TPP và các Hiệp định song phương Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc… đang tạo ra cơ hội lớn, nhưng cũng nhiều rủi ro.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là “câu chuyện trăm năm”, mà nó đang hiển hiện ngay trước mắt khi ĐBSCL phải đối mặt trước tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn khắc nhiệt nhất 100 năm qua... đang đặt vùng này trước bước chuyển lịch sử.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết XII của Đảng xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh” trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nghị quyết cũng xác định chủ trương “khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất qui mô lớn với hình thức đa dạng phù hợp với điều kiện của từng vùng và đặc điểm của từng sản phẩm.

Gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức và doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp”.

"Hoàn thiện quy hoạch vùng, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng… Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng, tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, vùng ĐBSCL đã đạt được những thành tựu quan trọng, hình thành các yếu tố của các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, tiền tệ. Thị trường lao động và khoa học - công nghệ cũng đang hình thành và phát triển.

Nông hộ từ “vòng vây” của ngăn sông cấm chợ trong nền kinh tế không có thị trường, đã vươn lên trở thành những đơn vị “kinh tế nông hộ” năng động. Nông dân ĐBSCL ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.

“Cánh đồng lớn” đạt được thành công bước đầu quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Mô hình này không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa, mà còn được áp dụng ở nhiều ngành hàng khác như mía đường, chăn nuôi và thủy sản. Xây dựng nông thôn mới bước đầu tạo ra diện mạo mới, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.

16-14-42_nh-le-hong-vu-2
Tầm nhìn dài hạn cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước “bước chuyển lịch sử”. Ảnh LHV

Chính sách, giải pháp gì tạo lực cho “bước chuyển lịch sử”?

Động lực của Đổi Mới trước đây từ các chính sách đất đai, phát huy vai trò kinh tế nông hộ… đã đem lại nhiều thành công; tạo ra diện mạo mới cho ĐBSCL.

Nhưng đến nay, nó đang dần mất đi động lực khi nông hộ, nền nông nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước thách thức mới, thiếu kết nối sản xuất - thị trường, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu kém của hàng nông sản. Tác động tích lũy đáng lo ngại hơn trước biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước sông Mekong đe dọa “Vựa lúa quốc gia”.

Để phát triển đồng bằng, rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn, năng suất lao động cao hơn.

Động lực mới cho các mô hình mới này cần phải được bắt đầu chính từ nội lực của vùng, từ nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học và công nghệ và từ doanh nghiệp. Nó cần những chính sách mới năng động và quyết liệt để biến các nguồn lực từ yếu tố sản xuất, trở thành nội lực mới từ thị trường bằng mô hình tăng trưởng mới như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu.

Khi gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN và hội nhập quốc tế sâu rộng, sẽ có thêm nhiều áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp từ bên trong; rất cần sự tham gia mang tính quyết định của nông dân và doanh nghiệp.

Người nông dân và doanh nghiệp nông thôn phải ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp ĐBSCL từ “vườn nhà, đồng vàng” của Đổi Mới ra “chợ lớn” của hội nhập quốc tế đang rất cần quyết tâm và động lực mới. Trên cơ sở đó, đề xuất quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Một là, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cần thị trường. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Hai là, trên cơ sở điều 52 - Hiến pháp 2013 về “tăng cường liên kết kinh tế vùng” và Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII về “xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng”, cần tổ chức triển khai sớm Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, tập trung vào 3 lĩnh vực liên kết: (1) Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực lúa gạo, trái cây và thủy sản. (2) Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; phòng chống lũ; kiểm soát mặn; quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. (3) Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo Quy chế, ngân sách trung ương cần đảm bảo hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết vùng.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ưu tiên cho chuỗi nông sản chủ lực lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra.

Bốn là, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao. Tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế.

Đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Gắn với xây dựng và thí điểm các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, các mô hình liên kết, quản lý theo tiêu chí hiện đại dựa vào tri thức mới.

Tầm nhìn dài hạn cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước “bước chuyển lịch sử” đang đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Phát triển bền vững vùng ĐBSCL trên cơ sở tăng cường liên kết vùng đang là đòi hỏi tất yếu khách quan.

(Ủy viên Chuyên trách Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm