| Hotline: 0983.970.780

Đồng lúa ma

Thứ Hai 23/01/2012 , 08:38 (GMT+7)

Không ai gieo trồng trên cánh đồng này, nhưng lúa ma phủ xanh cả cánh đồng mút mắt ở wetland (vùng đất ướt) Tràm Chim.

Đêm xuống, cánh đồng hun hút, thăm thẳm không một ánh đèn. Người ta nói nó rộng tới 7.313 mẫu, khoảng 500-600 mẫu là “lúa ma”. Không ai gieo trồng trên cánh đồng này, nhưng lúa ma phủ xanh cả cánh đồng mút mắt ở wetland (vùng đất ướt) Tràm Chim.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, nhà môi trường, nói: “Nếu không có lúa ma tôi sẽ không dám bơi xuồng xuyên qua cánh đồng này, biết dựa vào đâu?”. Những người bạn của TS Ni, dè dặt thò tay xuống nước kéo nhánh lúa ma để trên xuồng đo. Ba mét rưỡi! Đó chính là độ sâu của wetland tại nơi chiếc xuồng neo lại. TS Ni chỉ cho họ cách rút nhẹ đòng đòng, rồi tách cái phần non tơ vừa tượng hình bông lúa nhai thử, vị ngọt cây lúa ma thấm vô nóc vọng, lan nhanh.

Có vẻ như lúa ma bắt đầu thôi miên, không ai còn thấy sợ khi tiến sâu vào cánh đồng. TS Ni rành rẽ cánh đồng như những lão nông cố cựu ở Đồng Tháp Mười, vì anh vừa nghiên cứu, vừa học ở họ. Riêng những phát hiện của anh, các lão nông thú nhận “mới biết lần đầu”.

Ni nói rằng năm rồi anh đã 6 lần về Tràm Chim và lần này thấy sức khỏe môi trường đang rất tốt. Tràm Chim có 130 loài thực vật bản địa, dù Ni chỉ chúng tôi cách nhận diện nhưng cũng không tài nào nhớ hết 174 loài thực vật nổi, 110 loài động vật nổi, 130 loài cá nước ngọt, 231 loài chim và nhiều loài động vật khác chung sống hòa bình trong sáu tiểu sinh cảnh, giềng mối của hệ sinh thái Đồng Tháp Mười.

Ni nói: “Lúa ma, năn, tràm và sếu là câu chuyện bi hài”. Lúa ma có vai diễn trong chuỗi lương thực của muôn loài ở Tràm Chim. Trong “tấn tuồng” này, bộ ba tràm, năn và lúa ma- tràm từng được xem là nhân vật chính dù năn mới thực sự là đường dây mối nhợ dẫn dắt tới câu chuyện thi vị của sếu (hạc) và lúa ma đích thực là nguồn lương thực bất tận của chim chóc và dân du mục. Con người đã hi sinh năn và lúa ma để giữ tràm.

 Tràm là nhân vật chính trong câu chuyện Tràm Chim, mọi suy nghĩ làm cho Tràm Chim ngập nước suốt năm, chẳng qua con người muốn chứng minh rằng cứ “bắt trói thiên nhiên” thì mọi thứ sẽ theo ý con người. “Trích cồ có thể bện những thảm cỏ mục để ngủ, giấc ngủ bồng bềnh mà không cần đậu trên cây tràm. Những đàn trâu hoang huyền thoại trong Đồng Tháp Mười cần lúa, rơm rạ chứ không thể ăn tràm và sếu cần những củ năn chứa năng lượng tuyệt vời để chúng đủ sức bay từ đây về phương bắc”, TS Dương Văn Ni nói.

Dù muốn giữ, rừng tràm vẫn cháy và quần thể động thực vật lần lượt bị “hành quyết” hoặc chết vì mòn mỏi. Mãi tới khi, Dự án Vườn quốc gia Tràm Chim đủ sức thay đổi cái hiểu biết sai lệch của những vai diễn, trả tự do cho dòng chảy theo mùa ở Tràm Chim. Năn hồi sinh và sếu tìm về Tràm Chim. Bản năng lúa ma trỗi dậy từ vùi lắp, tự phá vỡ miên trạng để ngoi lên, vượt nước. 

* * *

Một trong hai trụ cột từng tạo vị thế cho ĐBSCL là lúa gạo, sẽ bị xô ngã khi nước biển dâng 1m. Khi đó hơn 40% diện tích ĐBSCL thành chiếc bánh cam đường tẩm muối. Cuộc chạy đua tìm những nguồn gene quý để chuẩn bị cho một cuộc sống không mấy dễ dàng khi biến đổi khí hậu tạo dấu mốc lịch sử đang lôi cuốn nhiều nhà khoa học vào cuộc.

Một nhóm khoa học gia Nhật Bản đã phát hiện Norkel, loại gene giúp thân cây lúa vươn lóng, vượt nước như lúa ma. Họ đã cấy gene Norkel vào cây lúa bình thường để tạo ra giống lúa chịu ngập và cho năng suất cao. Motoyuki Ashikari, lãnh đạo nhóm nghiên cứu, Đại học Nagoya, cho biết ông đã thử nghiệm thành công các gene trên loại lúa Japonica của Nhật và tiếp tục nghiên cứu trên giống lúa hạt dài chịu được ngập lụt trong thời gian 3- 4 tháng.

