| Hotline: 0983.970.780

Người Mông Chòi Hồng định cư bền vững nhờ cây mía

Chủ Nhật 29/05/2016 , 13:29 (GMT+7)

Cuộc sống du canh du cư đã đưa hơn 100 hộ người Mông dạt hết ngọn núi này đến đỉnh non kia, nhưng rồi mật ngọt từ cây mía ở bản Chòi Hồng (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã níu giữ họ lại để ổn định sinh sống suốt từ năm 1980 đến nay.

Giữ nghề kéo mật làm đường

Qua mùa xuân, hàng ngàn, hàng vạn mầm mía non trên khắp nương bãi đang thi nhau đội đất để vươn lên sau một mùa cho con người đầy mật ngọt.

Nghề trồng mía, kéo mật làm đường ở Tràng Xá (Võ Nhai) đã được cư dân bản địa làm qua nhiều thế hệ. Năm 1980, khi về định cư, hơn 100 hộ người Mông đã học nghề trồng mía, kéo mật làm đường của người dân bản địa để phát triển kinh tế.

Nhiều năm trôi qua, nghề trồng mía, kéo mật đã mai một ở hầu hết các xóm của xã Tràng Xá nhưng riêng người Mông ở Chòi Hồng vẫn giữ được nghề này để kiếm sống và coi đó như một nét văn hóa…

Xóm Chòi Hồng có hơn 100 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Mông) nhưng diện tích đất cấy lúa 1 chỉ vẻn vẹn có 5ha nên người dân nơi đây vẫn coi nghề trồng mía, kéo mật là hướng phát triển kinh tế chính.

Ông Trương Văn Pai là một trong những người đầu tiên chuyển từ trên núi cao xuống định cư tại bản Chòi Hồng cho biết, khi chúng tôi mới xuống đây định cư đã thấy bà con ở xã Tràng Xá phát triển nghề trồng mía, kéo mật làm đường phên. 

Nhưng nghề này vất vả, thu nhập không cao nên dần dần người bản địa chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, như ngô, đậu tương và trông rừng sản xuất.

Người Mông ở Chòi Hồng đi làm công cho các hộ trên nên đã học được nghề này. Sau đó, phát triển rộng ở trong xóm nên có những thời điểm 80% hộ dân ở Chòi Hồng đều trồng mía kéo mật làm đường.

Hiện nay, diện tích trồng mía của người dân ở Chòi Hồng cũng đã giảm nhưng hiện vẫn còn 18 hộ giữ được lò nấu mật, làm đường. Vài năm trở lại đây nhu cầu sử dụng đường mía tăng dần nên nhiều hộ ở Chòi Hồng đã tập trung nhau lại xây dựng lò quy mô lớn hơn, mua máy nổ, máy ép mía để duy trì nghề kéo mật, làm đường…

Phát triển

Anh Sùng Văn Thái (một người dân ở bản Chòi Hồng) cho biết, năm nay, đường phên nấu từ mật mía của người dân ở Chòi Hồng bán với giá 20 nghìn đồng/kg (tăng 2 nghìn đồng so với năm ngoái) nên nhiều gia đình thu nhập cao hơn năm trước. Cứ 1ha mía ra mật nấu được khoảng gần 3 tấn đường nên hộ trồng nhiều mía nhất ở Chòi Hồng thu được trên 12 tấn đường.

Năm nay, chất lượng mía tốt do không sâu bệnh, thân mía to nên hàm lượng đường cao hơn hẳn. Thời gian từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12 âm lịch là thời điểm người dân Chòi Hồng tấp nập nhất của “vụ mật”…

Quay sang khu vực lò nấu đường, anh Thái cho biết thêm, trước đây nồi nấu đường thô sơ và chúng tôi dùng trâu để kéo, ép mía lấy mật rồi cho vào nấu. Làm như thế vừa tốn công mà lượng mật ép được rất ít.


100% trẻ em Chòi Hồng đã được đến trường

Chính vì vậy, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong xóm đã mạnh dạn đầu tư cả chục triệu đồng để cải tiến hệ thống lò nấu, hệ thống đầu nổ và máy ép mía nên giảm được rất nhiều công lao động…

Trước đây, người dân Chòi Hồng trồng mía ở hầu hết trên đồi, núi cao cao với diện tích gần 100ha nên khó chăm sóc, nhiều diện tích mía bị chết do khô hạn, thân mía nhỏ, hàm lượng đường không cao.

Còn hiện nay, diện tích trồng mía của người dân nơi đây đã chuyển dần xuống khu vực đồi núi thấp, gần nhà nên việc chăm sóc, thu hoạch của người dân đã thuận lợi hơn. Đặc biệt, năng suất, chất lượng mía được nâng cao hơn nên người dân ép được nhiều mật để làm đường.

Ông Lầu Văn Vình, Trưởng bản Chòi Hồng cho biết, hiện nay diện tích trồng mía của xóm còn khoảng 60ha nhưng sản lượng đường thành phẩm vẫn duy trì ổn định mức từ 150 tấn đường/năm. Bán với giá thị trường như dịp Tết Nguyên đán năm nay thì bà con làm mía đường ở Chòi Hồng thu được hàng trăm triệu đồng.

Nhờ học được nghề này mà đời sống của người dân cũng đã bớt khó khăn hơn, nhất là khi cải tiến hệ thống lò nấu đưa máy công nghiệp vào ép nước thay sức kéo của trâu nên nhanh hơn, tỷ lệ đường đạt được cũng cao hơn.

Trước đây, thị trường tiêu thụ đường phên cũng hạn chế, chủ yếu ở trong tỉnh nhưng mấy năm chất lượng đường tốt hơn, đẹp hơn nhờ vậy thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, như Bắc Kạn, Cao Bằng, giá bán cũng cao hơn trước.

Tiếp tục cải tiến, người Mông nơi đây đã tận dụng nguồn nguyên liệu “mới” thay củi, thay than để nấu đường. Đó chính là bã mía đã được phơi khô.

Trước khi chuẩn bị kéo mật, nấu đường, người dân trong xóm phải mất cả tháng trời vào rừng kiếm củi làm nhiên liệu. Nhưng nay, bã mía từ năm trước được phơi khô, chất đống là chất đốt quan trọng cho mùa kéo mật, nấu đường tiếp theo. Bã mía rất cháy, đảm bảo nhiệt lượng nên chất lượng đường tốt hơn so với dùng củi và dùng than.

Trưởng bản Hầu Văn Vình tự hào, việc giữ và cải tiến nghề nấu mật làm đường ở Chòi Hồng đã giúp bà con đồng bào Mông ở đây chủ động được việc sản xuất từ trồng mía đến chế biến thành đường để tiêu thụ.

Chúng tôi đến xóm Chòi Hồng khi con đường bê tông vào xóm mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường dài 1,8km được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí gần 3,4 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135.

Ông Lầu Văn Vình phấn khởi cho biết, từ ngày có con đường mới, việc đi lại, giao thương của người dân trong xóm thuận lợi hơn rất nhiều, cuộc sống của người dân nhờ vậy mà ngày càng khấm khá hơn.

Cùng với nỗ lực xóa đói giảm nghèo của đồng bào, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của trung ương, tỉnh, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng, cải tạo hệ thống điện, đường, trường, nhà văn hóa… từng bước đáp ứng nhu cầu ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất của người dân.


Hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện của đoàn thanh niên cho đồng bào Mông ở bản Chòi Hồng

Nhờ vậy, cuộc sống của người Mông nơi đây ngày càng khởi sắc. Ba năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm mạnh. Hiện nay, bản không còn hộ đói, không còn nhà tạm, nhà dột nát. 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 97% số hộ có xe máy để đi lại; 100% trẻ em đến tuổi đi học đều đến trường...

Cuộc sống được cải thiện, trẻ em được đến trường, lại được Nhà nước đầu tư hạ tầng điện đường…nên nhiều hộ dân đã mua sắm được được xe máy, ti vi. Con em của bản đã có người đi học đại học…Rõ ràng, người dân chúng tôi đã tìm được kế sinh nhai và chắc chắn sẽ định cư bền vững.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm