| Hotline: 0983.970.780

Người thợ diệt mối cừ khôi

Thứ Tư 06/01/2010 , 10:48 (GMT+7)

Mấy chục năm công tác trong ngành lâm nghiệp, ông Nguyễn Dư Thuỷ đã đi hầu hết các tỉnh phía Bắc để diệt mối. Ông cùng đồng nghiệp đã cứu nguy cho nhiều công trình bị mối tàn phá.

Mấy chục năm công tác trong ngành lâm nghiệp, ông Nguyễn Dư Thuỷ đã đi hầu hết các tỉnh phía Bắc để diệt mối. Khi nghỉ hưu tại thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), người thợ lành nghề ấy lập công ty chuyên phòng trừ mối, mọt và tiếp tục làm công việc yêu thích của mình. Ông cùng đồng nghiệp đã cứu nguy cho nhiều công trình thoát khỏi sự tàn phá âm thầm của loài mối.

Được ví như “kẻ thù trong bóng đêm”, loài mối gây ra vô vàn tác hại. Mối làm giảm tuổi thọ những ngôi nhà bằng tre, gỗ. Mối xâm nhập vào đường hầm, cáp, nhà xưởng, nhà kho, thân đê. Mối có thể nghiến nát cả kho sách, tài liệu lưu trong thư viện, cơ quan, công sở… Bản thân tôi chưa bao giờ diệt mối nên lâu nay vẫn nghĩ công việc này thật đơn giản. Chỉ cần mua lọ hoá chất được bày bán khá nhiều tại các cửa hàng tạp hoá về phun vào vị trí nghi có mối là xong. Tuy nhiên, khi trò chuyện với ông Nguyễn Dư Thuỷ, Giám đốc Công ty phòng trừ mối, mọt Đông Bắc (trụ sở ở tổ dân phố Hoà Yên, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang), tôi mới hiểu nghề diệt mối cũng lắm công phu.

Sinh năm 1957 tại Phượng Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang), thời thanh niên, ông Nguyễn Dư Thuỷ đi bộ đội. Năm 1983, ông chuyển sang công tác trong ngành lâm nghiệp và theo học khoá đào tạo bảo quản lâm sản tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Từ một người lính trở thành thợ diệt mối, ông Nguyễn Dư Thuỷ không ngại khó, ngại khổ để tiếp cận với công việc. Lúc có mặt ở những kho gỗ nằm sâu trong rừng già tỉnh Lạng Sơn, khi lại về các lâm trường ở Lục Nam, Sơn Động. Về nhà vài ngày lại xuôi Thanh Hoá hay ngược Thái Nguyên, Bắc Cạn diệt mối trong những toà nhà gỗ, thư viện, kho tài liệu… Nhớ lại thuở ban đầu ấy, ông không khỏi xúc động:

- Những năm tháng tôi mới bước vào nghề, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Đường đi, lối lại không được thuận lợi như bây giờ nên những người thợ như chúng tôi rất vất vả. Mỗi chuyến đi phải mang vác rất nhiều đồ dùng, dụng cụ. Có thời điểm phải làm việc trong những khu rừng heo hút cả tháng trời nên nhiều khi thấy nản…

Nhưng rồi khó khăn ban đầu đi qua, tình yêu với nghề nghiệp lớn dần. Thấy những cây gỗ qua bảo quản có thêm tuổi thọ 5-10 năm, người thợ trẻ khi ấy hạnh phúc vì công việc của mình đã góp phần làm hồi sinh những cánh rừng. Kết hợp kiến thức được học và kinh nghiệm thực tế, Nguyễn Dư Thuỷ đã trở thành một thợ lành nghề. Ông hiểu rõ đặc tính của loài mối cũng như biết cách phòng trừ sao cho hiệu quả nhất. Mối thường sống theo bầy đàn và có cách tổ chức hoạt động khá chặt chẽ. Trong một đàn có mối chúa, mối thợ, mối lính... Mối thợ thường ra ngoài tìm thức ăn về tổ và đây chính là đường dẫn để diệt mối chúa. Theo ông Thuỷ: “Diệt mối phải tuân thủ các bước: quan sát, phân loại mối, đặt hộp nhử mối, phun thuốc và làm vệ sinh khu vực diệt mối.

Hộp nhử mối đặt ở đường mối ăn, khi gom được nhiều mối thợ rồi mới phun thuốc. Thời gian đặt hộp nhử mối đến khi phun thuốc từ 12-30 ngày tuỳ theo mùa. Nồng độ thuốc cũng được tính toán cẩn thận để mối thợ không chết ngay sau khi phun mà kịp mang thức ăn về tổ. Có như vậy, thuốc trên mình mối thợ mới phát tán đến các tổ mối, làm chết mối chúa và những con khác”. Đồng thời ông cũng cảnh báo: “Hiện nay, hoá chất dùng để diệt mối trên thị trường rất nhiều, người sử dụng nên thận trọng chọn mua loại hoá chất ít độc hại, rõ nguồn gốc và phải thuộc danh mục được phép sử dụng. Nếu diệt mối không đúng cách có thể gây tác hại đến con người, làm ô nhiễm môi trường, tốn chi phí song mối thì vẫn sống khoẻ”.

Làm nghề diệt mối, một công việc bình dị, ông Nguyễn Dư Thuỷ đã giúp ích cho bao người bảo vệ những tài sản mà cả cuộc đời họ đầu tư, tích luỹ.

Nhiều năm liền làm đội trưởng đội bảo quản ở Xí nghiệp bảo quản nông - lâm sản thuộc Công ty Nông lâm nghiệp Đông Bắc, ông Nguyễn Dư Thuỷ được ví như “khắc tinh” của loài mối. Bước vào ngôi nhà ba gian với bao cột, kèo, cánh cửa, tủ, kệ sách làm bằng gỗ nhưng chỉ sau vài phút, ông đã chỉ cho tôi thấy vị trí của các đường mối ăn, xác định có bao nhiêu tổ mối, đặt bao nhiêu hộp nhử mối là đủ. Quan sát ông làm việc, tôi thấy dụng cụ nhử mối chỉ là những chiếc hộp được cắt, dán từ bìa các-tông, bên trong chứa vài mẩu gỗ vụn. Kể về sự ra đời của dụng cụ này, ông bày tỏ:

- Trước đây, đội bảo quản thường dùng hộp nhử mối làm bằng gỗ. Mỗi khi đi xa phải mang vác rất cồng kềnh. Thấy hạn chế đó nên tôi thử thay thế hộp gỗ bằng hộp các-tông. Sau một thời gian thử nghiệm thấy loại hộp này có tác dụng không kém hộp gỗ, hơn nữa chi phí thấp hơn hẳn…

Những năm tháng trong cơ chế bao cấp, người thợ bảo quản lâm sản làm việc theo kế hoạch nhà nước giao. Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới, cùng với đồng nghiệp, ông Nguyễn Dư Thuỷ năng động tìm kiếm, tiếp cận với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh, góp phần tăng doanh thu cho đơn vị chủ quản. Sau hơn 25 năm công tác, đầu năm nay ông Nguyễn Dư Thuỷ về nghỉ hưu song vẫn tiếp tục làm công việc mình yêu thích. Ông đã thành lập doanh nghiệp chuyên phòng trừ mối mọt và lại rong ruổi trên mọi nẻo đường khi khách hàng có yêu cầu. Không chỉ bảo vệ các kho gỗ, nhà sách, thư viện, kho lưu trữ của các cơ quan, tổ chức, ông còn đến diệt mối cho nhiều hộ gia đình. Nhiều khách hàng đã viết thư cảm ơn sau khi thấy ông “cứu” được ngôi nhà cũ của họ thoát khỏi sự tàn phá của mối.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm