| Hotline: 0983.970.780

Giống bưởi quý bên sông Chảy

Thứ Sáu 28/10/2016 , 14:05 (GMT+7)

Khi khoa học chỉ ra những khiếm khuyết của lối canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới thì bưởi Đại Minh đã hồi sinh…

Bưởi Đại Minh được phát hiện từ hơn 300 năm trước, được mệnh danh là bưởi "tiến vua”. Trải qua một thời chìm nổi, nhiều hộ đã chặt bưởi để trồng cây khác. Khi khoa học chỉ ra những khiếm khuyết của lối canh tác truyền thống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới thì bưởi Đại Minh đã hồi sinh…

10-19-01_4
Thu hoạch bưởi
 

Xã Đại Minh thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái nằm bên bờ sông Chảy, nơi giáp ranh ba tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Khả Lĩnh, cách nay hơn 300 năm, quan đại thần Ngô Vi Lã, do bất mãn với triều đình nhân một lần được sai đi thu lương thảo khu vực phía Bắc sông Hồng, ông mang theo cả gia đình và những người thân tín ngược sông Hồng, với ý định theo chúa Bầu đang trấn trị ở Tuyên Quang chống lại triều đình.

Tới Khả Lĩnh nghe tin chúa Bầu bị giết, ông dừng lại lập làng đổi họ và tên thành Nguyễn Viết Lãng. Nơi đây bưởi mọc thành rừng, lũ trẻ con hái bưởi đóng thành bè bơi sông, những quả đó trôi xuống hạ lưu, người ta vớt lên ăn thấy ngon lên ngược sông tìm đến làng Khả Lĩnh. Từ đó hàng năm dân làng Khả Lĩnh đều chọn những quả ngon nhất để tiến vua.

Do lối canh tác truyền thống, khai thác kiệt cùng cây bưởi mà không bổ sung dinh dưỡng cho đất, diệt trừ sâu bệnh, vườn bưởi bị thoái hóa. Nhất là bà con lại chặt bỏ những cây bưởi chua giúp bưởi thụ phấn chéo khiến năng suất giảm, chất lượng quả kém, mẫu mã xấu… không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Diện tích bưởi Đại Minh sụt giảm nhanh chóng, nhiều vườn bưởi bị chặt bỏ để trồng chè, sắn, khoai...

10-19-01_3
Khách hàng đến xem vườn bưởi
 

Năm 2007, Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn cho 7 hộ ở các thôn: Khả Lĩnh, Cầu 17, Quyết Tiến "Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh", bón tổng hợp cân đối các loại phân, thụ phấn nhân tạo bổ sung… Trong đó, đáng chú ý nhất là việc dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho cây bưởi ngọt. Đây là biện pháp kỹ thuật thụ phấn chéo, những hộ tham gia tập huấn năm 2010 được mùa to. Số tiền mà người dân trồng bưởi năm đó thu được khoảng 2,7 tỷ đồng, có hộ thu trên 140 triệu từ bưởi...

Xã Đại Minh hiện có 150ha bưởi, dự kiến năm nay thu về 40 tỷ tăng 8 tỷ so với năm 2015. Hầu hết các vườn bưởi của các hộ gia đình đều đã bán cho các thương lái.

Bưởi Đại Minh có nhiều đặc điểm quý như: Ngọt mát, dóc tép, mọng nước, mẫu quả đẹp, có hương thơm đặc trưng, đã trở thành giống cây ăn quả nổi tiếng của huyện Yên Bình. Diện tích giống bưởi Đại Minh hiện nay có trên 350ha, được trồng phổ biến tại 24 xã và 2 thị trấn, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 xã Đại Minh, Hán Đà, được trồng trên các loại đất đồi thấp và đất soi bãi ven sông Chảy.

Khắc phục hạn chế của phương pháp canh tác quảng canh, bón phân không đúng kỹ thuật, chăm sóc chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật, bón thiếu hụt nguồn dinh dưỡng, đặc biệt là sự thiếu hụt các nguyên tố vi lượng, sử dụng thuốc BVTV trừ sâu bệnh chủ yếu là dùng thuốc hóa học một cách tràn lan… dẫn đến năng suất, chất lượng của các vườn bưởi còn thấp và không đồng đều.

Để nâng cao giá trị bưởi Đại Minh tạo thu nhập cho người trồng bưởi, ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình đề xuất với PGS.TS Đào Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Nông lâm Thái Nguyên) hướng dẫn để thực hiện đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón qua lá và bao quả đến năng suất, chất lượng bưởi Đại Minh” thực hiện từ năm 2015 - 2016.

10-19-01_1
Ông Lã Tuấn Hưng bọc quả cho bưởi chống sâu bệnh và nám
 

Đề tài nghiên cứu thông qua các thí nghiệm áp dụng 2 loại phân bón qua lá (Đầu Trâu 902 và VS-21) kết hợp bón các loại phân hữu cơ, vô cơ cân đối: Đạm, lân, kali và sử dụng thuốc BVTV hợp lý, đồng thời áp dụng bao quả bằng 2 loại túi của Trung Quốc và Việt Nam sản xuất.

Kết quả thí nghiệm cho thấy: Năng suất bưởi tăng gấp rưỡi, đạt 25 tấn/ha so với năng suất trung bình toàn xã là 17 tấn/ha. Trọng lượng đạt 0,8kg/quả, vỏ quả mỏng, múi mọng, tôm ráo và nhiều nước, ăn đậm, mẫu quả đẹp không sần sùi bán được giá. Thu nhập 611 triệu đồng/ha, lợi nhuận 429 triệu đồng/ha so với thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha bưởi trồng đại trà hiện nay.

Đạt được kết quả này do áp dụng kỹ thuật phân bón Đầu trâu 902 qua lá và bao quả túi hiệu quả. Do chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp nên khách đến tận vườn mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/quả, để gần Tết bán từ 50.000 - 60.000 đồng/quả.

10-19-01_2
Chống cho bưởi khỏi gãy cành
 

Gia đình ông Nguyễn Văn Định ở thôn Minh Thân có 72 cây bưởi, (năm 2015 chọn 27 cây để làm thí nghiệm bón phân qua lá và bọc quả) bán được trên 240 triệu đồng. Tháng 10/2016 khi chúng tôi tới, ông bảo: "Bưởi bán được tháng nay rồi, cũng được hơn 300 triệu đồng. Nhà muốn giữ lại để gần Tết bán được giá, nhưng do neo người, nên bán luôn cả vườn lấy tiền một cục…".

Còn ông Trần Quang Khải ở thôn Khả Lĩnh thì bảo: "Nhà tôi bán từ hai tháng trước rồi, được hơn 100 triệu đồng. Ngày nào cũng có người đến hỏi, trả cao giá hơn nhưng mình bán rồi còn đâu. Thế mới tiếc chứ…".

Bưởi Đại Minh đã mang lại tiền tỷ cho người nông dân, kết quả của thí nghiệm đang tạo được niềm tin cho người trồng bưởi, nhiều hộ đăng ký làm theo công thức của đề tài. Huyện Yên Bình đã làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh và sẽ công bố trong thời gian tới. Đề tài nghiên cứu đang góp phần giữ nguồn gen và phát huy giá trị cây bưởi quý.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm