Nhưng tôi lại nghĩ, Sài Gòn cũng có mùa đông, đôi khi, không phải kiểu mùa đông lạnh lẽo, buốt giá đến độ phải đốt lò sưởi như Hà Nội. Nhưng mùa đông ấy vẫn hiển hiện, vẫn tồn tại, vô hình như cái tên của nó nhưng không vô tình như cái cách người ta gọi nó giữa Sài Gòn.
Tôi nhớ mùa đông Hà Nội nhất ở những hàng ngô (bắp) nướng đầu những con phố nhỏ. Chậu than hoa bé xinh liu riu, những bắp ngô nho nhỏ vàng vàng xanh xanh còn tươi nguyên như mới thu hoạch. Rồi nữa, phải là một người phụ nữ già, gương mặt hiền lành đúng nghĩa của hai từ chất phác, tay cầm chiếc quạt nan khẽ quạt cho lửa hồng lên mỗi khi có khách ghé ngang. Cái mùi ngô nướng thơm lừng ấy mới là mùi của mùa đông chứ không phải là mùa hoa sữa như người ta cứ hiển nhiên cho là như thế. Nó kéo cả tuổi thơ tôi ào ào trở về. Hôm nay, một bắp ngô nướng không còn là trân quý nhưng ngày xưa, cái thời bao cấp khó khăn ấy, vị ngọt của nó, cùng với hơi ấm mới rời bếp lửa của nó, cùng mùi thơm lẫy lừng của nó... đã là ước mơ bình nhật của lũ trẻ con tôi.
Người Sài Gòn nướng bắp quanh năm và người Sài Gòn gọi nó là trái bắp, cách gọi mà tôi rất thích thú. Giờ, người ta có cả bắp Mỹ để ăn nhưng tôi vẫn thích những bắp ngô nếp, ngô tẻ của ta ngày xưa hơn. Nó có thể gầy gò, ốm yếu hơn đấy, nó có thể không ngọt sắc hơn đấy nhưng nó vừa đủ với tuổi thơ, trong một tối mùa đông gió bấc. Người Sài Gòn nướng bắp rắc thêm ít mỡ hành lên trên cho thơm, cho ngậy. Tôi thì không thích bắp nướng có mỡ hành. Cứ nướng lụi thế thôi, đơn giản thế thôi, mộc mạc thế thôi với tôi là đủ. Quà quê mà, cầu kỳ làm gì. Nhưng cũng không thể nói người Sài Gòn không sành vị bắp nướng. Chẳng qua là thói quen thôi. Những tuổi thơ Sài Gòn đã quen bắp nướng có mỡ hành từ tấm bé, như tôi quen với ngô nướng Hà Nội từ ấu thơ, sao bắt họ phải đổi cái khẩu vị quen ấy đi. Mà ẩm thực, cần lắm sự đa dạng, đa dạng như một bức tranh có nhiều hình khối, mảng màu.
Nhắc đến màu, mùa đông Hà Nội có màu đặc trưng lắm. Tôi cứ phì cười khi nghe ai hát “mùa thu lá vàng” hay “cây bàng lá đỏ” hoặc đọc vần thơ nào đó tả mùa thu Hà Nội có lá vàng, lá đỏ. Tôi quan sát từ tấm bé, cảm nhận từ tấm bé và tôi thấy quá rõ mùa thu Hà Nội lá vẫn còn xanh lắm. Có chăng màu sắc của mùa Thu Hà nội là xanh thì đúng hơn. Nước hồ xanh, cốm cũng xanh và lá cũng xanh. Chỉ có hoa lộc vừng là lốm đốm đỏ mà thôi. Còn ai nói mùa Thu Hà Nội vàng, ấy là họ đã tự "lãng mạn hoá" kiểu sến sến thành thị ảnh hưởng từ văn hoá Âu châu rồi. Khí hậu Hà Nội làm gì có mùa thu vàng mà những nghệ sỹ mơ mộng nghĩ về tranh của Levitan nói thế.
