| Hotline: 0983.970.780

Người trên bờ làm lợi cho biển

Thứ Bảy 06/02/2016 , 07:15 (GMT+7)

Sinh ra tại làng nghề truyền thống đúc đồng, nhưng anh Đào Tấn Minh ở khu vực Bả Canh, phường Đập Đá (TX An Nhơn, Bình Định) chỉ chuyên sản xuất ngư cụ cung ứng cho các tàu cá đánh bắt xa bờ.

Trong 5 năm qua, anh Minh đã sáng tạo ra vòng khoen inox-chì thay cho vòng khoen đồng, cung ứng cho tàu cá hành nghề lưới vây đã mang lại lợi ích lớn cho ngư dân.

Nhất nghệ tinh

Lớn lên trong làng nghề đúc đồng Bằng Châu, phường Đập Đá, ngay từ nhỏ, chàng thanh niên Đào Tấn Minh đã theo cha đi làm thợ cho các lò đúc tại địa phương. Nghề đúc khi ấy chỉ chuyên làm đồ thờ. Những năm đầu giải phóng, sản phẩm đồ thờ ế ẩm, các lò đúc dần dẹp tiệm. Thanh niên Đào Tấn Minh đi tìm tương lai với nghề cơ khí tại Trạm máy kéo Phù Cát thuộc Chi cục Cơ giới Bình Định.

Đời công nhân nay đây mai đó, lương “ba cọc ba đồng”, năm 1980 anh Minh xin nghỉ cơ quan, vợ chồng kéo nhau về Phú Tài (TP Quy Nhơn) thuê nhà, mở cơ sở đúc đồng nhưng chỉ chuyên làm vật dụng cung ứng cho nghề biển như tuýp, láp, cảo, khoen.

“Sau khi nghỉ làm nhà nước, tôi kết nghĩa anh em với hai người bạn là anh em ruột Nguyễn Ảnh và Nguyễn Nở, họ đều là ngư dân ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn). Nhờ hai người anh em này mách việc, tôi bắt đầu đầu tư vốn liếng, trí lực chuyên đúc đồ đồng cung ứng cho nghề biển”, anh Minh nhớ lại.

Từ mối quen biết với anh em Nguyễn Ảnh, Nguyễn Nở, anh Minh có thêm mối quan hệ với các thợ máy ở làng biển Hoài Hương. Những thợ máy tốt bụng đã hướng dẫn anh Minh làm khoen bao nhiêu ký, kích cỡ thế nào để phù hợp với từng khổ lưới trong nghề lưới vây.

Anh Minh kể: “Ngày ấy còn làm khoen bằng khuôn đất, sản phẩm gồ ghề, năng suất thấp. Từ những góp ý của các thợ máy và những ngư dân, tôi chuyển sang đúc bằng khuôn kim loại, sản phẩm ra đẹp hơn. Tốc độ đúc cũng tăng gấp đôi, nếu lúc còn đúc bằng khuôn đất mỗi ngày chỉ làm được 400 kg đồng thì khi chuyển sang khuôn kim loại đúc được cả tấn/ngày. Hồi trước ngư dân đánh bắt bằng lưới nhỏ nên chỉ làm khoen từ 1 - 2kg/cái, nay nghề phát triển đánh lưới lớn, tôi phải tăng trọng lượng khoen lên 10 - 15kg/cái”.

Ngư dân Nguyễn Công Tý, thuyền trưởng tàu cá chuyên hành nghề lưới vây mang số hiệu BĐ 94439TS ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) cho biết: “Tấm lưới tàu tôi đánh dài đến 600 sải, chiều đứng 70 sải. Để kéo được tấm lưới xuống sát biển, đáy lưới phải được gắn 120 khoen bằng đồng bọc chì, mỗi khoen nặng 10kg. Trọng lượng cả tấm lưới gần 7 tấn, trong đó riêng khoen nặng 1,2 tấn, lưới nặng 5 tấn, còn lại là dây cáp”.

13-28-08_2
Công nhân đang sản xuất khoen inox

Nghề đúc khoen của anh Minh càng ăn nên làm ra từ khi Nghị định 67 của Chính phủ ra đời. Hàng loạt tàu nhỏ được cải hoán thành tàu lớn, tàu công suất lớn đóng mới nườm nượp, hầu hết là tàu hành nghề lưới vây. Tàu nhỏ nâng cấp thành tàu lớn thì lưới nhỏ phải đổi thành lưới lớn, khoen lưới cũng phải thay đổi theo. Do đó cơ sở sản xuất khoen của anh Minh có đến 20 công nhân mà làm ngày làm đêm vẫn không đủ hàng cung ứng.

Không chỉ sản xuất khoen, hiện anh Minh còn sản xuất nhiều ngư cụ khác của nghề biển. Không chỉ có tuýp, láp, cảo khoen cung ứng cho nghề lưới vây; đến cả đến poli, ròng rọc, nhông, tời trang bị cho các tàu cá được làm bằng các chất liệu nhôm, gang, đồng, chì… anh đều làm tất.

“Với sự phát triển của nghề biển bây giờ, đối với những tấm lưới lớn tôi phải làm đến 1,5 tấn khoen. Mỗi khoen nặng 15 kg, vị chi là 100 khoen cho 1 tấm lưới”, anh Minh cho hay.

Khoen inox-chì được vinh danh

Sản phẩm khoen cho nghề lưới vây rút chì của anh Minh có mặt hầu hết ở các vùng biển trên khắp cả nước suốt nhiều năm qua, mà chưa bao giờ nghe một lời phàn nàn nào của ngư dân. Tuy nhiên, với đam mê tìm tòi sáng tạo, anh không bao giờ yên vị với vai trò ông chủ mà luôn tiếp cận với thực tế để lắng nghe nguyện vọng của ngư dân.

Trong những chuyến về biển gặp ngư dân, điều anh Minh nghe thường xuyên là những lời than thở của ngư dân chuyên làm nghề lưới vây về khoản chi phí làm khoen lưới bằng đồng.

Chị Nguyễn Thị Đường, vợ anh Minh, cũng là cánh tay đắc lực của anh trong lộ trình cải tiến chất liệu làm khoen, cho biết: “Hiện nay, khoen làm bằng đồng có giá 110.000 đ/kg, chì bọc bên ngoài có giá 42.000 đ/kg. Từ khoản chênh lệch khá xa, vợ chồng tôi không ngừng trăn trở với ý nghĩ phải làm sao để giảm giá thành làm khoen cho ngư dân, mà chất lượng không kém đi. Sau nhiều nghiên cứu, vợ chồng tôi quyết định dùng vật liệu inox để làm khoen”.

13-28-08_3
Anh Minh với những chiếc khoen thành phẩm

Anh Minh giải thích thêm: “Chúng tôi dùng ống inox rỗng ruột quấn tròn, kích cỡ tương tự như vòng khoen làm bằng đồng bọc chì. Khi ngư dân mua vòng khoen, tôi bán kèm chì thỏi. Mang về, họ nấu chì đổ vào ruột vòng khoen inox, thế là tấm lưới của họ được gắn những vòng khoen có sức nặng tương tự khoen đồng, giá thành lại rẻ hơn một nửa, chất liệu inox lại bền hơn đồng. Đặc biệt, khi thả lưới xuống đáy biển, sự va chạm của các vòng khoen inox-chì không phát ra âm thanh to như vòng khoen bằng đồng nên lũ cá ít bị đánh động, không chạy tránh vùng lưới bủa”.

Theo tính toán của các ngư dân, 1 tấm lưới cỡ lớn phải làm đến 100 cái khoen, nặng 1,5 tấn. Nếu làm khoen bằng đồng thì phải mất đến 165 triệu đồng. Bây giờ làm khoen bằng inox-chì giá thành chỉ có 52.000 đ/kg, vị chi chỉ tốn khoảng 78 triệu đồng/100 khoen, giảm hơn một nửa chi phí so với trước đây.

Hiện nay, ở Bình Định có đội tàu cá trên 7.500 chiếc, trong đó có gần 3.000 chiếc có công suất từ 90CV trở lên chuyên đánh bắt khơi xa, trong đó chiếm phần lớn hành nghề lưới vây rút chì chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa.

Những con số trên nói lên lượng khoen sử dụng cho những tấm lưới vây là rất khổng lồ. Những khoen đồng trước đây giờ thay thế bằng khoen inox-chì ắt nhiên sẽ giúp ngư dân tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ.

Anh Đào Tấn Minh cho biết thêm: “Sau khi nhận thấy lợi ích của vòng khoen inox-chì, rất nhiều ngư dân đã tháo khoen đồng trong những tấm lưới đem vào bán cho tôi, sau đó đặt tôi làm lại vòng khoen inox-chì. Ngoài làm khoen cho những tàu đóng mới, chúng tôi còn phải đáp ứng cho những chiếc tàu hành nghề lưới vây đổi khoen đồng sang khoen inox-chì khiến việc làm không hết”.

Năm 2014, vòng khoen inox-chì của vợ chồng anh Minh chị Đường tham dự Hội thi sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học-Công nghệ Bình Định tổ chức đã đoạt giải Ba.

Cũng trong năm đó, sản phẩm nói trên được bình chọn là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được Cục Công nghiệp địa phương cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Mới đây, vòng khoen inox-chỉ của anh Minh tiếp tục được Bộ Công thương vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia”.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm