| Hotline: 0983.970.780

“Hội nghị Diên Hồng” chống lạm phát

Thứ Hai 22/08/2011 , 09:18 (GMT+7)

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã dành trọn cả ngày 20/8 để lắng nghe ý kiến, đề xuất về điều hành KT-XH những tháng cuối năm 2011 và năm 2012...

Phải hạ lãi suất ngân hàng mới mong kiềm chế lạm phát

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã dành trọn cả ngày 20/8 làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế để lắng nghe ý kiến, đề xuất về điều hành KT-XH những tháng cuối năm 2011 và năm 2012, những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Phải hạ được lãi suất ngân hàng

Khoảng 30 nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, học giả trong và ngoài nước đã được mời đến hiến kế cho Chính phủ trong việc phát triển KT-XH, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với những thách thức lớn, đó là khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến Việt Nam, giá tiêu dùng tăng cao, tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn lớn. Đặc biệt, “bóng ma” lạm phát ảnh hưởng không nhỏ đến những mục tiêu phát triển đất nước. “Ưu tiên số 1 là kiềm chế lạm phát, sau đó là quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN và chăm lo an sinh xã hội”- Thủ tướng nói.

Để “hạ hỏa” lạm phát, theo TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, lãi suất cho vay đang quá cao, dẫn tới lạm phát luôn ở mức 2 con số. “Đây là 2 mặt của một vấn đề. Chúng tôi nhất trí là điều hành kinh tế thời gian tới vẫn phải coi kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu, tuy vậy không vì thế mà dồn khó khăn cho DN. Ý kiến chung là cần kéo lãi suất xuống nhưng giải pháp còn khác nhau. Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp ngay, hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại, kéo lãi suất xuống. Ngoài ra, phải giảm lạm phát trước, lúc ấy lãi suất sẽ ắt giảm theo”- ông Kiêm phân tích.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, lãi suất cho vay  phải xuống 17 - 19% thì mới hy vọng khôi phục sản xuất, từ đó phát triển kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét để hỗ trợ lãi suất, cho vay qua thị trường mở để cấp vốn cho các ngân hàng thương mại. Ông Thành đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay lãi suất hơn 10% chẳng hạn. Khi đó lãi suất ngân hàng thương mại cho vay ra thị trường sẽ chỉ 17-19%. Rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp để hạ lãi suất cho vay trước. Có vậy, tình trạng mất ổn định ở khu vực sản xuất mới được khắc phục và chỉ khi DN phát triển ổn định thì mới có thể kéo lạm phát xuống được.

Cơ sở thực hiện là hạn mức tín dụng mà Chính phủ đề ra với mức 20% cho cả năm, đến nay mới thực hiện được 7-8%, vẫn còn dư địa nhiều. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể lên một chương trình cấp vốn giá rẻ cho các ngân hàng thương mại, kèm theo các điều kiện chặt chẽ để nguồn tín dụng ấy không chảy vào lĩnh vực phi sản xuất, đầu cơ, gây lạm phát.

Cơ hội trong thách thức

Về tình hình kinh tế vĩ mô, các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế có chung nhận định, tuy còn khó khăn, nhưng thông qua chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Chính phủ, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2011 đạt 5,6%. XK tăng nhanh, tổng kim ngạch XK 7 tháng đầu năm tăng 33,5% so cùng kỳ năm trước. NK tăng thấp hơn so với XK và có xu hướng giảm trong tháng 6, 7. Lạm phát có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế thế giới đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Nhiều thị trường là bạn hàng của Việt Nam đang bị khủng hoảng. Kinh tế Mỹ, một số nước châu Âu… đang đối mặt với nhiều khó khăn. Do vậy một số đơn hàng XK của ta sang các thị trường này sẽ bị giảm sút.

CPI Hà Nội tháng 8 tăng 1,06%

Cục Thống kê Hà Nội vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thủ đô tháng này tăng 1,06% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp trong vài tháng trở lại đây, khi giá cả các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm, tăng chóng mặt. Tuy nhiên, nếu so sánh tháng 8 của 3 năm liên tiếp, CPI tháng này vẫn tăng cao nhất.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, kinh tế toàn cầu đang thành cơn bão, sức công phá chưa lường hết. Cơn bão ấy khó qua nhanh, ngay cả những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU cũng cần thêm thời gian mới vượt qua được. Tất cả đang làm bộc lộ yếu kém trong quản lý nợ công, quản trị quốc gia… Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, trước hết là XK sẽ gặp nhiều khó khăn. “Tuy nhiên, cơn bão cũng có mặt tích cực mà ta phải chuẩn bị tận dụng. DN ở các nước phát triển gặp phải vấn đề chi phí sản xuất quá cao, lao động đắt đỏ, ắt sẽ dịch chuyển sản xuất sang những nước có chi phí thấp hơn. Việt Nam có thể là điểm đến của xu hướng ấy”, ông Thiên cho hay. Như vậy, Việt Nam, một mặt đề ra các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì mặt khác phải chuẩn bị các điều kiện để nắm bắt cơ hội này.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần tái cấu trúc nền kinh tế. Trước hết, việc phải bắt tay làm ngay là tái cấu trúc đầu tư công, gắn với kiểm soát nợ công, tái cấu trúc DNNN mạnh mẽ hơn bằng đẩy nhanh cổ phần hóa, đa dạng hóa các hình thức sở hữu DN, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc thể chế gồm quy hoạch, việc phân cấp - phân quyền cũng như tái cấu trúc thị trường.

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học để tìm ra những kế sách, cách làm hay. “Dự kiến những cuộc tham vấn sẽ được Chính phủ tổ chức thường xuyên, khoảng 6 tháng/lần”, Thủ tướng nói.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất