| Hotline: 0983.970.780

Khôi phục giống gà 'mặc quần'

Thứ Hai 23/03/2015 , 06:12 (GMT+7)

Đất An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vốn nổi tiếng bởi giống gà Tò “tiến vua”. Trải qua năm tháng chiến tranh, gà Tò gần như mai một, người dân An Mỹ luôn trăn trở, nhọc công tìm cách khôi phục lại giống gà quý này.

Gà “độc nhất vô nhị”

Gà Tò có vóc dáng cao lớn, con trống có khối lượng 4 - 5 kg, con mái cũng đạt 3 - 4 kg. Chính vì thân hình vạm vỡ nên có tích “Gà Tò ăn quẹm cối xay” (gà đứng bên dưới vẫn có thể mổ được thóc trên cối xay lúa bằng đất ngày xưa).

Gà trưởng thành đẹp mã, “đuôi công, mình cốc, đầu trám, mào cờ”, bộ lông màu cánh gián, mào đỏ ửng, dáng đi oai vệ. Thịt gà đỏ như gà chọi, săn chắc và thơm ngon. Điểm nổi bật nhất của giống gà này là có lớp lông phủ dọc từ bàn chân tới tận đùi. Chính vì vậy, gà Tò còn được gọi với tên khác là gà “mặc quần”.

Đến An Mỹ giờ đây, người ta vẫn còn được nghe truyền thuyết về xuất xứ của giống gà này.

Chuyện rằng, vào thời nhà Trần, có vị Đức Tiến Công là con rể của vua, trong một lần vào cung đã đem theo một con gà để tiến vua cha. Nhà vua thấy giống gà quý, thân hình vạm vỡ chắc nịch, thịt lại thơm ngon nên rất hài lòng. Vua ban thưởng cho dân làng Tò mười nghìn đấu gạo và đặt tên giống gà quý theo tên làng Tò.

Theo lệ, cứ tới rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, người dân lại chọn một chú gà Tò khỏe đẹp nhất làng để tổ chức lễ cúng Thành Hoàng. Gà tế thần phải là giống gà thuần chủng, được chăm sóc ngay từ khi mới nở, vỗ béo bằng thứ gạo lứt, cưng nựng như báu vật của làng.

Theo các cụ cao niên, gà Tò để nuôi “chơi”, nuôi “cúng thánh” chứ không được bán bao giờ. Khi giống gà Tò mai một, tục lệ cúng gà vào dịp lễ Thành Hoàng không còn được duy trì nữa, “đặc sản” của làng cũng chỉ còn trong câu ca dao “Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn”.

Gian nan khôi phục

Trải qua 2 cuộc chiến tranh, giống gà Tò gần như tuyệt chủng, chỉ còn sót lại được vài ba con có một số đặc điểm giống với gà thuần. Trăn trở với việc khôi phục giống gà quý, một số người đã đến từng hộ nuôi gà trong xã, chọn mua những con gà có đặc điểm sót lại của gà Tò đem về phối giống với hy vọng tìm lại được giống gà đã mất.

Chị Đỗ Thị Nguyệt, một người dân có kinh nghiệm nuôi gà cho biết: "Nuôi gà Tò mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng ít người nuôi hoặc chỉ nuôi với số lượng nhỏ bởi khâu nhân giống khó khăn. Gà mái không “ấp bóng”, chỉ nghỉ 5 - 7 ngày là lại đẻ lứa mới nhưng số lượng gà con nở thấp hơn so với giống gà ri. Bởi vậy giá gà giống khá cao, dao động từ 30.000 - 40.000 đ/con.

Năm 2005, Viện Chăn nuôi Quốc gia đã thực hiện đề án “Bảo tồn nguồn gen vật nuôi Việt Nam”, thành lập Ban kiểm định giống gà Tò. Kết quả cho thấy, gà Tò là giống vật nuôi quý hiếm, nằm trong danh mục bảo tồn nguồn gen quốc gia.

Theo đó, Cty CP Chăn nuôi Thái Bình đã tiến hành nuôi thử và nhân giống thành công giống gà quý hiếm này.

Theo bà Phạm Thị Nội, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ, thời điểm năm 2010, phong trào nuôi gà Tò ở xã phát triển mạnh, riêng gà thuần chủng cũng tới hơn 1.000 con. Ngoài ra, người dân còn lai tạo giống gà Tò để chăn nuôi phát triển kinh tế.

“Trận dịch cúm gia cầm cuối năm 2011, gà bị chết nhiều, số lượng gà Tò vì thế cũng giảm hẳn. Có đợt triển lãm sản phẩm nông nghiệp ở Hà Nội, cấp trên cho xã 1 gian hàng giới thiệu giống gà quý của địa phương nhưng không có con gà Tò thuần chủng nào được bày”, bà Nội cho biết.

Xót giống gà quý, ông Vũ Khắc Huyên ở thôn Tô Đàm, xã An Mỹ quyết tâm gây dựng lại đàn gà. Ông chọn những con có đặc điểm nổi bật của gà Tò để nuôi lấy giống. Mỗi đợt gà chỉ đẻ tầm 15 quả, ông cho ấp và nuôi thử.

Gà Tò “ấp vụng” bởi thân hình to lớn, đôi chân cao, khi ấp dễ đè vỡ trứng và thường giẫm chết con ngay khi mới nở. Khi gà nở, ông lại chọn những con trội nhất đàn, nuôi riêng để tiếp tục nhân giống. Đến nay, đàn gà nhà ông đã lên tới 50 con.

Cũng theo ông Huyên, gà Tò thích hợp với điều kiện chăn thả tự nhiên, khả năng kháng bệnh cao, dễ thích nghi với môi trường nên rất dễ nuôi. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, người chăn nuôi phải có kinh nghiệm, cần nuôi riêng gà Tò với các giống gà khác, gà lấy thịt và gà nhân giống cũng cần có chế độ chăm sóc riêng.

Mặc dù đã được khôi phục nhưng giống gà Tò thuần chủng hiện còn lại rất ít mà hầu hết đã được lai tạo. Gà Tò lai tuy nhanh lớn nhưng có khối lượng nhỏ hơn gà thuần chủng, khả năng kháng bệnh thấp và chất lượng thịt cũng kém hơn.

Số lượng không nhiều cùng những đặc điểm nổi bật như thịt thơm, rắn chắc khiến gà Tò là mặt hàng được cánh lái buôn “săn” vào những dịp lễ Tết. Giá gà Tò luôn cao hơn những loại gà khác từ 80.000 - 100.000 đ/kg.

Có dịp khan hàng, anh Phạm Trọng Nghĩa ở thôn Tô Hồ, xã An Mỹ bán con gà khối lượng 3,5 kg với giá 2 triệu đồng. Vài năm trở lại đây, gà Tò còn được lùng mua về làm cảnh hoặc làm gà chọi.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm