| Hotline: 0983.970.780

Hội thi Giọng ca cải lương Bông lúa vàng lần thứ XII, năm 2017: Hơn cả một cuộc thi

Thứ Sáu 26/05/2017 , 07:10 (GMT+7)

Hội thi tuyển chọn giọng ca cải lương Bông lúa vàng, do Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh và Công ty CP Phân bón Bình Điền phối hợp tổ chức lần thứ XII, sẽ diễn ra từ ngày 1/7 - 30/12/2017.

Sân chơi nhiều ý nghĩa

Đây là một hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương, được duy trì đều đặn 24 năm qua với thể thức “Bình chọn giọng ca cải lương hằng tuần” và hai năm 1 lần là hội thi Giọng ca cải lương Bông lúa vàng.

13-30-32_img_2163
Quang cảnh họp báo về hội thi

Hội thi là sân chơi không chỉ cho các thí sinh có triển vọng đờn, ca cải lương, nhằm tuyển chọn ra những giọng ca xuất sắc, bổ sung cho sân khấu cải lương cũng như trên sóng phát thanh - truyền hình cả nước; là nơi để các nghệ sỹ đờn ca cổ nhạc trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp tục sáng tạo, nâng cao nghệ thuật biểu diễn phục vụ công chúng; mà còn góp phần động viên, hâm nóng niềm đam mê đờn ca tài tử - cải lương, nhất là với thế hệ trẻ; tạo ra một điểm hẹn cho khán thính giả mộ điệu có dịp thưởng thức, giao lưu, học hỏi mỗi chiều thứ bảy hằng tuần qua sóng phát thanh VOH.

Từ đây, đã phát hiện ra nhiều giọng ca hay, tạo hướng đi để họ phấn đấu, trở thành nghệ sỹ cải lương chuyên nghiệp như NSƯT Tuyết Ngân (Đoàn Cải lương Bến Tre), NSƯT Hồ Ngọc Trinh (Đoàn Cải lương Long An), NSƯT Đào Vũ Thanh (Đoàn Cải lương Tiền Giang), nghệ sỹ Lư Quốc Vinh, Thành Tây (Đoàn Văn công Quân khu 7), các nghệ sỹ Thu Vân, Minh Trường, Hà Như, Lê Văn Mẹo (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), nghệ sỹ Lê Tứ, Hải Long (giảng viên Trường Đại học Sân khấu – điện ảnh TP Hồ Chí Minh)… Rất nhiều thí sinh từ cuộc thi đã trở thành lực lượng nòng cốt cho phong trào đờn ca tài tử- cải lương ở xã, phường, quận huyện các tỉnh Nam Bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Tám ở huyện Phước Long, Bạc Liêu nói: “Không riêng tui, mà cả nhà tui đều rất mê đờn ca tài tử. Hàng chục năm nay nhà tui không mấy khi bỏ nghe buổi thi tuyển chọn giọng ca cải lương vào chiều thứ bảy trên sóng VOH. Người này quên thì người kia nhớ, cứ tới giờ là mở đài. Tui còn thường tụ tập mấy bạn già lối xóm qua uống trà, cùng nghe hát và bàn luận nữa. Rất đã”

NSƯT Phượng Loan, giám khảo hội thi rất tâm đắc chương trình này “vì nó như ngọn lửa nhỏ luôn luôn cháy để thắp sáng, hâm nóng niềm đam mê đờn ca tài tử - cải lương của người dân Nam Bộ. Tôi chưa thấy có cuộc thi nào lại kiên trì, bền bỉ như cuộc thi này”.

Ông Lê Công Đồng, GĐ Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết: “Để giữ cho được một chương trình bền lâu như giải Bông lúa vàng, ban tổ chức đã thường xuyên có những đổi mới, vừa nâng cao chất lượng cuộc thi theo hướng chuyên nghiệp vừa không để mất đi chất “mộc”, không lai tạp của thí sinh, không tổ chức chương trình theo kiểu game show, ví dụ ở lần tổ chức giải thứ XII năm nay, trong vòng thi chung kết, các thí sinh có phần thi bài ca vọng cổ, diễn trích đoạn với những giọng ca cải lương chuyên nghiệp”.
 

Bền bỉ đồng hành cùng chương trình

Ông Lê Quốc Phong, TGĐ Cty CP Phân bón Bình Điền cho biết, do công việc ông thường tiếp xúc với bà con nông dân, ông nhận thấy đờn ca tài tử - cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân Nam Bộ, đi tới đâu ông cũng nghe người ta ca cải lương, ông thấy phải giúp bà con có một sân chơi, vừa phát hiện tài năng ca hát cải lương, vừa có dịp được thưởng thức, học hỏi. Khi sóng truyền hình còn chưa phủ hết vùng sâu, vùng xa thì sóng phát thanh là tốt nhất. Ông nghĩ và được lãnh đạo Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh đồng tình chấp thuận, Cty Bình Điền đã quyết định tài trợ cho chương trình.

Từ năm 1993 đến nay, đồng hành với hội thi, mỗi năm Bình Điền đóng góp hàng tỷ đồng; năm nay Bình Điền nâng mức tài trợ lên 2,5 tỷ đồng, là để nâng giá trị giải thưởng lên gần gấp 3 (huy chương vàng các mùa trước là 25 triệu đồng, năm nay là 70 triệu đồng).

“Đóng góp cho hội thi là góp một phần nhỏ vào công cuộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của nghệ thuật đờn ca tài tử- cải lương Nam Bộ, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, ông Lê Quốc Phong nói.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.