Mùa cây bàng lá đỏ, mùa cây cơm nguội vàng phải là mùa đông. Mùa đông ấy, những cây sấu già cũng vàng lá và đến cuối mùa trút hết lớp áo lá vàng kia để chờ sang xuân đâm chồi mới. Vào đỉnh điểm của mùa đông, những cây bàng cũng rực lên sắc lá đỏ của mình. Để rồi, cuối mùa, chúng khẳng khiu không còn một cánh lá nào. Và sang xuân, như phép thần tiên, từ những khẳng khiu kia bật lên những ngọn chồi nhỏ thôi nhưng đầy rắn chắc một cách ngạo nghễ. Mùa đông, bởi thế, không khô khan lạnh lẽo mà nó như một mùa của sự ủ mình chờ đợi lúc tái sinh.
Sài Gòn chẳng khi nào lạnh tái tê như Hà Nội nhưng Sài Gòn mùa cuối năm, mà tôi cứ vu cho nó là mùa đông, tuyệt đẹp. Trưa vẫn nắng thắp lên rất rạng rỡ nhưng đêm về, và sáng sớm tinh mơ, Sài Gòn lạnh se se e ấp. Thậm chí còn có sương mù phủ trên thành phố, đôi khi thôi, mà tôi vẫn mê mải ngắm lớp sương ấy trải dài qua ô cửa sổ căn hộ nhỏ của mình. Mùa cuối năm ấy, ai đi sớm đi khuya vẫn cần một chiếc áo khoác để giữ ấm cho mình, dù mỏng thôi, chỉ một chiếc áo rất đơn giản nhưng chính sự đơn giản ấy lại mang về linh hồn của mùa đông Sài Gòn. Thật lạ là người Sài Gòn gọi chiếc áo đó là “Áo Lạnh” trong khi người Hà Nội lại gọi bằng cái tên “Áo Ấm”. Phải chăng, trong cái lạnh triền miên của Mùa Đông, người Hà Nội thèm hơi ấm nên đặt tên áo như thế. Còn người Sài Gòn, trong suốt năm thèm chút lạnh thực sự nên gọi tên áo thấy thương thương.
Thật ra, nếu để nếm trải cái lạnh, người Sài Gòn có thể bay ra Hà Nội hoặc chỉ cần lên Đà Lạt, Pleiku là đủ trải nghiệm cái lạnh ấy thế nào. Nhưng tôi nghĩ, như tôi thôi, người Sài Gòn thèm cái lạnh bất ngờ về phủ trên thành phố. Cái lạnh bất ngờ mỗi cuối năm của Sài Gòn chỉ se se hai khoảnh khắc sớm và đêm nhưng lại khiến cả thành phố thay áo mới. Màu sắc khác, bộ dạng khác và tất nhiên, những nụ cười Sài Gòn lúc ấy cũng rạng rỡ hơn.
Rồi mùa đông lại làm tôi nhớ hơn về Hà Nội bởi đó là mùa cưới. Người Hà Nội thật thi vị khi chọn cưới mùa đông bởi với họ đó là mùa xây tổ ấm. Tổ ấm mà xây vào mùa hè thì...ấm phát nóng và tôi vẫn còn nhớ cách người Hà Nội đùa nhau khi gặp ai đó mời cưới mùa hè rằng “Ơ, thế bác sỹ bảo cưới à?”. Chỉ một câu ấy thôi là đủ hiểu vì sao người ta xây tổ “nóng” vào những tháng nắng rực lên ở phương Bắc và cũng đủ hiểu vì sao người Hà Nội lại thích cưới mùa đông.
Còn ở Sài Gòn, người ta bắt đầu rậm rịch cưới nhau từ khoảng tháng 7 dương lịch cho tới sau Tết. Mùa cưới Sài Gòn kéo dài hơn mùa cưới Hà Nội, kéo dài tới mức nhiều khi thời gian trôi quá nhanh khiến người ta nghĩ dường như người Sài Gòn cưới hỏi quanh năm.
Đám cưới Hà Nội ngày trước khác xa đám cưới Sài Gòn. Khách cứ tới đủ mâm là lên đủ cỗ ngay chứ không lên từng món. Còn ở Sài Gòn, khách đến, ổn định chỗ ngồi, làm lễ rồi bắt đầu lên từng món thứ tự. Cách Sài Gòn có cái hay là đồ ăn vì thế luôn nóng hổi, bàn luôn gọn sạch. Còn cách Hà Nội nó hay ở chỗ cái mâm cỗ cưới nó đúng nghĩa là mâm cỗ, đủ thức hết cả, khác có thể lựa chọn thưởng thức tuỳ tâm. Rồi ở Hà Nội, cứ mâm nào ăn hết rồi, cô dâu chú rể ra chào bàn cả rồi là đi về cho sớm. Còn ở Sài Gòn, người ta nhiều khi nán lại chơi đến cuối buổi, tưng bừng và thoải mái lắm.
Nhưng đó là chuyện của ngày trước. Đám cưới Hà Nội giờ cũng y chang như đám cưới Sài Gòn, cũng lễ, cũng tiệc lên từng món, cũng vui, cũng chơi như Sài Gòn chẳng có gì khác biệt. Có lẽ, người Hà Nội đã du nhập cách đó của chính người Sài Gòn vì họ thấy nó gọn ghẽ hơn, lịch sự hơn, thuận tiện hơn. Điều khác biệt nhất giữa Hà Nội với Sài Gòn bây giờ có lẽ chỉ là cái đám hỏi mà thôi. Đám hỏi ở Sài Gòn diễn ra rồi, có khi cả tháng sau mới cưới, thậm chí là cả năm. Còn ở Hà Nội hôm nay, hai bên đã quyết là đi xem ngày để rồi đám cưới chỉ cách đám hỏi có vài ngày, có khi chỉ một tuần là cùng. Có vẻ như, người Hà Nội bây giờ công nghiệp hơn trong chuyện cưới xin thì phải.
Ơ kìa, mà đang nói chuyện mùa đông sao tôi lại lan man sang chuyện cưới xin thế nhỉ? Hay là tôi cũng thèm đám cưới lắm rồi? À, vì mùa đông Hà Nội hay mùa đông Sài Gòn đều như nhau vì đó là lúc cao điểm của mùa cưới, lúc người ta tìm về nhau, tin cậy, gửi trao, sẻ chia và chập lại thành một khuôn mặt sáng bừng.
Đôi khi, giữa Sài Gòn, tôi nghe câu hát "Đêm chia tay cây vừa trút lá. Đêm chia tay ô cửa vẫn sáng đèn" của nhạc sỹ Việt Anh, tự nhiên tôi thèm mùa đông Hà Nội đến lạ. Cái cảm thức thèm ấy kéo theo tôi vùng dậy bước ra phố Sài Gòn mùa đông, se lạnh thôi, giữa đêm thật khuya vắng lặng. Và để rồi, giữa phố mùa đông ấy, tôi không thèm môi ai như đốm lửa hồng mà ông Trịnh Công Sơn đã viết (tôi nghi là ông viết câu này về phố Đà Lạt hay phố ngoài Huế lắm) mà thay vào đó, tôi ngân nga câu “Một con đường nhỏ, thắp lên mùa đông. Áo ai lộng gió và môi ai hồng” của một tác giả nào đó mà tôi kiếm tìm mãi không ra. Tôi thích cái bay bay của câu hát ấy, nó bay bay như chút gió se lạnh từ sông Sài Gòn thổi về, nó bay bay như tà áo lạnh của người Sài Gòn thoáng qua tôi giữa đêm, nó bay bay như một cái gì đó không rõ, không ai định nghĩa nổi mà riêng tôi thì tôi chẳng ngại ngần gì để gọi đó là Sài Gòn Mùa Đông.