| Hotline: 0983.970.780

Đâu rồi trái quý?

Một thời cây trái Lái Thiêu

Thứ Tư 05/03/2014 , 10:16 (GMT+7)

Vườn trái Lái Thiêu đang lụi dần và có nguy cơ xóa sổ. Khách du lịch đến tham quan, thưởng thức trái cây cũng dần đi vào quên lãng.

Nhắc tới Lái Thiêu (Bình Dương), người ta nghĩ ngay đến vùng đất có nhiều đặc sản trái cây nổi tiếng: “Muốn ăn măng cụt, sầu riêng/Muốn lấy vợ đẹp thì về Lái Thiêu”. Tuy nhiên vườn trái Lái Thiêu đang lụi dần và có nguy cơ xóa sổ. Khách du lịch đến tham quan, thưởng thức trái cây cũng dần đi vào quên lãng.

Ông Võ Thanh Quan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết: “Thuận An là nơi "sản sinh" ra các loại trái quý như măng cụt, sầu riêng, mít Tố Nữ, bòn bon…. trồng tập trung ở 6 xã, thị trấn ven sông Sài Gòn (thị trấn Lái Thiêu, Vĩnh Phú, An Thạnh, xã Hưng Định, Bình Nhâm, An Sơn). Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa phát triển chóng mặt, đất trồng cây ăn trái bị thu hẹp. Nhiều cây bị chết do già cỗi, thoái hóa và ảnh hưởng nguồn nước thải từ các khu công nghiệp. Người tiêu dùng không còn mặn mà hoặc quay lưng với cái tên “trái cây Lái Thiêu”.

NỖI LO

Ông Nguyễn Văn Dội ở ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định là đời thứ 4 gắn bó với nghề trồng cây ăn trái, trầm ngâm nói: "Gia đình tôi có 5.000 m2 đất ông cha để lại, chủ yếu trồng măng cụt, dâu xiêm, bòn bon, sầu riêng. Khoảng từ năm 1970 đến năm 2000, gia đình nào ở đây có vườn cây ăn trái thì cuộc sống rất sung túc, cất nhà lầu, mua xe hơi, con cái học hành khỏe re.

Thậm chí có những năm, con nít đi mót trái cây của nhà vườn đi bán lại cũng có tiền xài thoải mái. Sau đó, do nhiều nguyên nhân khiến diện tích ngày càng sụt giảm, giá cả không ổn định dẫn đến thu nhập của người dân cũng “xuống dốc”. Nhiều gia đình phải ngậm ngùi đốn bỏ vườn để chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày”.

Ông Dội cho biết thêm, trước đây vườn của gia đình có cả trăm cây đặc sản mang thương hiệu Lái Thiêu. Nhưng giờ cả vườn chỉ còn sót lại duy nhất một cây măng cụt tuổi đời 120 năm và 2 cây dâu xiêm khoảng 80 năm. Nhiều khi ông cũng buồn và rất băn khoăn, phần muốn phá, phần thì muốn để lại. Phá thì tiếc, bao nhiêu công lao của ông cha gây dựng, để lại thì cũng nản, cây rất ít hoặc không có trái, lại bị chiếm nhiều diện tích. “Có những năm tôi phải chuyển nghề đi buôn bán chuối, rồi làm dịch vụ du lịch vườn nhưng thu nhập cũng chẳng ăn thua gì”, ông Dội buồn bã nói.

Tương tự, ông Lê Quốc Hưng ở ấp Hưng Phước, xã Hưng Định chia sẻ: “Cách đây khoảng 15 - 20 năm, trái cây ở Hưng Định nói riêng, Lái Thiêu nói chung chẳng cần quảng bá mà tiếng thơm bay xa cả trong và ngoài nước. Mỗi năm vườn cây thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, họ tự tay hái những trái ngon ngọt, sạch không lo bị thuốc sâu gì hết”. 

Còn bây giờ, nhiều vườn bị cằn cỗi, sản lượng trái giảm mạnh, hương vị trái không còn ngon ngọt như trước nữa. Một số gia đình nản lòng, người thì bán đất, người thì chia cho con cái để làm nhà, người thì bỏ bê “số phận” hàng trăm cây đặc sản, mặc sức cho chúng tự chống chọi với thiên nhiên. “Giờ khách đến tham quan, mua trái cây ngày càng ít đi, nhiều gia đình không có thu nhập, con cái bỏ đi làm công nhân hết rồi!”, ông Hưng trầm ngâm nói.

PHẢI CỨU VƯỜN

Chị Tâm, người có thâm niên bán trái cây ở thị xã Thuận An cho biết: "Sau giải phóng, tôi còn nhỏ xíu đã theo mẹ đi bán trái cây. Hồi đó bán sướng lắm, ngày nào khách cũng ghé nườm nượp, nhiều khi có cả những đoàn đi tham quan ở Hà Nội vô, nghe nói trái cây Lái Thiêu là họ mê liền. Khách trên xe ai cũng mua một, hai giỏ về làm quà. Lúc bấy giờ, bán trái cây theo kiểu bán trái, chứ không bán ký, thông thường thì bán 1 chục = 12 trái hoặc 14 trái. Trái cây vừa hái ở vườn mang ra bán vừa rẻ vừa ngon".

Những năm gần đây, tên tuổi “trái cây Lái Thiêu” bị mai một dần, chất lượng trái cây không như trước nữa. Một bộ phận nhỏ thương lái và nhà vườn chạy theo lợi nhuận, kinh doanh đủ các loại trái, mua từ miền Tây, thậm chí có cả trái cây Trung Quốc mang về giả danh trái Lái Thiêu bày bán. Khách du lịch tới tham quan, chủ vườn thi nhau chặt chém. “Thời điểm hút hàng, trong vườn chỉ có cây mà không có trái, họ chạy ra chợ mua trái cây về bán với giá cắt cổ, vì vậy khách hàng dần quay lưng lại với trái Lái Thiêu”, chị Tâm bức xúc.

Trước thực trạng đáng báo động này, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND ngày 16/10/2012, về một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản giai đoạn 2013 - 2016. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% cây giống, 50% vật tư nông nghiệp đối với các hộ trồng mới, cải tạo trồng mới từ vườn cây già cỗi, vườn tạp kém hiệu quả; hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp và 4 triệu đ/ha/năm cho việc thâm canh, chăm sóc vườn.

Đồng thời hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình cho người SX, tư vấn về sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu…; hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm; xây dựng, thiết kế website quảng bá thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm, thông tin thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại...

Hy vọng, với các chính sách thiết thực và cấp bách này, các loại trái đặc sản như măng cụt, sầu riêng Lái Thiêu vang bóng một thời sẽ dần hồi phục như mong ước của người dân Bình Dương.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm