| Hotline: 0983.970.780

Dịch LMLM tại Nghệ An: Nghe và thấy ở vùng "rốn" dịch

Thứ Sáu 30/09/2011 , 09:25 (GMT+7)

Chúng tôi có mặt tại các xã vùng "rốn" dịch LMLM của huyện Tân Kỳ và không khỏi kinh ngạc khi thấy chỉ trong vòng 3 tuần mà dịch này đã tràn qua 19 xóm thuộc 6 xã...

Con trâu đã khỏi bệnh đang được kiểm tra lại
Chúng tôi có mặt tại các xã vùng "rốn" dịch LMLM của huyện Tân Kỳ và không khỏi kinh ngạc khi thấy chỉ trong vòng 3 tuần mà dịch này đã tràn qua 19 xóm thuộc 6 xã của huyện Tân Kỳ làm 224 con trâu, 49 con bò, 4 con bê, 87 con nghé và 37 con lợn bị dính dịch.

Trong đó có 2, con trâu, 2 con bò, 4 con bê, 87 con nghé và 45 con lợn bị chết phải tiêu huỷ. Cho đến khi được khống chế, dịch LMLM đã làm cho hàng trăm hộ gia đình chăn nuôi động vật móng guốc ở đây bị kiệt quệ.

Anh Lê Đăng Bình, trú tại xóm Đình, xã Nghĩa Dũng chua xót nói với chúng tôi: Nhà tôi nuôi 2 con trâu mạ và 3 con nghé. Cuối tháng 8/2011, tháy 1 con trâu có biểu hiện ủ bệnh nên ăn uống uể oải và hâm hấm sốt. Khi đó dịch LMLM đã bắt đầu lan ra nhiều hộ trong xóm nên cán bộ thú y huyện và xã đã xuống tổ chức tiêm phòng vacxin LMLM bao vây ổ dịch. Họ đã tiêm cho đàn trâu của tôi.

Con trâu đang sốt được tiêm vacxin LMLM vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/8/2011 thì đến 21 giờ đêm hôm đó con trâu ấy và 1 con nghé nhà tôi bị rốp mồm, sùi bọt mép và sau đó không đứng dậy được nữa. Tôi gọi cán bộ thú y tận Đô Lương lên tiêm các loại kháng sinh nhưng đến 1/9 thì cả 2 con đã lăn ra chết. Thiệt hại khoảng 30 triệu đồng, chưa kể hơn 1 triệu đồng tiền thuốc kháng sinh chưa trả cho họ. Cả nhà tôi có 4 miệng ăn nhưng chỉ trồng chờ vào 1 suất ruộng của mình tôi (khoảng 350 m2); vụ hè thu lúa đã bị mất trắng nay lại chết thêm 2 con trâu nữa nên khó khăn càng thêm chồng chất…

Ông Nguyễn Viết Khanh, công an viên xóm Đình cho biết: Cả xóm Đình có 46 hộ chăn nuôi gia súc bị dính dịch LMLM. Có 18 con trâu, 2 con bò, 15 con nghé và 37 con lợn bị dính dịch LMLM. Trong đó phải tiêu huỷ 1 con trâu, 14 con nghé và 37 con lợn. Riêng nhà tôi có 2 con trâu và 27 con lợn thịt đã có trọng lượng từ 50 đến 55kg/con bị dính dịch LMLM. May mà con trâu bạc và con nghé đã chữa khỏi bệnh, còn 27 con lợn buộc phải tiêu huỷ (trên 1,2 tấn thịt lợn hơi). Nếu theo giá lợn hơi thị trường hiện nay thì gia đình tôi thiệt hại khoảng 60 triệu đồng, chưa tính khoảng 1,5 triệu tiền thuốc kháng sinh các loại…

Ông Lê Đức Tình, Trạm trưởng Trạm thú y huyện Tân Kỳ cho biết: Dịch LMLM xẩy ra đầu tiên vào khoảng 20/8/2011 tại 2 gia đình, thuộc xóm 4, xã Nghĩa Hợp, sau đó lan ra 3 xóm trong xã thì đến 25/8/2011, cán bộ thú y xã mới báo lên Trạm thú y huyện biết. Trong thời gian dịch đang bùng phát tại Nghĩa Hợp thì bảo vệ của một xóm có dịch bắt được 1 con trâu của một gia đình ở xã Nghĩa Dũng phá hoa màu của họ nên đã bắt đưa về xóm để xử lý.

Khi con trâu này được trả về Nghĩa Dũng thì ngay lập tức con trâu đó phát bệnh và lan ra mấy hộ xung quanh. Vào thời điểm đó trời lại đổ mưa liên tục, nước lũ ngoài sông và trong đồng đều dâng lên cao nên đường giao thông đi lại bị chia cắt khiến công tác triển khai dập dịch của huyện Tân Kỳ bị chững lại. Nước mưa tràn qua các xóm khiến dịch LMLM đã lan ra thêm 4 xã nữa. Dịch LMLM lây lan nhanh một cách khủng khiếp đã làm 411 con trâu, bò, bê, nghé bị dính dịch. Trong số đó có 290 con phát bệnh ngay sau khi được tiêm phòng vacxin LMLM. Riêng xã Nghĩa Dũng có 175 con phát bệnh LMLM tại 8 xóm. Khi chúng tôi triển khai tiêm phòng vacxin LMLM để không chế dịch thì có thêm 153 con phát bệnh nâng tổng số đàn gia súc của xã này bị bệnh LMLM  lên 328 con. Trong số này có 120 con bị tiêu huỷ.

Sau khi dịch LMLM xẩy ra khá rộng tại nhiều xã ở huyện Tân Kỳ khiến đội ngũ cán bộ thú y từ huyện xuống xã đối phó một cách lúng túng, để giúp huyện này không chế dịch một cách có hiệu quả, ngày 05/9/2011, Chi cục thú y Nghệ An đã phải tăng cường 10 cán bộ thú y có kinh nghiệm của mình lên các xã có dịch để chỉ đạo và xắn tay cùng cán bộ thú y huyện, xã tập trung chống dịch. Cho đến ngày 25/9/2011, thì dịch LMLM tại huyện Tân Kỳ mới cơ bản được chặn đứng. Số gia súc bị bệnh tại các địa phương đã được tiêm phòng và chạy chữa kịp thời nên đã có xu hướng giảm dần… 

Trả lời chúng tôi câu hỏi vì sao dịch LMLM lại lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này, ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ cho rằng có mấy lý do chính sau đây:

Thứ nhất là do thời tiết thất thường khiến mầm bệnh tồn tại sẵn trong môi trường có điều kiện phát sinh hoặc tái phát trên đàn gia súc đã từng có bệnh trước đây.

Thứ 2 là do cơn bão số 2 đã xoá sổ gần 1.300 ha ngô bãi của toàn huyện nên sau khi cỏ mọc lên xanh tốt, tất cả các xã dọc sông Con đều cho trâu bò ra chăn thả trên bãi nên khi dịch bùng phát sẽ có điều kiện lây lan nhanh ra nhiều xã.

Thứ 3 là khi dịch bùng phát tại Nghĩa Hợp rồi lan ra các xã, lại gặp trận mưa lũ lớn kéo dài từ 09/9 đến 20/9 nên tất cả các đường giao thông liên xã bị nước lũ chia cắt khiến công tác triển khai dập dịch và tiêm phòng vacxin đã bị gián đoạn. Công tác tiêu độc, khử trùng, bao vây dịch do trời mưa nên đã không có hiệu quả. Nước lũ trở thành tác nhân nguy hiểm đưa vị rút gieo rắc sang các xã khác một cách nhanh chóng khiến chúng tôi không làm sao kiểm soát nổi. Nguyên nhân cuối cùng là dịch LMLM xẩy ra tại Tân Kỳ năm nay có chủng vi rút biến thể có độc tính cao có thể gây chết bê, nghé non tháng tuổi chỉ trong vòng 24 giờ nên không chạy chữa được đã gâyểa thảm hoạ chết bê, nghé hàng loạt …

Một nguyên nhân cuối cùng mà ông Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ không nói ra đó là sự chủ quan của đội ngũ cán bộ thú y từ xã đến huyện, cho rằng dịch LMLM không gây chết gia súc nên công tác báo cáo tình hình dịch lên Chi cục thú y tỉnh chậm nên đã không nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời cả về vật chất và con người khiến dịch có điều kiện lan rộng ra nhiều xã.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm