| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng “vành đai xanh” thành phố

Thứ Sáu 28/12/2012 , 11:53 (GMT+7)

Sau gần 10 năm thành lập, Cần Thơ vẫn giữ được thế mạnh SX lúa gạo, thủy sản và đặc biệt chú trọng phát huy kinh tế vườn và phát triển mô hình luân canh lúa - màu.

TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương, là đô thị loại I lớn nhất vùng ĐBSCL. Sau gần 10 năm thành lập, Cần Thơ vẫn giữ được thế mạnh SX lúa gạo, thủy sản và đặc biệt chú trọng phát huy kinh tế vườn và phát triển mô hình luân canh lúa - màu.

Các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai có những cánh đồng lúa bao la trù phú, còn Phong Điền có hơn 50% diện tích là vườn cây chuyên canh đặc sản. Vào lúc thịnh, Phong Điền có vườn cây ăn trái bạt ngàn, 19.000 - 20.000 ha, bao gồm những vùng đất biền phù sa ven sông thuộc một phần của quận Cái Răng (Cần Thơ) và các huyện Châu Thành, Châu Thành A (Hậu Giang). Chiếm phần lớn là vườn cây có múi như cam mật, cam sành, quýt tiều, quýt đường nổi tiếng nhất miền Tây.

Vào mùa trái chín chính vụ từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, tại các vựa trái cây ven sông Cần Thơ, ghe chở hàng bông tới lui mua bán nhộn nhịp. Tuy nhiên, sau một thời gian các vườn cam bị bệnh vàng lá Greening và khi chia tách tỉnh, điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Phong Điền thu hẹp còn 6.700 ha vườn cây, trong đó vườn chuyên canh khoảng 4.700 ha.


Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn khuyến khích nông dân mở rộng vành đai xanh thành phố

Những năm gần đây các nhà vườn ở Phong Điền đang lấy lại “phong độ”, ứng dụng TBKT trong phòng trị bệnh để có cây cho trái tốt, đạt hàng lựa loại nhất, bán giá cao; cho cây ra hoa trái mùa nghịch. Bên cạnh đó một số nhà vườn có vốn đầu tư sinh cảnh, kết hợp với những Cty du lịch lũ hành làm du lịch miệt vườn theo quy hoạch của thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng phát triển đô thị sinh thái Phong Điền từ nay đến năm 2025. Vì vậy, Phong Điền đang phát triển theo hướng dựa vào lợi thế hệ thống giao thông thủy - bộ thuận tiện, tiếp giáp hai quận trung tâm Bình Thủy, Ninh Kiều, đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, khai thác du lịch vườn, chợ nổi.

Trong những năm qua, đầu tư khai thác du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp với chợ nổi, kinh tế vùng nông thôn ở Phong Điền đang chuyển mình phát triển. Du khách gần xa về Cần Thơ biết đến Phong Điền qua các khu di tích lịch sử Phan Văn Trị, di tích khảo cổ Ốc Eo, tượng đài chiến thắng ông Hào và hàng chục khu du lịch sinh thái như Mỹ Khánh, Giáo Dương, Vườn Mai… thưởng thức trái cây đặc sản như cam mật, dâu hạ châu, quýt đường, vú sữa. Một số nhà vườn ở Phong Điền, Long Tuyền - Bình Thủy đang cải tạo vườn theo hướng chuyên canh đặc sản, kết hợp du lịch, câu cá thư giãn, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.

Hiện, Phong Điền có 300 ha vú sữa Lò Rèn, 250 ha dâu, trên 190 ha măng cụt. Còn hơn tháng nữa đến Tết, chúng tôi đến vườn vú sữa nhà ông Năm Thể (Trương Văn Thể), ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân. Ông Năm Thể nói, vú sữa trồng 3 năm cho trái, với 1,8 ha vườn của gia đình đến mùa thu hoạch mỗi năm được vài trăm triệu không khó.

Ông Mẫn khẳng định: Sắp tới lãnh đạo các sở, ngành của thành phố sẽ có biện pháp hỗ trợ tích cực nông dân vùng ngoại thành xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số loại trái ngon đặc sản, đưa hàng vào các siêu thị và phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững “nhà sạch, vườn sạch, đường nông thôn sạch đẹp"...; mở rộng vành đai xanh thành phố”.

Sang nhà ông Năm Liền ở thị trấn Phong Điền, con đường vào nhà ông vườn dâu hạ châu, cam sành, quýt đường, bưởi… mát rượi, hoa trái thơm ngát bốn mùa. Ông Năm Liền vừa bỏ tiền dọn lại ao cá trước nhà, bắc chiếc cầu khỉ qua ao, xây mới gian nhà mát và những nhà vệ sinh sạch sẽ… làm điểm đến cho du khách gần xa tới vui chơi, thư giãn, đi dạo quanh vườn.

CLB hoa kiểng Tân Thới, huyện Phong Điền có 63 nhà vườn, khởi sự ươm giống từ giữa tháng 8, đến nay thì nụ hoa vừa mới nhú. Anh Lê Văn Chính, thành viên CLB có 6 công đất, nói: "Mỗi năm nhờ mùa hoa Tết cũng thu về tiền lãi khoảng 30 triệu đồng". Còn anh Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX rau màu Long Tuyền (Bình Thủy) cho biết, quanh vùng đã hình thành vùng rau chuyên canh trên 100 ha. Trong đó HTX Long Tuyền có trên 30 ha. Tết này HTX trồng dưa hấu, dưa lê, khoai lang, bí… cung cấp theo hợp đồng cho các thương lái. Về lâu dài HTX sẽ chuyển hướng canh tác đa canh với các loại rau củ, rau ăn lá nhằm giảm sâu bệnh, hướng tới SX bền vững.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Thanh Mẫn khen ngợi những nông dân, nhà vườn làm ăn cần mẫn, sáng tạo và thành công qua những mô hình SX nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, tổ chức gắn kết phát triển du lịch sinh thái; đây là những tiềm năng, cần phát huy.

TS Bùi Hữu Thuận, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Cần Thơ:

Để đảm bảo SX, xuất khẩu, theo kinh nghiệm của các nước thì cần tính tới sự phù hợp với điều kiện thiên nhiên cho SX nông sản chất lượng, an toàn. Ngoài ra, phải xây dựng được quy trình phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi gia tăng cho nhà SX. Đồng thời nhận thức các biến động về thời tiết, chính sách, hiểu biết về an toàn thực phẩm và có biện pháp xoay xở, đối phó với tình huống bất lợi. Nói tóm lại, minh bạch là điều tối cần trong SXKD nông sản.

(TT-L.H.V ghi)

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm