| Hotline: 0983.970.780

Ngay ngáy "canh" mai

Thứ Sáu 30/12/2011 , 10:17 (GMT+7)

Trồng cây mai không khó, thế nhưng “canh” làm sao cho cây mai nở đúng dịp Tết cổ truyền lại rất khó...

Chăm sóc cho mai nở đúng dịp Tết cổ truyền là rất khó

Hết áp thấp nhiệt đới đến không khí lạnh, cứ thế xoay vòng suốt hơn nửa tháng nay khiến hàng trăm ngàn chậu mai đang được chăm sóc chờ xuất bán vào dịp tết ở xã Nhơn An (An Nhơn - Bình Định) nguy cơ cho hoa muộn Tết, đồng nghĩa người trồng mai ở địa phương này lại thêm 1 năm “trắng tay”.

“Trồng cây mai không khó, thế nhưng “canh” làm sao cho cây mai nở đúng dịp Tết cổ truyền lại rất khó. Ngoài kỹ thuật chăm bón, yếu tố quyết định thành bại phụ thuộc vào thời tiết. Giỏi nghề cho mấy mà ông trời cho “ăn” thì cũng công cốc”, đó là tâm sự chung của những người trồng mai ở nơi được mệnh danh là “Làng mai tỷ phú”, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trong ký ức của người trồng mai ở đây, năm nay đã là năm thứ 3 thời tiết “đỏng đảnh” gây khốn khổ cho người trồng mai. Năm thì mai cho hoa sớm, chưa đến Tết hoa đã tàn. Năm thì mai cho hoa muộn, hết Tết rồi mới cho hoa cũng chẳng bán được. Năm nay, đang nắng ấm ngon lành bỗng từ giữa tháng 11 âm lịch đến nay, hết áp thấp nhiệt đới đến không khí lạnh tràn vào khiến người trồng mai thắc thỏm. Anh Đặng Văn Tiến ở làng mai Háo Đức, xã Nhơn An (An Nhơn), 1 người đã có hơn 15 năm làm nghề trồng mai cho biết: “Bình thường, sang đầu tháng chạp bắt đầu lặt lá cho mai là hoa sẽ cho đúng dịp Tết. Năm nay lạnh kéo dài kiểu này, vào những ngày cuối tháng 11 nhiều nhà vườn đã bắt đầu lặt lá vì sợ mai sẽ cho hoa muộn. Nhưng dù có lặt lá sớm mà lạnh vẫn kéo dài thì hoa cũng sẽ “tịt”, mai sẽ bán không được”.

Những năm thời tiết bất thuận, mai Tết mất mùa thì người dân ở nơi được xem là thủ phủ của mai cảnh thương phẩm của miền Trung bị thất thu rất lớn. Ở xã Nhơn An, có 5/6 thôn đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề trồng mai cảnh với hơn 1.600/2.000 hộ dân sống bằng nghề trồng mai. Ông Bùi Văn Cư - Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho biết: “Những năm bán được mai, người trồng mai ở Nhơn An có thu nhập gần 10 tỷ đồng. Riêng thôn Háo Đức có khoảng 682 hộ nhưng chiếm tới 99% hộ sống được bằng nghề trồng mai. Trong đó có 10% số hộ cất được nhà cao tầng, có hộ mua cả xe hơi từ cây mai, 50% số hộ có thu nhập khá, còn lại đều có cuộc sống ổn định”.

Bên nhà vườn có hơn một ngàn gốc mai từ 1 - 5 năm tuổi của chị Nguyễn Thị Mai thôn Thanh Liên, xã Nhơn An, chúng tôi được nghe chủ nhà vườn tâm sự: “Năm nay thời tiết nắng ấm nhiều rất thuận lợi cho cây mai phát triển. Không ngờ đến thời điểm quyết định thì trời đổ mưa dầm, lạnh kéo dài. Kiểu này người trồng mai chúng tôi lại thêm 1 năm nữa mất ăn Tết”.

Vườn mai trên 5.000 gốc của ông Võ Chấp Chánh (56 tuổi) ở thôn Tân Dương cũng đang đứng buồn bã trong cái lạnh se sắt, dễ trở thành một vụ mai thất thu. Ông Chánh có thâm niên hàng chục năm trong nghề trồng mai, kinh nghiệm đầy mình nhưng cũng đành bất lực trước thời tiết nắng mưa thất thường.

Dẫn chúng tôi đi xem vườn mai, ông Chánh tâm sự: “Thời tiết năm nay chắc cũng giống năm ngoái, đùng cái trời rét đậm kéo dài, trở tay không kịp, cây mai không nở đúng Tết cả làng dở khóc, dở cười. Miếng ăn đến miệng rồi còn rớt ra. Năm ngoái tui nhận đặt cọc gần 150 triệu tiền mai của các thương lái ở Hà Nội, Gia Lai, Đăk Lăk, TP.HCM… với 400 chậu mai, rút cuộc đành trả lại cho khách. Năm nay tui đã nhận tiền đặt cọc nhưng thời tiết kiểu này không dám tiêu đồng nào, chắc phải trả lại”.

Rời làng mai Tân Dương chúng tôi ghé vào vườn mai lớn nhất ở thôn Háo Đức của ông Lê Văn Phú, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh thôn Háo Đức. Với hơn 6.000 chậu mai từ 1 đến hơn 10 năm tuổi, vào dịp Tết hằng năm ông Đức bán ra thị trường từ 1.200 đến 1.500 cây. Bình quân giá từ 500.000đ đến 1 triệu đồng/chậu, mỗi năm ông Đức có mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Ông Phú than thở: “Trồng mai cũng như trồng các các loại khác, nhưng khó nhất một điều là làm sao để cho mai nở đúng dịp Tết. Nếu thời tiết thuận lợi mình có thể khiến cây mai theo ý, nhưng trước thời tiết khắc nghiệt mình cũng phải bó tay. Cây mai có vóc dáng đẹp đến mấy nếu không có hoa coi như bỏ. Hoa có nở thì người mới có nụ cười”.

Bình thường, vào cuối tháng 11 âm lịch là thương lái ở khắp nơi đã về dạo khắp các làng mai ở xã Nhơn An để chọn vườn, đặt cọc tiền mua mai. Thế nhưng năm nay đã bước sang đầu tháng chạp mà làng mai vắng tanh. Từ kinh nghiệm thực tiễn qua 20 năm hành nghề mua bán mai cảnh, anh Nguyễn Văn Thành ở KV Vĩnh Liên, thị trấn Bình Định (An Nhơn) cho biết: “Tôi mua đi bán lại nên năm nào không bán được mai là lỗ to. Bởi vậy tôi phải theo dõi thấy thời tiết thuận lợi mới đặt cọc tiền mua mai để phòng rủi ro”. Chủ nhà vườn Lê Văn Bảy cho biết thêm: “Để “chữa cháy”, nhiều nhà vườn đang chuẩn bị những phương án dự phòng cho tình trạng mai ra hoa muộn bằng cách chong điện hoặc bơm thuốc kích thích cho cây mai”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm