| Hotline: 0983.970.780

Không để tôm "ôm" nợ

Thứ Hai 15/04/2013 , 10:24 (GMT+7)

Mặc dù thời hoàng kim của nghề nuôi tôm ở ĐBSCL không còn, một số tỉnh thu hẹp đến 70% diện tích nuôi, nhưng ở Bến Tre vẫn giữ vững; năm 2013 đạt trên 43.000 ha.

Mặc dù thời hoàng kim của nghề nuôi tôm ở ĐBSCL không còn, một số tỉnh thu hẹp đến 70% diện tích nuôi, nhưng ở Bến Tre vẫn giữ vững; năm 2013 đạt trên 43.000 ha. Tuy nhiên, thách thức đầu tiên phải đối mặt là dịch bệnh…

THỜI HOÀNG KIM ĐÃ QUA

Ông Nguyễn Văn Đạt ở ấp 3, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre bồi hồi nói: “Trước đây tôi là sĩ quan công an, về nghỉ hưu chưa biết làm gì thì phong trào nuôi tôm nổi lên. Tôi cải tạo ruộng lúa một vụ thành ao nuôi tôm và không ngờ thắng đậm. Đến vụ tiếp tôi đào thêm 2 ao. Từ năm 2000 đến 2008 cứ thả tôm xuống là trúng. Một vụ 3 tháng, 3 ao tôm của tôi thu được từ 5 - 7 tấn. Giá bán 90.000 đ/kg loại 40 con, tổng chi phí cho 1 kg tôm chỉ hết từ 35.000 -40.000 đồng.

Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ nuôi tôm ở Bình Đại đều trúng. Nhà cửa được sửa sang hoặc làm mới, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Tôi có 2 con đang học đại học cũng nhờ tôm. Nhưng những năm gần đây liên tiếp tôm bị bệnh, hết đốm trắng đến gan tụy. Người nuôi phải đối mặt với vỡ nợ, sổ đỏ cầm ở ngân hàng không có tiền chuộc. 3 ao tôm của tôi phải bỏ không. Tôi mới sang nhượng 2 ao này. Mặc dù đã lường trước khó khăn, nhưng lỡ phóng lao rồi phải theo vậy!”.

Giữa trời trưa nắng nóng, tôi đưa mắt nhìn vuông tôm của ông Đạt rộng chừng 500 m2 được bảo vệ bằng tấm lưới giăng dây nhựa trên khoảng không của ao để đuổi chim ăn tôm và mang dịch bệnh từ nơi khác đến. Kỹ sư Toàn, Phó phòng NN- PTNT huyện Bình Đại nói: “Những ngày trước, đêm đêm nơi đây như một thành phố nổi. Đèn điện giăng đầy. Người mua kẻ bán tấp nập vô cùng. Nay nhiều hộ bỏ nghề, treo ao, không đủ vốn tái nuôi. Một số chỉ nuôi cầm chừng. Giá vật tư nuôi tôm thì cứ tăng. Ngược lại giá tôm nguyên liệu giảm, hoặc nếu có tăng cũng không kịp giá tăng vật tư. Nhưng cái chính vẫn là dịch bệnh hoành hành”.


Bảo hiểm nuôi tôm để tránh rủi ro

Không như ông Đạt, ông Nguyễn Văn Bầu ở ấp Giồng Xoài, xã An Đức, huyện Ba Tri chia sẻ: "Tôi bắt đầu nuôi tôm từ năm 1998. Nuôi quảng canh mỗi năm một vụ. Đến năm 2003 Hội Nghề cá của tỉnh đầu tư nuôi tôm công nghiệp. Thấy các hộ nuôi trúng quá chừng. Tôi đào một mẫu đất ruộng lúa thành 3 ao thả tôm sú rồi đến tôm thẻ chân trắng. Ngày ấy trúng thấy ham quá chừng. Từ nuôi tôm, tôi có tiền trang trải cuộc sống, lo cho 2 đứa con gái ăn học.

Hiện một đứa đang là thạc sĩ dạy toán ở trường cấp 3, một đứa là cán bộ phụ nữ xã. Tiền nuôi tôm tôi mua thêm đất và làm nhà ở chợ cho vợ chồng thằng con trai sinh sống. Tuy vậy từ 2 năm nay, dịch bệnh quá tôi không mạo hiểm nuôi nữa mà nhượng ao cho người khác làm. 5 năm tôi lấy được 300 triệu đồng. Hiện tôi đang gây dựng cặp bò cao sản”.

LÀM SAO ĐỂ PHÁT TRIỂN?

Ông Cao Công Hầu, Chủ tịch HĐQT Cty CP Nuôi trồng thủy sản Đồng Tâm ở huyện Bình Đại cho biết: Cty đang có 40 ha ao nuôi. Để tránh rủi ro do dịch bệnh, Cty đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ ao lắng, ao nuôi, lịch thời vụ đến chủ động con giống, kết hợp với phòng trừ dịch hại tổng hợp.

Bệnh đốm trắng từ năm 2008 đến nay đã tìm được tác nhân gây hại nên đã có phác đồ điều trị. Còn bệnh gan tụy mặc dù đã qua nhiều cuộc hội thảo cấp tỉnh, cấp vùng, cấp Bộ nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra virus gây bệnh. Có ý kiến cho rằng cũng có thể bệnh từ giống tôm nhập, lại có ý kiến cho rằng vì nuôi tôm ở nước ta phần lớn tự phát không được quy hoạch tổng thể, khoa học nên đã phá vỡ môi trường mất cân bằng sinh thái.

Tuy vậy trong bối cảnh chung đó ở Bình Đại vẫn có nhiều hộ nuôi tôm thành công. Điển hình như nhóm của kỹ sư Vũ Đình Hà từ tỉnh Khánh Hòa vào. Tốt nghiệp Đại học Nha Trang, Hà xin được làm nhân viên tiếp thị thức ăn thuốc thủy sản cho Cty C.P. Được 3 năm đến năm 2007 nghỉ việc và cùng một số anh em hùn hạp với hộ nuôi tôm (thường là những hộ thất bại đang tính bỏ ao), theo phương thức người có ao cộng với người có kiến thức và vốn. Lợi nhuận chia đôi. Người có ao nếu trực tiếp làm vẫn được tính tiền công.

Theo Hà thì muốn nghề nuôi tôm có hiệu quả thì cần nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. "Thiên" thì như nhiều người biết những năm gần đây ở Bình Đại nói riêng, ở hai huyện của Bến Tre nói chung là bất lợi cho việc nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có con tôm. Còn con người thì từ lãnh đạo tỉnh đến huyện, xã và người dân đều chung một ý xem nuôi tôm là một hướng phát triển kinh tế mạnh của tỉnh. Nhận thức là vậy nhưng khi đem áp vào thực tế thì không phải dễ.

Nhóm của Hà thành công được cái chính là kiến thức và vốn. Ví như nuôi theo mô hình mới là phải có ao ương tôm bột cách ly với môi trường xung quanh. Nhà ương tôm phải được làm kín để che nắng, không cho côn trùng xâm nhập và giữ nhiệt độ ổn định. Ương tôm bột trong 1 tháng khi mỗi con lớn chừng 2 gr mới thả giống. Đầu tư cho một ao ương tôm khoảng 500 m2 hết chừng 50 triệu đồng không phải hộ nuôi tôm nào cũng làm được. 50 m2 đó đủ thả cho 3 ao, 9.000 m2.

Trước khi thả giống ao đã được xử lí. Nước trong ao đã chuyển thành màu tảo nâu và nhiệt độ không lạnh quá. Nhờ các biện pháp tổng hợp đó nên tôm của nhóm kỹ sư Hà không những ít bệnh dịch mà khi thu hoạch thì nhà máy chế biến lại miễn trừ khâu kiểm nghiệm (tiền kiểm nghiệm 1 kg mất 8.000 đồng chưa kể thời gian chờ đợi kết quả từ 2 - 3 ngày).

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trưởng BCĐ Bảo hiểm nông nghiệp tỉnh:

Bến Tre xác định nghề nuôi tôm là một thế mạnh kinh tế cần đầu tư phát triển ổn định và bền vững, tránh rủi ro do dịch bệnh. Vì vậy tỉnh đang quy hoạch vùng nuôi, hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, ban hành lịch thời vụ, quản lí chặt chẽ các cơ sở giống và kinh doanh giống, củng cố và xây dựng hơn 80 BQL vùng nuôi.

Đến nay tỉnh đã chủ động được 30% con giống, hỗ trợ 100% hoá chất phòng trừ dịch bệnh. Từ năm  2012, Bảo Minh Bến Tre đã nhận bảo hiểm thí điểm nuôi tôm ở 15 xã của 3 huyện. Mặc dù có một vài vấn đề phát sinh cần rà soát lại nhưng năm 2013 sẽ tiếp tục nhân rộng bảo hiểm.

Đây là một trong những giải pháp cần thiết không chỉ hỗ trợ rủi ro cho người nuôi tôm không may gặp dịch bệnh mà còn tăng nhận thức cho họ. Muốn được bảo hiểm trước hết người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình được khuyến cáo.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm