| Hotline: 0983.970.780

Ngọc Mỹ đa dạng để bứt phá

Thứ Năm 18/05/2017 , 14:20 (GMT+7)

Xã Ngọc Mỹ có diện tích tự nhiên 1.552 ha, trong đó đất rừng 860 ha, đất trồng lúa chỉ có 204 ha, dân số 1.656 hộ với 6.441 khẩu, hầu hết sống bằng nghề nông nghiệp và nghề rừng.

Là một xã miền núi thuần túy của huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nhưng với sự nỗ lực không ngừng, Ngọc Mỹ đã nằm trong tốp dẫn đầu, đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)…

17-47-33_img_0001
Địa hình đồi núi ở Ngọc Mỹ

Về trồng trọt, do đất nông nghiệp hạn chế, đất trồng lúa ít, nên Ngọc Mỹ đã tập trung gieo cấy hết diện tích để ổn định lương thực, tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển dịch diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao từ 20- 25 ha để tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập. Xã chủ trương đưa giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất mỗi vụ từ 15 - 20 ha trở lên tập trung ở các thôn Ngọc Kỳ, Minh Sơn, thôn Ngọc, thôn Hạ, thôn Cương, thôn Han…

Xây dựng khung lịch thời vụ hợp lý, mạnh dạn chuyển dịch khung lịch sản xuất vụ mùa – vụ đông để bố trí cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao. Tích cực dự báo, phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên xây dựng, củng cố hệ thống hồ đập, kênh mương phục vụ sản xuất. Quy hoạch vùng sản xuất đối với diện tích đất chuyển sang trồng cây màu tập trung, để phát huy hiệu quả sử dụng đất.

17-47-33_img_0007
Đường nông thôn rộng thoáng

Thời gian qua, Ngọc Mỹ cũng đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm. Khuyến khích mô hình trang trại chăn nuôi gia đình, chăn nuôi bán công nghiệp, mô hình chăn nuôi đặc sản, đa dạng hóa các loại con nuôi để tăng thu nhập. Tuy nhiên năm 2016, giá lợn sụt giảm thê thảm, đầu ra bế tắc, làm ảnh hưởng tình hình chăn nuôi chung, trong đó Ngọc Mỹ cũng không tránh khỏi khó khăn, nan giải.

Một điểm yếu của Ngọc Mỹ, là chưa phát triển được nhiều trang trại có quy mô lớn, hiện đại, đầu tư chiều sâu. Nhưng chính “nhược điểm” này, lại giúp cho Ngọc Mỹ né tránh được “cơn bão” về giá cả thịt lợn sụt giảm. Từ đó, xã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, biến khó khăn về địa hình đồi núi thành lợi thế trong chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm thích nghi với vùng đồi, vùng trũng như trâu, bò, gà, vịt,... phát triển đàn ong ở vùng rừng, vùng khai thác được nhiều loại hoa.

Năm 2016, tổng đàn trâu, bò ở Ngọc Mỹ đã có 1.120 con, trong đó trâu 304 con, bò 816 con. Tổng đàn gia cầm có 33.567 con. Tổng đàn ong có 479 đàn. Khai thác các đầm ao hồ, vùng trũng trong xã, để đầu tư nuôi trồng thủy sản, số lượng cá khai thác đạt trên 40 tấn/năm.

Cũng trên tinh thần biến khó khăn thành lợi thế, đa dạng để bứt phá, phát triển, ngoài việc đầu tư trồng rừng, Ngọc Mỹ bắt đầu chú ý khai thác các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và phát triển tốt, cho lợi ích kinh tế cao. Một số hộ dân ở thôn Minh Sơn đã tận dụng đất đồi, đất ven đồi, trồng cây thanh long ruột đỏ, kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Đã có hộ đầu tư bài bản theo hướng nông sản sạch, có khả năng xuất khẩu. Các khách hàng Đài Loan, Hàn Quốc… bắt đầu tìm đến mua hàng.

17-47-33_img_0005
Trồng thanh long trên đất ven đồi

Đi đôi với phát triển trồng trọt, chăn nuôi, công tác môi trường ở Ngọc Mỹ được chú trọng. Hiện nay các tổ thu gom rác thải duy trì hoạt động thường xuyên vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng đã phát huy hiệu quả ở các thôn dân cư. Tuyên truyền vận động, khuyến khích nhân dân xây dựng hầm biogas trong gia đình để phục vụ sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường. Rất nhiều hộ gia đình ở Ngọc Mỹ đã xây hầm biogas, góp phần giảm thiểu ô nhiễm trong lĩnh vực chăn nuôi.

Sau 6 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM (2011 – 2016) đến cuối năm 2016, Ngọc Mỹ đạt 14/19 tiêu chí. Hiện nay, Ngọc Mỹ nằm trong 5 xã của huyện, đạt chuẩn NTM.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.