| Hotline: 0983.970.780

Lung linh đêm hội lúa gạo

Thứ Tư 09/11/2011 , 11:43 (GMT+7)

Đây là lễ hội tôn vinh cây lúa hạt gạo, vinh danh những nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa và các nhà khoa học, DN có đóng góp cho sự phát triển của lúa gạo Việt Nam.

Tối qua (8/11), tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra lễ Khai mạc Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II năm 2011. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Đại sứ, Tổng lãnh sự quán các nước và lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh và đông đảo người dân vùng ĐBSCL đã đến dự. 

Đây là lễ hội tôn vinh cây lúa hạt gạo, vinh danh những nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa và các nhà khoa học, DN có đóng góp cho sự phát triển của lúa gạo Việt Nam.  

Lễ khai mạc Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II năm 2011 diễn ra lung linh huyền ảo

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, lúa gạo có vai trò quan trọng trong đời sống, là nguồn lương thực của hơn nửa dân số thế giới. Đối với Việt Nam, sản xuất lúa gạo gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước. Cây lúa là cây lương thực chính của Việt Nam và liên quan đến đời sống của 80% dân số. Chính vì vậy, lúa gạo có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Trong suốt 25 năm qua, với sự nỗ lực của hàng triệu nông dân, các nhà khoa học… năng suất và sản lượng lúa của Việt Nam không ngừng tăng. Riêng năm 2011 sản lượng lúa cả nước đạt hơn 41,5 triệu tấn. Năng suất lúa của Việt Nam nhiều năm qua luôn dẫn đầu các nước trong khu vực.  

Những kết quả đó đã đưa Việt Nam từ nước bị thiếu đói, phải nhập gạo trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trong hơn 20 năm qua, lúa gạo của Việt nam đã xuất đi 125 nước trên thế giới, riêng năm 2011 dự kiến xuất khẩu đạt hơn 7 triệu tấn. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng vẫn phát triển, góp phần đảm bảo kinh tế vĩ mô và đóng góp lớn vào việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.  

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, các nước đã giúp Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và sản xuất lúa gạo. Để phát triển lúa gạo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện các chính sách đang thực hiện để giúp nông dân yên tâm sản xuất.  

Theo Phó Thủ tướng, việc đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dân số liên tục tăng, đất lúa bị thu hẹp nên cần phải sử dụng thật hiệu quả đất trồng lúa, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ sao cho hiệu quả, thực hiện cánh đồng mẫu lớn, gắn sản xuất với chế biến, nâng cao hiệu quả sản xuất để góp phần xây dựng nông thôn mới. Các cấp chính quyền phải đồng tâm hiệp lực, cùng nhau phát triển tốt hơn nữa tiềm năng thế mạnh trong sản xuất lúa gạo để phát triển ổn định, bền vững.

Tối qua lễ khai mạc mới chính thức diễn ra, nhưng từ sáng sớm TP Sóc Trăng đã trở nên nhộp nhịp bởi dòng người khắp nơi nô nức đổ về tham dự Festival. Đến 17 giờ, mọi con đường dẫn vào Trung tâm Văn hóa hồ Nước Ngọt, nơi diễn ra lễ khai mạc đều chật cứng người và xe cộ. Nhiều người đã tranh thủ đến từ rất sớm để chọn cho mình chỗ ngồi ưng ý nhất.

Lão nông Huỳnh Văn Hải vui mừng cho biết: “Lễ hội đông quá nên tui phải kêu mọi người trong gia đình chuẩn bị đi từ sớm cho khỏi kẹt xe. Nghe nói đây là lễ hội tôn vinh người nông dân. Gia đình tui mấy đời làm nghề nông nên vợ chồng, con cháu đều đến đây hết để được tôn vinh”.

Trong suốt ngày 8/11, nhiều hoạt động trong khuôn khổ Festival đã diễn ra như: Hội thi nông dân sản xuất lúa giỏi, Khai mạc khu triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”, Khai mạc khu triển lãm hội chợ Festival, Lễ hội ẩm thực, Thi làm cốm dẹp… Hầu hết du khách đều tỏ ra thích thú khi tham quan “Con đường lúa gạo” chạy dài khoảng 1.200m theo đường Hùng Vương.

Dọc theo con đường này, hàng chục ngàn bụi lúa được trưng bày trên dải phân cách, theo chu trình từ khi lúa còn xanh đến lúa làm đòng, lúa trổ bông và chín. Không chỉ tham quan, nhiều người còn tranh thủ chụp vài kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Kết thúc “Con đường lúa gạo” là mô hình con tàu chở gạo xuất khẩu, đưa hạt gạo Việt Nam vươn ra thế giới.

Đêm khai mạc kết thúc bằng màn bắn pháo hoa lung linh tỏa sáng. Trong khoảng 30 phút, những màn pháo hoa đẹp mắt liên tục rực sáng trên bầu trời Sóc Trăng, như mở ra một tương lai mới rạng ngời cho lúa gạo Việt Nam. Festival lúa gạo sẽ diễn ra đến hết ngày 11/11/2011.

Hội thi đâm cốm dẹp cũng thu hút rất nhiều khán giả. Ông Lâm Vĩnh Phương, PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, đâm cốm dẹp là hoạt động tín ngưỡng truyền thống mang tính phồn thực của người Khmer Nam bộ diễn ra vào mùa Óc-Om-Bóc hàng năm. Những hạt gạo nếp đầu mùa được trai, gái mang giã thành cốm, nhờ ánh lửa ngọn đèn gió dâng lên thần Mặt trăng, thần Đất, thần Nước thể hiện lòng biết ơn của người nông dân về một mùa vụ bội thu.

Cũng trong chiều qua, BTC đã trao giải Hội thi ảnh nghệ thuật và cuộc thi viết với chủ đề “Bãi Xàu - Thương cảng quốc tế xưa và nay”. Đồng thời khai mạc khu triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Cây lúa Việt Nam với biến đổi khí hậu toàn cầu”. 101 tác phẩm triển lãm với thông điệp “Hãy chung tay vì một nền an ninh lương thực toàn cầu trước thách thức biến đổi khí hậu” là điểm nhấn quan trọng của Festival lần này.

Trước giờ khai mạc, đoàn xe hoa gồm 20 chiếc được trang trí lộng lẫy với đủ màu sắc, trái cây và lúa của các Bộ, ngành, các Cty, đơn vị và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã diễu hành trên nhiều tuyến phố của TP Sóc Trăng.

Tri ân nông dân

Trong khuôn khổ Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II tại tỉnh Sóc Trăng, hôm qua hội thi “Nông dân sản xuất lúa giỏi vùng ĐBSCL” đã thu hút được 96 nông dân đến từ 12 tỉnh tham gia.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trưởng BTC hội thi cho biết: Hội thi là sự kiện mở đầu cho chương trình lễ hội Festival Lúa gạo lần thứ II. Đây là dịp để nông dân các nơi giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa. Hội thi cũng là dịp để nông dân các nơi chia sẻ và thưởng thức văn hóa giữa các vùng miền.

Sau một ngày đua tài quyết liệt, Ban giám khảo đã chấm đội Tiền Giang đạt giải Nhất, giải Nhì thuộc về tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ, giải 3 thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, còn lại 6 đội đạt giải khuyến khích. Ngoài ra, BTC đã tôn vinh và tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN – PTNT cho 48 nông dân điển hình – sáng tạo – sản xuất lúa giỏi.

Phát biểu tại buổi lễ tôn vinh, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát đã bày tỏ lòng cảm ơn những nông dân có mặt tại buổi lễ cũng như nông dân trong cả nước đã không ngừng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…trong sản xuất lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Thanh Phong 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm