| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật “mạ ném”

Chủ Nhật 09/12/2007 , 16:50 (GMT+7)

Hiện nay, SX nông nghiệp đang đứng trước tình trạng sức lao động ngày càng thiếu và yếu, nhất là khi vào thời vụ khẩn trương. Đã khó thuê lao động, giá thuê khoán lại rất cao, nhiều nơi phải thuê tới 50-60.000đ/sào gặt; 65-70.000đ/sào cấy.

 

Cùng với sự lên giá của các loại vật tư nông nghiệp khác đã làm giảm mức thu nhập của người có ruộng. Do vậy tìm giải pháp kỹ thuật làm giảm sức lao động nông nghiệp, nhất là khi thời vụ căng thẳng đang là vấn đề mang ý nghĩa kinh tế và xã hội lớn.

Kỹ thuật gieo thẳng (sạ lúa) mang lại nhiều lợi ích: Giảm công cấy tới 80% (cả công gieo mạ, công cấy), năng suất có thể còn cao hơn lúa cấy tới 5-8%. Một số xã thuộc huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã vận dụng gieo thẳng gần 20 năm nay. Thái Bình cũng đang từng bước áp dụng rải rác khắp các địa phương; diện tích gieo vãi nhiều như xã Cộng Hoà (Hưng Hà), Vũ Thắng (Kiến Xương), Song An (Vũ Thư)…Nhưng điều kiện đầu tiên để áp dụng kỹ thuật gieo thẳng phải là chân ruộng chủ động tưới, tiêu. Trong khi đó, thực trạng ở Thái Bình hiện nay, hệ thống mương máng còn nhiều bất cập; trên 60% diện tích canh tác chưa chủ động tưới tiêu, trong đó khoảng 30% diện tích khó thoát nước. Như vậy còn khá nhiều diện tích không thể gieo thẳng được.

Tiếp thu kỹ thuật mạ ném của Trung Quốc, năm 1996, Trung tâm Khảo nghiệm & Khuyến nông Thái Bình đã triển khai mô hình ứng dụng mạ ném tại xã Trọng Quan (Đông Hưng), quy mô 3.600 m2. So sánh thấy, nếu cấy lúa thủ công, một lao động nữ cấy 1 sào lúa hết khoảng 12 giờ đồng hồ thì ném 1 sào mạ chỉ hết khoảng 15-20 phút, mà cả nam nữ đều làm được; năng suất lúa cũng tương đương. Rõ ràng, kỹ thuật mạ ném đã giải quyết rất cơ bản vấn đề lao động thời vụ căng thẳng.

Nhưng tại sao thời kỳ đó “mạ ném” không được nông dân hưởng ứng? Qua tìm hiểu cho thấy nguyên nhân chủ yếu là:

- Thời điểm đó, lao động nông nghiệp còn đang dư thừa do công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chưa phát triển, sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang các ngành trên còn hạn chế.

- Giá trị ngày công lao động rất thấp, khoán cấy trọn gói 1 sào lúa chỉ hết khoảng 20.000đ.

- Khay nhựa để gieo mạ ném phải nhập ngoại với giá rất cao, nên đầu tư ban đầu khoảng 100.000đ/sào, trong điều kiện thu nhập của nông dân còn thấp nên rất ít nông dân dám bỏ chi phí đầu tư.

Đó là những trở ngại lớn làm cho nông dân hờ hững với kỹ thuật  mạ ném.

Hiện nay, điều kiện để phổ biến kỹ thuật mạ ném đã có nhiều thuận lợi:

- Lao động thiếu, giá thuê khoán rất cao.

- Giá khay nhựa đã giảm 60% so với thời kỳ đầu nên đầu tư ban đầu chỉ khoảng 40.000đ/sào, thời gian sử dụng khay có thể được 3- 4 vụ, nên nông dân có thể chấp nhận được.

So với các biện pháp kỹ thuật khác như cấy bằng mạ sân thì kỹ thuật mạ ném có ưu thế hơn hẳn. Tốn ít bùn và thóc giống hơn, đỡ tốn công lao động hơn, và điều quan trọng hơn là dễ làm và đảm bảo thời vụ gieo cấy.

Để áp dụng kỹ thuật mạ ném đạt hiệu quả cao, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược như sau:

 Khay gieo mạ: Khay nhựa chiều dài 60cm, chứa 30 hàng lỗ; chiều rộng 33 cm, chứa 19 hàng lỗ. Như vậy, mỗi khay chứa 570 hốc nhỏ (mỗi hốc nhỏ là 1 khóm lúa). Một sào (360m2) lúa, nếu cấy với mật độ khoảng 45 khóm /m2, tương đương 16.200 khóm/sào, sẽ cần 28 khay mạ. Tóm lại, tuỳ giống lúa và mùa vụ mà mỗi sào cần khoảng 26-30 khay mạ.

Nơi đặt khay:

- Mỗi sào cấy cần 26-30 khay, cần diện tích nền khoảng 5-6m2.

- Những nơi có thể gieo được mạ sân, mạ nền đất cứng hoặc mạ dầy xúc đều có thể gieo được mạ khay, thậm chí gieo ngay trên luống mạ.

 Chuẩn bị đất gieo mạ: Lượng bùn bằng 2/3-3/4 so với gieo mạ sân. Cho bùn vào xô, chậu, bóp nhuyễn thành bùn loãng, múc bùn đổ lên mặt khay, gạt hết bùn xuống các lỗ khay (nếu cẩn thận thì đổ bùn qua rổ sảo để lọc bớt lá cây, cục đất đá to).

Gieo mạ: Khi mộng gai dứa thì gieo như gieo mạ sân. Lượng thóc giống cần cho 1 sào lúa: Giống hạt thóc to như Q5 cần 1,2-1,4kg; giống hạt nhỏ như KD18, BT7… khoảng 1kg/ sào. Gieo thật đều, xong lấy tay hay bẹ chuối gạt nhẹ cho mọi hạt thóc lọt hết xuống các lỗ khay.

Gieo xong, che đậy, chăm sóc như đối với mạ sân.

Làm ruộng cấy: Như làm ruộng cấy mạ sân.

- Cày bừa kỹ, bón hết các loại phân bón lót trước bừa cấy.

- Trang phẳng mặt ruộng.

- Nếu lớn nước quá cần gạn bớt nước cho cây mạ chóng ngồi.

Ném mạ:

- Cắm tiêu chia rạch để tiện đi lại chăm sóc. Thường cách khoảng 4-5 m chia 1 rạch; chỉ cần bước chân đánh dấu để khi ném mạ không ném vào lối đi lại.

- Chia số khay mạ đều cho các luống. Đi theo bờ, theo rạch; tay trái nâng khay mạ, tay phải túm mạ và ném đều trên luống. Ném xong, giũ sạch khay cất giữ cho vụ gieo cấy sau.

- Trong 1-2 ngày sau khi ném mạ , tranh thủ điều chỉnh chỗ quá dầy hoặc quá thưa.

Sau đó, rắc thuốc trừ cỏ và chăm sóc như lúa cấy.

Lưu ý:

*Vì bộ rễ được bảo toàn ngay từ khi gieo mạ, hơn nữa, mạ ném ăn nông nên lúa đẻ rất sớm và rất khoẻ.

* Khóm lúa đã được hình thành ngay khi gieo mạ, do vậy, phải gieo thật đều, mỗi hốc không quá 3-4 hạt. Nếu gieo nhiều, sau này rất khó tỉa bỏ.

*Không nên cho bùn đặc, dầy bùn, không tưới nước bùn cho mạ. Nếu có bùn dính lên miệng hốc khay thì rễ mạ sẽ ăn lan từ hốc này sang hốc khác, sau này các khóm mạ dính nhau, không ném được.

*Nên ném khi mạ được 2,5 lá. Phần vì mạ đúng tuổi nên đẻ khoẻ, mặt khác bộ rễ còn nhỏ, chưa đan kết nhau, chưa có nhiều rễ ăn xuống qua lỗ khay nên còn dễ “lột mạ”; hơn nữa, cây mạ còn nhỏ dễ ngồi hơn.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm