| Hotline: 0983.970.780

Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: “Phải thay đổi cách tiếp cận và tầm nhìn”

Thứ Ba 11/11/2014 , 10:22 (GMT+7)

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền nông nghiệp nước ta đang ở một “đẳng cấp thấp” và muốn tái cơ cấu thành công, cần thay đổi cách tiếp cận, tư duy và tầm nhìn./ Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp


TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nhìn tổng thể, cải cách là chuyển sang thị trường. Nhưng cách phát triển thị trường của ta, đặc biệt trong nông nghiệp là rất… ú ớ. Hệ thống thị trường của ta đang có vấn đề. Mỗi thứ một kiểu. Nông sản một kiểu, đầu vào một kiểu, quản lý đất đai một kiểu, vật tư phân bón một kiểu.

Những kiểu thị trường này làm cho nông dân vốn là những người chỉ quanh năm bám đồng ruộng, không thể thích ứng nổi, vì họ không được đào tạo, hay nói đúng hơn, là không có năng lực thích ứng kiểu như vậy. Họ có thể có đủ thứ mẹo mực để sản xuất, nhưng mẹo mực về thị trường là họ chưa có.

Thế nên theo tôi, cách tiếp cận cấu trúc thị trường cần phải được bàn rộng hơn nữa, đặc biệt là nút nông nghiệp, nông thôn.

Có lẽ, chúng ta nên bắt đầu phải thay đổi cách tiếp cận và tầm nhìn. Ta đã duy trì tầm nhìn và cách tiếp cận nông nghiệp nông thôn quá cũ.

Từ thời Hùng Vương đến giờ không biết đã thay đổi nhiều không? Có lẽ cơ bản là không thay đổi. Đến thời chúng ta dường như nó được củng cố mạnh hơn, là bởi vì lúc nào chúng ta cũng nhắc đến nạn đói năm 1945 như một “bài học kinh nghiệm”.

Chiến lược phát triển nông nghiệp của chúng ta trên “tinh thần cơ bản” vẫn là an toàn, an ninh lương thực, tức là khỏi đói bụng và khỏi chết đói. Cho nên những người đề ra chính sách phát triển nông nghiệp bao giờ cũng có phần bị ám ảnh.

Cách đây 10 năm tôi đã từng nói với anh Phan Diễn, lúc ấy là Thường trực Ban Bí thư, là một chính sách “nhỡ mà”: nhỡ mà đói thì sao, nhỡ mà mất mùa thì sao…, một hệ thống chính sách “nhỡ mà” thì không bao giờ cải cách được. Đấy là một tư duy an ninh lương thực mà tôi cho rằng phải bỏ từ lâu nhưng ta chưa thể bỏ được, bởi vì cái “cốt cách nông dân” kiểu truyền thống của chúng ta vẫn giữ đúng như vậy.

Thế thì cái “an ninh lương thực” thể hiện trong chính sách phát triển thế nào? Thứ nhất là nó chỉ lo SX, lo cái cung thôi, lo năng suất, sản lượng. Điều này chúng ta nói mãi rồi nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh lại, bởi đây là cốt lõi của cách phát triển.

Ông lo cung, lo sản lượng, nhưng ông không lo hiệu quả kinh tế, không lo giá trị gia tăng. Vì thế định hướng khi chuyển sang thị trường, những thị trường nào dễ tính nhất, thích chất lượng thấp nhất là ông nhảy vào.

Tôi nói ví dụ như Philippines là thị trường “đầy yêu mến” của chúng ta, vì thị trường ấy bán hàng lúc nào cũng dễ, gạo 25% hay 30% tấm đều đồng ý cả. Nền nông nghiệp VN dựa trên những thị trường như vậy mãi thì không bao giờ trở thành nền nông nghiệp “đẳng cấp cao” được.

Vậy nên, chiến lược tiếp cận thị trường là hướng tới nhu cầu, hướng tới thị trường, hướng tới giá trị gia tăng. Tôi cho rằng bài toán đặt ra chính là xoay chuyển cấu trúc nông nghiệp. Thay đổi nguồn lực hay thể chế đều vì mục đích nền SX được định hướng, đặt mục tiêu bởi cái cầu chứ không phải cung.

Tôi cho rằng sự tốn kém, sự không hiệu quả của nền nông nghiệp VN không hấp dẫn được thế giới, không hấp dẫn được nhà đầu tư là vì có nền nông nghiệp như vậy. Xin thưa rằng chỉ có nông dân VN mới chịu được cái cấu trúc SX như thế, bởi vì càng gia tăng năng suất, sản lượng, càng tiêu tốn nguồn lực, tài nguyên.

Tài nguyên ở đây là gì? Là đất, là nước. Để SX ra một lượng nông sản trên nền giá trị gia tăng thấp thì phải tốn nhiều đất, tốn nhiều nước, tốn nhiều vật tư. Và đằng sau đó là xăng dầu, vận tải…, đủ các thứ tốn. Cái đấy chỉ có một hệ thống phi kinh doanh họ mới làm được. Cũng từ đó, DN họ không đầu tư là điều dễ hiểu.

Như chúng ta biết, định hướng nguồn lực trong nhiều năm nay thay đổi rất mạnh. Chúng ta luôn nói chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, CNH-HĐH đúng hướng, nhưng tại sao chỉ có 7% vốn FDI đổ vào nông nghiệp, 1% số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp? Phân tích lại chúng ta thấy rằng một nền kinh tế đẳng cấp vô cùng thấp mà vẫn nói là đúng hướng thì cần xem lại.

Từ đó thấy rằng, phân bổ nguồn lực hiện nay là sai rồi. 50-60% dân số làm nông nghiệp, 60-70% dân cư ở nông thôn mà DN không có, đầu tư không có, thì nguồn lực chảy đi đâu? Trong khi đó, lúc nào chúng ta cũng mong muốn nông nghiệp là vùng đệm thật tốt. Nói thật, đệm ấy mỏng lắm rồi, đụng nhẹ, khủng hoảng nhẹ là không chống đỡ nổi đâu. Ta phải nhìn thấy rủi ro ở chỗ ấy.

Chúng ta nói chuyển dịch là đúng hướng, đất đai chuyển sang làm công nghiệp, làm đô thị là đúng hướng…, nhưng cái chuyển ấy gây ra một thiệt hại quá lớn cho nông dân. Họ không có tài sản, xa đất đai là chết. Do đó, cái chuyển dịch đó thoạt đầu nhìn có vẻ đúng hướng, song sai về mặt chiến lược, chiến thuật. Phải thay đổi được thể chế, thay đổi cách tiếp cận, nhất là quản lý đất đai, quản lý nguồn lực cho phát triển.

“Có 4 tuyến cấu trúc cần phải làm đó là cấu trúc sản phẩm. Cấu trúc sản phẩm ở đây phải gắn với KHCN, là công nghệ cao.
Cấu trúc quy mô sản xuất. Không có quy mô thì không thể hội nhập, không có sản lượng và chất lượng lớn. Ngoài ra phải phân vùng sản phẩm theo lợi thế địa phương.
Cấu trúc chuỗi. Hiện chuỗi cung ứng của ta đang là: SX, sơ chế và… hết.
Do đó, phải có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi giá trị của nông sản. Cuối cùng, phải cấu trúc lại thị trường. Phải quản lý chặt chẽ thị trường trong nông nghiệp, trong đó thị trường vật tư đầu vào, đầu ra, và có cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp” (TS Trần Đình Thiên).

Cần phải hướng tới một tầm nhìn khác. Chúng ta không thể bàn việc tái cơ cấu theo kiểu kinh nghiệm, theo từng việc cụ thể, mà cần có một cái nhìn rộng hơn, thay đổi nhận thức.

Hội nhập đặt ra cho nông nghiệp nông thôn cơ hội, nhưng không ít thách thức. Chúng ta đang bước vào một thế giới khác hẳn chứ không phải chúng ta mở cửa và được chọn thị trường. Hãy để thị trường chọn chúng ta.

Ngày xưa thị trường nào dễ tính thì chúng ta ôm chặt lấy. Bây giờ vào TPP (Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương) phải “chơi” theo kiểu TPP. Đó là thị trường tự do, ông muốn tham gia thì những tiêu chuẩn đặt ra cho SX phải càng ngày càng cao, thể chế cũng phải thay đổi thì mới đạt giá trị gia tăng lớn.

Tiến trình gia nhập thị trường tự do cũng không chậm như chúng ta nghĩ đâu, mà nó sẽ rất nhanh. Nông dân không thích ứng được sẽ phá sản hàng loạt. Mới năm ngoái thôi, khi chúng ta còn xa lạ với TPP, thì đến nay, nhìn lại, cả đồng lúa của ĐBSCL đã không đáp ứng được tiêu chuẩn hội nhập rồi, vì tiêu chuẩn của họ quá cao, trình độ SX của ta lại quá thấp.

Một vấn đề nữa là thay đổi cấu trúc nguồn lực. Phải định vị lại chứ để tình trạng chiếm đất nông nghiệp quá nhiều rồi bỏ hoang thì quá lãng phí. Ai chịu trách nhiệm, đương nhiên là lãnh đạo rồi.

Tôi có quen một ông bí thư huyện ủy ở Hải Dương, ông ấy bảo giờ không dám xuống dân nữa, vì dân phản ứng ghê quá. Một khu công nghiệp mà 10 năm không cựa quậy gì, hàng trăm, hàng nghìn ha đất hoang phí như thế, trong khi dân không có đất canh tác, nghịch lý quá.

Một việc nữa là trong tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta chưa chú tâm vào phát triển một nền nông nghiệp nhiệt đới gió mùa. Đây là lợi thế của nông nghiệp nước ta. Ngoài ra, chúng ta có thể tận dụng các thành tựu KHCN từ các nước có nền nông nghiệp đẳng cấp trên thế giới để áp dụng cho VN.

Tôi nói ví dụ, một số công nghệ tưới, nuôi bò từ Israel chúng ta đã vận dụng thành công. Có thể chi phí còn cao, có thể còn va vấp chỗ này chỗ khác. Nhưng tóm lại là thành công, và chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên một đẳng cấp cao hơn, thậm chí cao nhất thế giới, trong nông nghiệp.

Bạn đọc có thể tham gia góp ý kiến và gửi trực tiếp về địa chỉ baonnvn@hn.vnn.vn (Tiêu đề xin ghi rõ: Gửi chuyên mục "Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp")

(Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.