| Hotline: 0983.970.780

Giao thông nông thôn 'xóm liền xóm' ở An Phúc

Thứ Tư 22/02/2017 , 08:32 (GMT+7)

An Phúc là xã miệt biển vùng xa của huyện Đông Hải, và là xã đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được hưởng chính sách đầu tư vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của Chính phủ (năm 2011).

Những ngày này trở lại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển An Phúc (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), bên cạnh những vuông tôm, đồng muối bao đời nay, có thể cảm nhận rõ những đổi thay rõ rệt ở vùng đất từng cách trở đò ngang sông ngòi chằng chịt, nay nhộn nhịp hẳn lên với nhiều sinh kế, những mô hình sản xuất kinh doanh mới, dường như được mở ra từ những con đường bê tông thẳng tắp thay cho những cung đường lầy lội bùn đất năm nào.

15-03-57_dscn3985
Các tuyến đường về xã ven biển An Phúc (Đông Hải) được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp
 

An Phúc là xã miệt biển vùng xa của huyện Đông Hải, và là xã đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được hưởng chính sách đầu tư vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của Chính phủ (năm 2011). Hơn 5 năm qua, một phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) sôi nổi, rộng khắp đã xuất hiện ở An Phúc.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", việc công khai minh bạch về tài chính kết hợp với chủ trương, kế hoạch đúng đắn, tính đến hết năm 2016, An Phúc triển khai xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng được 35 tuyến đường giao thông nông thôn “xóm liền xóm”, dài gần 40km với tổng kinh phí đầu tư gần 12 tỉ đồng trong đó, nhân dân đóng góp hơn 10.000 ngày công lao động và gần 6 tỉ đồng.

Cá biệt, có những tuyến đường do dân cư thưa thớt, mỗi hộ tự nguyện đóng góp trên 25 triệu đồng mà bà con vẫn vui vẻ hưởng ứng. Để có được những tuyến đường bê tông đó, người dân còn tự nguyện hiến trên 100.000m2 đất và tự bỏ tiền ra để làm hoàn chỉnh mặt bằng đất đen. Hiện tất cả các ấp trong xã đều có đường bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, mọi người ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Tươi ở ấp Minh Thìn A (xã An Phúc) hồi tưởng: "Hồi trước, hễ nói đến An Phúc là bạn bè bảo xứ “khỉ ho cò gáy”. Nhưng mấy năm gần đây, đường sá được nâng cấp, xây mới, nên đi huyện, hay đi TP Bạc Liêu thuận tiện hơn nhiều rồi. Nhìn thấy quê hương đổi thay từng ngày, chúng tôi càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Nhờ khai thác có hiệu quả thế mạnh nuôi trồng thủy sản, cùng với tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, nạo vét các công trình thủy lợi - thủy nông nội đồng phục vụ sản xuất... nên từ đó, nhiều mô hình sản xuất mới như nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước có sử dụng chế phẩm vi sinh, nuôi tôm kết hợp với trồng rừng, nuôi cá kèo công nghiệp, sản xuất muối kết hợp nuôi artimia… đã ra đời.

15-03-57_dscn3993
Nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, là thế mạnh giúp người dân An Phúc tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững

 

Ông Phạm Minh Trung - Chủ tịch UBND xã An Phúc chia sẻ, từ một xã có địa hình sông ngòi chằng chịt, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân và sự chung sức của cộng đồng xã hội, đến nay An Phúc đã có hơn 75% tuyến đường giao thông nông thôn xóm liền xóm được bêt ông hóa phục vụ người dân đi lại dễ dàng trong hai mùa mưa nắng.

Từ khi hệ thống giao thông nông thôn của An Phúc cơ bản hoàn thành, không chỉ đời sống của nhân dân phát triển, việc trao đổi hàng hóa của nhân dân trong xã với các vùng lân cận cũng được thuận lợi hơn trước.

“Có thể thấy, phong trào xây dựng giao thông nông thôn xóm liền xóm với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm của An Phúc trong những năm qua là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân nên đã được đông đảo nhân dân và cộng đồng xã hội hưởng ứng tích cực”, ông Trung nói.

Phong trào xây dựng giao thông nông thôn “xóm liền xóm” làm đã tạo sự liên kết giữa các miền quê, thuận lợi cho việc giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đời sống, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời, qua đó làm tăng thêm lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng nông NTM.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.