| Hotline: 0983.970.780

Người nghèo bóp mồm nhịn thịt

Thứ Năm 28/10/2010 , 10:42 (GMT+7)

Tôi đem chuyện chỉ số CPI ra chợ hỏi, đa phần đều lắc đầu chẳng biết, nhưng động đến giá cả thế nào thì bà con trả lời ngay: Nay giá này, ngày mai đã khác. Thậm chí có người còn ví von, tăng nhanh cứ như bị... móc túi!

Trên diễn đàn Quốc hội, các ĐB bàn tính chuyện chỉ số giá tiêu dùng CPI gần đây tăng vọt, cùng với lo ngại thì bàn cách nào để kiềm chế lạm phát. Tôi đem chuyện chỉ số CPI ra chợ hỏi, đa phần đều lắc đầu chẳng biết, nhưng động đến giá cả thế nào thì bà con trả lời ngay: Nay giá này, ngày mai đã khác. Thậm chí có người còn ví von, tăng nhanh cứ như bị... móc túi!

"CPI" ở chợ đầu mối

Chợ đầu mối Bắc Thăng Long là điểm tập kết, trung chuyển hàng tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, cá nước ngọt lớn vào diện nhất nhì của thủ đô Hà Nội. Chợ họp từ lúc 1-2 giờ đêm đến sáng ra là tàn canh. Bắc Thăng Long là đầu mối của mọi đầu mối để từ đó các chủ buôn ở các chợ lẻ trong nội thành căn cứ, ra quyết định phát giá sau khi đã cộng trừ nhân chia đủ loại chi phí. 

Giá thực phẩm sau đợt lũ tại miền Trung vừa qua đang tăng dữ dội

Để tìm hiểu về giá thực phẩm, chẳng có cách nào tốt hơn là đến chợ đầu mối. Sà vào một hàng thịt, tôi  gặp chị Nguyễn Thị Linh-người tại làng Cổ Điển xã Hải Bối, một chủ lò mổ kiêm bỏ mối thịt bò tại chợ mỗi ngày xuất buôn tới 5-6 tạ thịt.  Chị Linh thật thà: "Mấy ngày nay, thịt bò tăng thêm 200-300.000đ/tạ. Nhưng mà bò ăn thua gì, cứ phải là thịt lợn thì mới gọi là  tăng giá ngựa đuổi không kịp...". Thấy bị dồn sang mình, chị Nguyễn Thị Hằng, chuyên mổ và bán sỉ mỗi ngày 3-5 tạ lợn cũng ở làng Cổ Điển ngồi kế bên đành tiếp chuyện: “Giá thịt bây giờ đã tăng 18-20.000đ/kg so với khoảng 2 tháng trước. Trước mông, thăn, sấn bán khoảng 52-53.000đ/kg giờ tôi xuất buôn đều đã 70.000đ hết lượt,  tuy nhiên, giá tăng nhưng tốc độ mua hàng lại chậm lại”.

Bò, lợn là vậy, còn thủy, hải sản thì sao? Ghé đại lý của anh Nguyễn Tiến Trung, chuyên “đánh” mặt hàng tôm thẻ, tôm sú từ miền Trung ra và các loại cá nước ngọt mạn Hòa Bình, Thác Bà, Yên Bái, Tuyên Quang về, tôi được anh thông tin, mặt hàng nào cũng tăng khoảng 15-20% nhưng tăng mạnh nhất là tôm. “Tôm sú trước loại 30 con chỉ 160.000đ/kg nay 210.000đ/kg, tôm thẻ loại 50-60 con trước chỉ 90.000đ/kg giờ nhảy phắt lên 130.000đ/kg. Tôi có anh bạn chuyên đánh hàng tôm đi TQ bảo từ mạn Quảng Ninh, Thái Bình vào đến Thanh Hóa, Nghệ An thương lái cua hết sạch tôm xuất đi TQ, mỗi ngày không dưới cả trăm tấn. Giá sẽ còn sẽ tăng tiếp”- anh Trung nói chắc nịch.

Rời chợ Bắc Thăng Long, chúng tôi đến chợ đầu mối Dịch Vọng đầu mối rau quả cũng có hiện tượng tăng đều ở tất cả các mặt hàng từ 30-40%, có loại tăng 100% như bắp cải, khoai tây, mướp.

Thắt lưng, buộc bụng

Các chợ đầu mối tăng thế, những chợ trong nội thành tốc độ tăng giá cứ theo mà cộng thêm vài phẩy nhỏ. Mặt hàng thịt lợn ở chợ Thành Công phổ biến ở mức thịt mông, thăn, sấn 75.000đ/kg, hạng kém như thịt ba chỉ mỡ dày ngập đốt ngón tay cũng 50-55.000đ/kg. Để ý thấy bà Bùi Thị Hậu nhà ở Láng Hạ cứ nâng lên, đặt xuống miếng thịt đùi rất ngon hồi lâu rồi cuối cùng chọn miếng thịt ba chỉ bèo nhèo chỉ cỡ hai ba lạng, tôi chạy theo bắt chuyện. Bà tặc lưỡi bảo: “Lương công nhân về hưu của hai vợ chồng già chúng tôi được 3,5 triệu đồng, hàng tháng để ra 2 triệu để đi chợ. Trước gạo còn 9-10.000đ/kg, thịt thăn, thịt mông 55.000đ/kg, rau muống chỉ 2.000đ/mớ, vợ chồng tôi có thực đơn hai bữa thịt, một bữa cá một tuần. Giờ giá cả leo thang quá, cũng vẫn số tiền ấy tôi cắt chỉ còn một bữa thịt, một bữa cá mà đâu dám mua thịt ngon, toàn bèo nhèo thôi”.

Mỗi kg gạo đã tăng giá hai ba ngàn đồng

Ngay tại hàng đồ dùng trẻ em đầu chợ, chị Nguyễn Thị Bình - nhân viên bán hàng của một cửa hàng tiện lợi đang xách cái túi lặc lè đến năm sáu hộp sữa bột cũng chán nản cho biết: “Sữa mỗi hộp 900 gam loại 123 đã tăng giá 35.000đ so với hai tháng trước. Lương hai vợ chồng trẻ chúng tôi được 5,5 triệu đồng một tháng mà phải nuôi hai đứa con nhỏ. Chỉ riêng tiền sữa, tiền tã bỉm đã mất 3 triệu đồng. Vì vậy đi chợ bây giờ quả thực khó. Đã từ lâu vợ chồng tôi không bao giờ dám động đến một con cá quả, một góc thịt gà ta, một con tôm sú…Một tuần hai lần mua thịt cá mà chỉ dám mua các loại cá mè, cá trôi, thịt lợn bình thường. Miếng nạc thì dành cho trẻ con ăn phòng các cháu thiếu dinh dưỡng, bố mẹ chỉ chấm mút xương xẩu gọi là. Không biết giá bây giờ đã thế cận Tết giá còn khiến dân tình khổ sở đến thế nào”.

Chợ Hàng Bè nổi tiếng giữa phồn hoa đô hội của phố cổ, tôi thấy một bà luống tuổi nhưng ăn mặc khá hài. Đã áo len “cánh chuồn” trùm dài thượt lại quần bó chẽn, chưa hết còn một chiếc khen khá màu sắc vắt vẻo nơi cổ áo nữa. Ăn mặc thế nhưng cả buổi chợ tôi chỉ thấy bà mua được mấy lạng cùi dừa và vài bìa đậu phụ. Tranh thủ hỏi chuyện, tôi mới biết bà tên Tố Thị Hiến, 62 tuổi nhà ở gần sát chợ. Chắc cháu thấy bà già này ăn mặc buồn cười nên hỏi chuyện phải không? Thấy vẻ lúng túng của tôi, bà cười hiền hậu rồi tự trả lời: “Toàn quần áo của con dâu thải loại ra, mẹ mặc đấy. Đã lâu vợ chồng già chúng tôi có dám may sắm gì đâu, nghĩ cách xà xẻo chỗ nọ, chỗ kia cho đủ tiền đi chợ đã đủ mệt lắm rồi. Nhà tôi có 9 người gồm hai vợ chồng già hai con trai, hai con dâu và ba đứa cháu.

Mỗi kg gạo đã tăng khoảng 1.500-2.000đ, đắt nhất là gạo Thái đỏ 25.000đ/kg, rẻ nhất là tạp giao cũng 10.000đ/kg, phổ biến là gạo Bắc Hương là 14.000đ/kg. Một gia đình trung bình dùng 15kg gạo một tháng, vị chi móc thêm từ túi 40-50.000đ so với trước khi tăng giá. Rau bắp cải TQ trước 6.000đ/kg giờ lên 12.000đ/kg, mướp từ 5.000đ/kg lên 12.000đ/kg, khoai tây từ 9.000đ/kg lên 12-13.000đ/kg. Ngay đến quả trứng vịt, trứng gà, hàng khô từ con cá mắm đến lạng lạc nhân cũng tăng đều đặn không dưới 20-30%.

Lương giáo viên mất sức của tôi được 1 triệu năm chục ngàn, chồng tôi về hưu được 2,5 triệu. Trước đi chợ mỗi tháng tiêu 5 triệu là đủ, giờ dè sẻn cũng phải 7 triệu đồng. Nay đi chợ một giá, mai đã một giá khác. Trước thứ Bảy, Chủ nhật còn có bữa ăn tươi như con gà, con cá giờ thỉnh thoảng lắm mới dám mua, mà chỉ mua con be bé. Các cháu nhỏ ngày nào cũng phải có lạng thịt cho chúng lấy sức, nhưng người lớn hầu như bữa nào cũng quanh đi quẩn lại chỉ đậu và lạc. Hết lạc rang muối lại rang mắm, khi nào ngán lại chế muối vừng. Nói ra thì ngượng, tôi trên 60 tuổi đầu vẫn phải ngửa tay sống nhờ một phần tiền của bố mẹ đẻ năm nay đã ngoài 80 tuổi. Các cụ thỉnh thoảng thấy con cháu khổ quá mà cho...”.

Chị Nguyễn Minh Thu nhà ở phố Cầu Gỗ thì tâm tư: “Nhà em có 4 người lớn và đứa nhỏ mới 7 tháng tuổi, trước đi chợ chỉ 3 triệu một tháng đã tươm tươm. Nhưng nay ra chợ thấy cái gì cũng tăng. Ít thì năm ba nghìn, nhiều thì hàng chục, thậm chí tiền trăm. Gần tháng nay đi ra chợ lúc nào cũng mặt la mày lém. Chả dám nhìn vào hàng thức ngon. Vậy mà về giở sổ cũng đã ngót  5 triệu. Là sản phụ mà đợt này em có dám mua sữa uống đâu, đắt lắm”. 

Nghe tâm sự của chính những người dân phố cổ nổi tiếng sao chao chát và đắng đót đến khó tin! Trong câu chuyện của những người đi chợ mà tôi bắt gặp, thu nhập kha khá 5- 7 triệu đồng, hơn thế là cả chục triệu đồng/ tháng còn phải bóp mồm bóp miệng, lắc đầu lè lưỡi vì giá cả. Vậy nên, thật khó hiểu những người nghèo sẽ vật lộn thế nào trong cơn "bão giá"!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm