| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: Bài toán ly nông ở ĐBSCL

Thứ Năm 20/11/2014 , 14:02 (GMT+7)

Di cư tự do, tự phát, bị động sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường, tác động xấu đến khu vực đô thị và tác động xấu ngược trở lại khu vực nông thôn./ Bắt đầu từ tổ chức sản xuất


Nâng cao thu nhập cho nông dân là giải pháp chính để lao động nông thôn không rời bỏ làng quê

Ở ĐBSCL hiện có một bộ phận không nhỏ nông dân, nhiều nhất là những người trẻ tuổi bỏ ruộng đồng lên thành thị mưu sinh. Vì sao nông dân, thanh niên nông thôn phải ly nông trong khi chúng ta đang đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ngày càng có nhiều xã xây dựng NTM được công nhận?

Thực trạng này cần được nhìn nhận, đánh giá trên cả 2 mặt, tích cực và tiêu cực của nó. Xem đây là một chỉ dấu quan trọng để rà soát lại kết quả triển khai các chủ trương lớn về tam nông, về xây dựng NTM, giải quyết việc làm, đào tạo nghề… để có chủ trương, cơ chế, chính sách và hệ thống giải pháp thích hợp.

Xét trên bình diện chung, thì sự dịch chuyển lao động giữa khu vực nông thôn và đô thị trong quá trình phát triển là một tất yếu. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong mối quan hệ giữa các đô thị và khu vực nông thôn trong vùng, giữa ĐBSCL - là một vùng nông nghiệp lớn nhất nước với TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh.

Cũng phải thừa nhận mặt tích cực của sự dịch chuyển này.

Ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống gia đình nông thôn, đáp ứng nhu cầu lao động tập trung, khan hiếm ở các đô thị, nó còn giúp nông dân có thêm nghề mới, hình thành và phát triển thêm các loại hình dịch vụ nông thôn.

Tuy nhiên, di cư tự do, tự phát, bị động sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội, những bất ổn về an ninh, trật tự, giao thông, môi trường, tác động xấu đến khu vực đô thị đón nhận dòng nhập cư ồ ạt và tác động xấu trở lại khu vực nông thôn, làm tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội, mại dâm, cờ bạc, lối sống không lành mạnh.

Theo một kết quả nghiên cứu gần đây, thì ĐBSCL là vùng có số dân xuất cư cao nhất nước. 3/4 số dân di cư từ vùng nông thôn ĐBSCL đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đáng lo ngại là tình trạng tăng nhanh số nông dân bỏ ruộng vườn, lao động trẻ di cư lên thành thị tìm việc làm mới, trong điều kiện thiếu kiến thức, sống chủ yếu bằng nghề lao động phổ thông, một bộ phận lao động nữ hành nghề nhạy cảm…

Thực trạng đó đang đặt ra bài toán cần lời giải căn cơ, không chỉ đơn thuần là việc quản lý dân cư về mặt hành chính hay chỉ xem xét, giải quyết về mặt xã hội, mà cần lời giải tổng thể, phải tính đến các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế liên quan đến nông nghiệp, nông dân và xây dựng NTM; các giải pháp, cách thức thực thi hiệu quả, thiết thực hơn.

Tương lai vựa lúa quốc gia sẽ ra sao, khi mà ngày càng có nhiều nông dân bỏ ruộng đồng?

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp rất cần sự tiếp cận vùng và tiếp cận đa ngành, chứ không chỉ riêng ngành nông nghiệp. Giải bài toán tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn không thể tách rời vấn đề “ly nông bị động”.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, người nông dân không chỉ là những người cần cù, lao động giỏi, mà còn phải là những người làm ăn giỏi, không chỉ biết làm ra nhiều lúa gạo mà còn phải biết làm ra nhiều giá trị lợi nhuận để làm giàu.

Đã có nhiều phân tích, cảnh báo về vấn đề này. Miếng ruộng, mảnh vườn, ao cá đã bao đời gắn bó với người nông dân.

Đất đai ở khu vực nông thôn không chỉ là tư liệu sản xuất chủ yếu, nó còn là không gian sáng tạo, sản sinh ra nền văn minh sông nước miệt vườn, cốt cách chân chất, thật thà của người nông dân Nam Bộ; nếu tách rời với những người nông dân cần cù, sáng tạo, chịu khó, thì nó sẽ không còn là không gian của lao động sản xuất và mang lại hiệu quả.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần có nhiều hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ tam nông và thực thi có hiệu quả.

Các vấn đề đất đai, khoa học kỹ thuật cho sản xuất hàng hóa lớn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đang cần những sửa đổi cực kỳ mạnh dạn để chuyển đổi nông nghiệp sang một mô hình khác, chứ cứ lắt nhắt một ít chính sách trợ giúp tạm trữ, một ít chính sách hỗ trợ vốn, một vài dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật... có tính đối phó, theo đuôi thiệt hại như vừa qua thì rõ ràng không ăn thua.

Người nông dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh. Đào tạo nghề nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị sản xuất ngành trồng lúa, đào tạo nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề và tác động tích cực trở lại cho nông nghiệp, nông thôn.

 Doanh nhân hóa nông dân ĐBSCL phải được diễn ra trong không gian của nông thôn đồng bằng, trong những đặc thù của nông nghiệp, nông dân, nông thôn ĐBSCL. Cần phát huy vai trò của người nông dân gắn với xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một yêu cầu tất yếu.

Đó mới là những vấn đề căn cơ cho lời giải ly nông hiện nay.

(Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...