GS Pamela Ronald (Đại học California Davis, UCD), GS Julia Bailey-Serres (Đại học California Riverside, UCR) và TS David McKill (IRRI) gởi thông điệp tìm thấy gene chống lụt trong giống lúa dại ở miền đông Ấn Độ, có tên Gene Sub1, làm cây tự động ngừng tất cả những hoạt động sinh lý, sinh hóa khi lúa bị ngập nước. Nhóm nghiên cứu này đã tách, ghép với giống Swarna, loại lúa được trồng phổ biến ở Ấn Độ để tạo ra giống lúa chống chịu ngập hoàn toàn, mang tên Swarna-Sub1. Hồi tháng 3/2011, GS Bailey-Serres, gởi tiếp thông điệp “gene chống lụt Sub1A đồng thời còn mang tính chống hạn”.

Giống chống lụt Inpara và giống chống hạn Inpago là những giống lúa, thuộc chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ Nông nghiệp Indonesia, cũng được xem là có nhiều triển vọng.

Trong cuộc tìm kiếm ấy, GSTS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam và GSTS Nguyễn Thị Lang, Viện lúa ĐBSCL đã kết hợp được những tính năng ưu việt của lúa ma với giống lúa cao sản để tạo ra giống lúa mới AS 996 (OM 2421) sinh trưởng tốt trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, chịu độ mặn lên đến 3 ‰, kháng rầy, năng suất trung bình trên 6 tấn/ha.

“Lúa ma chứng minh mắt xích vượt trội trong điều kiện khắc nghiệt”, TS Ni nói: “Biến đổi khí hậu, xảy ra tình huống cực đoan, hệ sinh thái đổ vỡ, những mắc xích sinh học có ý nghĩa như thế này sẽ giúp chúng ta duy trì đa dạng sinh học. Nếu con người lại tự làm mất những loài đặc hữu vượt trội này, mọi việc sẽ rối loạn dẫn đến mất kiểm soát”.

Nhìn thảm lúa ma bắt đầu trổ, những lão nông ở Tràm Chim nói: “Hồi xưa chèo xuồng khoanh mê bồ sẵn vô trong đồng dùng sào đập cho hột lúa rớt đầy xuồng thì về. Từ khi lúa ma suýt chết do cả vùng bị biến thành vùng ngập thường xuyên, dân Tràm Chim không đập lúa ma đem về ăn nữa. Những hột lúa có đuôi dài, cắm xuống đất, ngủ một giấc chờ tới mùa mưa năm sau". 

* * * 

Có lẽ đã hàng trăm năm nay, lúa ma đã ẩn nhẫn như vậy. Một chút may mắn, cánh đồng lúa ma không bị cày xới khi cái túi chứa nước khổng lồ này bị khai hoang để trồng lúa. Lần giở những tư liệu Tập san Phòng Thương mại Sài Gòn (Bulletin de la Chambre de commerce de Saigon) ở Thư viện quốc gia Pháp từ năm 1881 đến 1933, cho thấy cuối thập niên 1920, diện tích canh tác lúa ở Nam kỳ 1.500.000 hecta, Đông Dương xuất khẩu trung bình trong các năm 1921-1926 là 1.449.000 tấn gạo, đứng hàng thứ hai trên thế giới, trước Siam (Thái Lan), chỉ thua Miến Điện.

Chiếm 68% tổng trị giá xuất khẩu (2.629.000.000 Fr trên 3.855.000.000 Fr vào năm 1926), điền chủ, nhà nông, thương gia và kỹ nghệ gia Pháp, Việt và Hoa thu được lợi tức lớn khi giá gạo hạng 1 trên thị trường thế giới là 3.25$ (piastres) vào năm 1900 đã tăng lên tới 10.10$ vào tháng 1/1924 do những giống lúa ngon, khổ công trải nghiệm thành bại từ đời này sang đời khác. Vào thời đó, nguồn cung cấp gạo chính: Bãi Xàu, Sóc Trăng, hột dài và thon, được xem là gạo ngon nhất; gạo Vĩnh Long (Long Hồ), hột dài và lớn và gạo Gò Công, hạt lớn và ngắn.

Quan sát lịch sử, năm 1867 sau cuộc triển lãm Hội chợ Expo thế giới ông Mettle, hội viên của Ủy ban Canh nông và kỹ nghệ Nam kỳ (Comité Agricole et Industriel de Cochinchine) cảnh báo: Hình dáng bên ngoài của hạt gạo không trắng, đẹp và trong gạo, có nhiều hạt gạo bị bể do xay hay giã gạo không tốt của người bản xứ nên chỉ bán được với giá rẻ so với gạo hạng nhất của Miến Điện. Lúc bấy giờ, thị trường chứng khoán Luân Đôn cho thấy giá gạo Sài Gòn chỉ là 30% so với gạo Rangoon (Miến Điện), theo tài liệu Bulletin de la Chambre de commerce de Saigon cho biết.

Năm 1885, ở Sài Gòn- Chợ Lớn có các nhà máy xay lúa dọc rạch bến Nghé và kênh Tàu Hủ của ông Andrew Spooner, xay xát tốt hơn, nhưng cách phối trộn đã làm mất giá trị của gạo thuần và giá là biểu hiện rõ ràng về sức cạnh tranh. Vùng Gò Trâu, Gò Tre, Gò Lao Vôi… lúa, cỏ mọc chen lấn, gợi nhớ câu chuyện dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Ai đem cỏ lùng gieo vào ruộng lúa? Ai đời phối trộn tới mức không thể nói gạo ngon hay dở, không thể vượt lên người láng giềng trong cuộc đua cả trăm năm?

Sự đời của gạo, chỉ một khoảnh khắc ra cơm! Cứ tưởng khi các nhà khoa học đã giải mã nguồn gene, làm ra gạo ngon thì mọi việc sẽ tốt! Ai dè để nhận biết cái ngon lại khó hơn cả chuyện phân biệt đâu là chính trong bộ ba tràm, năn và lúa ma, nghĩ cũng lạ thật!

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm