| Hotline: 0983.970.780

Máy trỉa đậu phụng

Thứ Năm 16/01/2014 , 10:52 (GMT+7)

Chiếc máy do ông Tiến chế tạo rất đơn giản, không tốn nhiên liệu, công suất bằng 9 - 10 công lao động, giá thành rẻ.

Lâu nay thấy bà con phải cặm (dùng cây chọc lỗ) từng lỗ trỉa đậu phụng, vừa tốn công, lại nhọc nhằn, ông Huỳnh Tiễn, 60 tuổi ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát (Bình Định) mày mò tận dụng đồ phế thải chế tạo máy trỉa đậu phụng. Máy rất đơn giản không tốn nhiên liệu, công suất bằng 9 - 10 công lao động, giá thành rẻ.

Máy có kết cấu rất gọn nhẹ, chỉ nặng 24 kg, kích thước 60 x 80 cm, gồm 2 trục ru - lô (lô). Trục lô trước đường kính 25 cm, dài 54 cm, cũng là bộ phận truyền động cho cả bộ máy, vừa làm bánh xe cho máy chuyển động. Trục lô sau đường kính 9 cm chỉ làm giá đỡ, cũng như là một bánh xe. Bộ phận chính của máy gồm 4 chiếc bầu (trống) chứa hạt giống đậu phụng, mỗi bầu có đường kính 11 cm, dài 18 cm, chứa được 1 kg hạt.

Trong ruột mỗi bầu có gắn ống nhựa, trong ống nhựa đó có gắn đường xoắn như lò xo. Bên dưới bầu chứa hạt có gắn trục xoắn phân hạt và phễu đề định vị hạt rớt xuống đất đúng vị trí. Tất cả các bộ phận vừa nêu đều làm bằng ống nước nhựa. Bên dưới cùng có gắn 4 dao xẻ rãnh và 4 nẹp đôi bằng tole để lấp rãnh. Bên trên máy có lắp cần đẩy.


Ông Huỳnh Tiễn vận hành máy trỉa đậu phụng trong vườn nhà

Ru - lô trước có gắn trục ở giữa, đầu trục là nhông. Nhông này gắn với líp xe đạp, rồi gắn tiếp với một chiếc khoan tay (để lợi dụng các nhông truyền động, có thể thay khoan tay bằng các nhông kim loại khác). Mũi khoan tay gắn với dây sên cam, xe máy (sên cam này nối với tất cả trục của 4 trống cấp hạt).

Khi đẩy, máy chuyển động, cũng là lúc các trục quay. Trục có ruột xoắn, đặt trong bầu chứa hạt, ở phía đuôi có đục lỗ thông với bầu chứa hạt, nên khi trục quay, hạt trong bầu theo lỗ rớt xuống trục.

Nhờ đường xoắn trục, hạt được đưa lên phía trên (do bầu chứa hạt, cả trục xoắn được đặt nghiêng một góc nhất định), sau đó rớt xuống trục xoắn thứ 2 đặt bên dưới bầu hạt. Cũng nhờ các rãnh xoắn trục này tải từng hạt rớt xuống phễu, rồi xuống rãnh đã được dao xẻ rãnh rạch sẵn và được các lá tole lấp đất lại.

Như vậy nhờ 2 trục (của một bầu chứa hạt) có đường xoắn hình lò xo mà hạt tuần tự được phân chia, rớt xuống rãnh từng hạt một, không bị nghẽn hạt, dồn hạt, hay hạt bị trầy xước. Dù hạt to nhỏ khác nhau đều được, không cần điều chỉnh hệ thống chọn hạt. Điều quan trọng nữa là tính toán làm sao để ru - lô truyền động quay một vòng thì bầu chứa hạt quay đúng nửa vòng, để tạo khoảng cách, cứ 15 cm rãnh là có một hạt rớt xuống.

Trả lời câu hỏi tại sao không dùng bánh xe cao su mà dùng trục lô, ông Huỳnh Tiễn cho rằng, dùng trục lô để máy không bị lún, để mặt đất bằng phẳng như ban đầu không biến dạng. Còn dùng líp xe đạp là để máy tiến và dừng chứ không thể lùi, nếu lùi sẽ làm đảo lộn hệ thống, máy không có tác dụng. Máy chỉ một người vận hành, dùng sức đẩy nhẹ nhàng, nếu gắn máy vào thì vận chuyển nặng nề, bất tiện, lại tốn nhiên liệu.

Theo tập quán canh tác ở Cát Hải, đậu phụng được trỉa thành rò (luống). Tùy theo mùa, vụ hè thì trỉa 3 hàng một rò, vụ đông xuân thì 4 hàng một rò. Đáp ứng nhu cầu đó ông Huỳnh Tiễn sáng tạo ra 2 loại máy trỉa đậu phụng 3 hàng và 4 hàng. Nếu 4 hàng thì đặt 4 bầu hạt. Máy phù hợp với trỉa rò, nhưng với điều kiện đất trỉa phải mịn. Nếu đất cục nhiều thì phải có người phụ trợ lấp đất cho hạt, những chỗ máy không lấp được.

Mục sở thị máy vận hành cho thấy, người đẩy máy rất nhẹ nhàng, dù tốc độ nhanh hay chậm, khi đúng vòng tua hạt rơi xuống đúng vị trí, cách quãng 15 cm một hạt. Tuy vậy có lúc 2 hạt rơi xuống một chỗ, hay có lúc giãn cách không đều nhau. Điều này một số nông dân địa phương cho rằng chấp nhận được.

Trỉa tay có lúc người ta cũng cho 2 hạt một lỗ. Theo ông Tiễn, nếu trên đất thịt lục cục, không phẳng thì máy vẫn vận hành tốt, chỉ cần thêm một người đi theo sau máy lấp những chỗ hạt, máy lấp còn sót. Theo tác giả sáng tạo, máy trỉa được 700 m2/giờ, tính ra khoảng ½ ha trong 1 ngày, thay thế cho khoảng 8 - 10 người trỉa thủ công (2 người trỉa 1 sào/buổi).

Vì tất cả nhông, sên, khoan tay, ru lô nhựa, tole, gỗ… đều là vật liệu phế thải tận dụng, nên giá thành rất rẻ, theo ông Tiễn chỉ khoảng 2 - 2,5 triệu đồng. Tính ra so với giá thuê công lao động thì dùng máy rất có lợi. Giá bán máy khoảng 3 triệu đồng thì hầu như nông dân trồng đậu phụng nào mua cũng được

Ông Huỳnh Tiễn có nghề chính là đi biển, chuyên đánh bắt gần bờ, kết hợp với nghề nông, chuyên trồng hành, trỉa đậu phụng. Cát Hải là xã chuyên trồng đậu phụng, hành nên có nhu cầu về máy trỉa. Vì đam mê sáng tạo và bức xúc từ thực tế nên ông mày mò tạo ra máy trỉa đậu phụng. Phải mất hơn 2 năm nghiên cứu và phải nếm trải nhiều thất bại, ông mới tạo ra chiếc máy này. Chỉ nói đến một vài chi tiết thôi cũng thấy được tính sáng tạo và công phu của ông.

Để làm được đường xoắn gắn bên trong ống trục, ông phải tạo mẫu âm từ trục gỗ trắc, sau đó mới cắt ống nhựa gắn vào đó để tạo cố định cho vòng xoắn không biến dạng rồi mới gắn vào bên trong trục. Trước đó ông cũng tự tạo ra máy tuốt đậu phụng chạy bằng mô-tơ điện cũng rất hiệu quả, được ứng dụng trong thực tế.

Để tiếp tục hoàn thiện máy trỉa đậu phụng, ông Tiễn dự tính sẽ cải tiến bộ phận phân phối hạt, làm sao tránh ngắt quãng, độ đều hạt trỉa trên luống phải là trên 90%, chứ không như hiện nay chỉ khoảng 80%. Nếu trỉa đều quãng thì có thể là điều kiện cho máy xới xáo, làm cỏ nào đó trong tương lai hoạt động thuận tiện hơn.

Ông cho rằng nếu trỉa quy mô lớn, có thể cải tiến máy thành nhiều bầu chứa hạt, bầu chứa to hơn, để trỉa thành nhiều hàng, thời gian trỉa lâu hơn và máy vận hành sẽ nhờ các loại máy cày, máy kéo khác thì hiệu quả là rất lớn.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm