| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ: Trăm năm nhìn lại

Khéo vẽ vời cho nhiễu sự

Thứ Ba 28/11/2017 , 07:50 (GMT+7)

Đó là lời than của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút Đông Dương tạp chí từ hơn 100 năm trước, trong bài viết “Chữ quốc ngữ” đăng trên Đông Dương tạp chí, số 33, năm 1913.

Theo đó, ông viết: “Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ Quốc ngữ cho phải lẽ nhưng chẳng lý nào bằng thói quen của người ta, cho nên tuy đã có nghị định y lối Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chịu theo, tân thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu sự”.
 

Liên tục cải tiến

Chữ Quốc ngữ có nguồn gốc từ châu Âu, theo các nhà buôn và các giáo sỹ sang nước ta từ thế kỷ XVI. Để khuếch trương buôn bán, giao tiếp và truyền đạo, các thương gia và giáo sỹ Bồ Đào Nha ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài buộc phải Latin hóa tiếng Việt. Còn giới Nho sỹ Việt Nam khi đó, văn tự là chữ Hán, sau này là chữ Nôm.

Giáo sỹ Alexandre de Rhodes được coi là ông tổ của chữ Quốc ngữ khi biên soạn cuốn “Tự vị Việt - Bồ - La” và viết cuốn “Phép giảng tám ngày” bằng chữ Quốc ngữ in tại Roma năm 1651.

Giáo sỹ Alexandre de Rhodes - ông tổ chữ Quốc ngữ

Từ 23 chữ cái Latin được Alexandre de Rhodes sử dụng, chữ Quốc ngữ dù liên tục được cải tiến nhưng sáng chế của Alexandre de Rhodes vẫn được dùng đến ngày nay. Sau đó, Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) và Taberd tu sửa, kiện toàn chữ Quốc ngữ thêm một bước. Đầu thế kỷ XIX, một linh mục người Việt Nam là Philiphê Bỉnh đã có công tu sửa, hoàn thiện thêm chữ Quốc ngữ, mà công trình quan trọng nhất là cuốn “Sách sổ sang chép các việc” viết theo thể hồi ký.

Đến đầu thế kỷ XX, từ một thứ văn tự bị cưỡng bức phải học, nhận thấy chữ Quốc ngữ có nhiều đột khởi giúp khai minh dân trí, các trí thức Nho học tân tiến đã hết sức cổ vũ đưa chữ Quốc ngữ vào đời sống. Các nhà Nho sáng lập phong trào “Đông Kinh nghĩa thục” là Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Võ Hoành,… đã xây dựng phương châm: “Dùng chữ Quốc ngữ làm văn tự nước nhà, thay cho chữ Hán và chữ Nôm, để trong thời gian vài tháng đàn bà trẻ con cũng đều biết chữ”.
 

Đề xuất không có gì mới

Trở lại với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, theo PGS.TS Hoàng Dũng (Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh), vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ không có gì mới. “Ông Bùi Hiền tuyên bố là chữ Quốc ngữ có nhiều điểm bất hợp lí, thiếu khoa học thì ngay từ hội nghị 1902 người ta đã làm điều này rồi. Một số đề xuất của tác giả (như k thay cho c, q, k; z thay cho d) cũng đã được hội nghị này nêu lên”.

Cụ thể, năm 1902 một Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội do Jean Nicholas Chéon đứng đầu, đề ra chủ trương triệt để tôn trọng nguyên tắc mỗi chữ một giá trị kí âm. Năm 1906, lại thêm một hội nghị nữa.

Sau khi đất nước bị chia cắt, ở miền Nam, năm 1956 tại Ðại hội Văn hóa toàn quốc, Ủy ban Ngôn ngữ đưa ra kiến nghị sửa đổi một số cách viết chữ Quốc ngữ; vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ còn được tái khởi động cùng với sự ra đời của Ủy ban Ðiển chế Văn tự (1973).

Cuốn sách Kỷ niệm 400 năm ngày ra đời chữ Quốc ngữ

Ở miền Bắc, trong hội nghị Cải tiến chữ Quốc ngữ năm 1960, Ban Ngôn ngữ (Viện Văn học) mà đại diện là Hoàng Phê đọc một báo cáo, được xuất bản vào năm sau, nhan đề Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ (NXB. Văn hóa, Hà Nội, 1961). Sau khi đất nước thống nhất, trong các năm 1978 và 1979, một số hội nghị được tổ chức xoay quanh vấn đề chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ khoa học.

“Trải qua hơn một trăm năm, thỉnh thoảng vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ lại được nêu ra và lại tiếp tục chết yểu”, ông Hoàng Dũng phân tích.

Cùng chung quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Lợi chia sẻ hai kỷ niệm đáng nhớ xung quanh các ý kiến đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ, khi ông còn làm việc ở Viện Ngôn ngữ học, được phân công trả lời các ý kiến cải tiến chữ Quốc ngữ:

“Lần thứ nhất liên quan đến đề xuất của một bác Việt kiều ở Pháp. Bác vốn làm việc trong ngành bưu điện, quen với việc đánh telex, bác đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ theo cách đánh telex. Ý kiến của bác được đề xuất với Chính phủ; Ủy ban Khoa học Xã hội (cơ quan quản lý Viện Ngôn ngữ) yêu cầu chúng tôi xem xét và trả lời. Sau nhiều lần làm việc (tổ chức các hội thảo cùng các chuyên gia), bác ấy không còn giữ ý kiến đó nữa.

Lần thứ hai là đề xuất của một cháu học sinh. Cháu đưa ra một loạt đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ và yêu cầu Ủy ban Khoa học Nhà nước, Cục Bản quyền giải quyết. Những đề xuất cháu đưa ra mang tính tùy tiện, chủ quan, không có cơ sở khoa học. Làm việc với cháu, chúng tôi nhận thấy cháu tư duy không bình thường (cháu đưa đến một quyển vở trong đó ghi các ký tự kỳ quặc gọi là chữ Quốc ngữ cải tiến và yêu cầu Cục Bản quyền coi là phát minh của cháu”.

Không đặt mục tiêu "cải tiến" để tiết kiệm chữ

“PGS.TS Bùi Hiền giải thích về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt, theo đó ông đưa ra lý do quan trọng là tiết kiệm được số lượng chữ (từ đó dẫn đến tiết kiệm giấy mực). Tôi tôn trọng tinh thần nghiên cứu của PGS Bùi Hiền. Tuy nhiên tôi thấy cái nguyên tắc "tiết kiệm chữ" không có tính thuyết phục. Vì nếu tiết kiệm chữ thì người ta đã thay tất cả các hệ thống chữ viết bằng chữ tốc ký từ lâu rồi.

Nguyên tắc của chữ viết là biểu đạt được đầy đủ mọi sắc thái tiếng nói của mỗi dân tộc. Việc sử dụng nhiều phụ âm để biểu đạt một âm vị là chuyện bình thường của các ngôn ngữ. Thậm chí nhiều dân tộc còn sử dụng phụ âm và nguyên âm đúp cho một âm vị mà họ không hề thấy "lãng phí" (như aa, oo, ee, bb, cc, dd, ff, ll, mm, nn, pp, ss, rr, tt,...). Cái đó làm thành một đặc trưng văn hoá của mỗi dân tộc.

Việc cải tiến chữ viết chỉ được thực hiện đối với những trường hợp bất hợp lý chứ không có dân tộc nào đặt mục tiêu cải tiến chữ viết để tiết kiệm chữ” (PGS.TS Nguyễn Văn Dân - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm