| Hotline: 0983.970.780

Nhà tình báo "giả gái" là chủ trang trại vàng

Thứ Sáu 31/08/2012 , 13:35 (GMT+7)

Hơn 40 năm trước, ông Thắng từng cải trang thành một thiếu nữ để thâm nhập vào tổ chức “Nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng” khét tiếng của chế độ cũ.

Từ khi nhận giấy chứng nhận “Trang trại vàng VN” của báo Nông nghiệp VN trao tặng vào tháng 6/2011, ông trở thành một bạn đọc thường xuyên của báo. Nhưng ít ai biết, ông còn là một chiến sĩ tình báo cách mạng chiến đấu trong lòng địch. Ông tên là Huỳnh Văn Thắng ở ấp Sông Mây (Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai).


Giấy trang trại vàng của báo Nông nghiệp VN cho ông Huỳnh Văn Thắng

Hơn 40 năm trước, ông từng cải trang thành một thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng của xứ dừa Bến Tre thâm nhập vào tổ chức “Nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng” khét tiếng của chế độ cũ với biệt danh F5.

Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, bố và hai người anh trai đều tham gia cách mạng, một mình ông phải cáng đáng mọi việc trong nhà nuôi mẹ và hai em gái. Công việc hàng ngày của cậu bé Thắng lúc ấy là dậy sớm gánh dừa, trái cây đi khắp đầu trên xóm dưới, theo các ghe thuyền ven sông rao bán đến tối mịt mới về. Bà con lối xóm ai cũng thương cậu bé hiền lành, hiếu thảo.

Rồi một ngày tang tóc, Thắng chứng kiến người anh ruột tham gia cách mạng bị giặc bắn chết một cách dã man, từ đó tâm hồn non nớt của cậu bé 15 tuổi nung nấu ý chí rửa thù nhà, trả nợ nước.

Năm 1971, ông Đặng Tấn Phong, một lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre, được bí mật điều về xã Định Thủy trực tiếp tổ chức mạng lưới tình báo mang tên “Nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng” - là tổ chức tình báo được CIA Mỹ lựa chọn toàn những cô gái trẻ đẹp tuổi từ 18-25 huấn luyện công phu rồi đưa vào vùng giải phóng để nắm tin tức, chỉ điểm. Nếu cài được người vào tổ chức này sẽ rất có lợi, nhưng khó khăn trước mắt là chưa tìm được ai tin cậy để giao nhiệm vụ.

Sau nhiều lần họp bàn, tổ chức quyết định chọn “anh” Thắng thâm nhập vào tổ chức địch. Nhà nghèo nhưng mẹ ông, người duy nhất biết được nhiệm vụ cách mạng giao đã chạy vay mượn bảy cây vàng lo lót để Thắng lọt vào tổ chức thám báo ấy. Vậy là, chàng thanh niên mới lớn trở thành cô thiếu nữ có tên gọi “Huỳnh Thị Thanh” ở ngoài đời lẫn trên hồ sơ cá nhân.


Cô “Huỳnh Thị Thanh” nằm trong “Nữ thám báo Thiên Nga Phụng Hoàng” (ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau đó, anh được đưa đến một bác sĩ quen chích thuốc cho “teo” bớt tinh hoàn, thay đổi giọng nói, giảm nam tính (và cũng chính vị bác sĩ này sau ngày đất nước giải phóng lại phải tiêm thuốc giúp anh trở lại cuộc sống bình thường của một người đàn ông).

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, ông Thắng bồi hồi xúc động: “Trước khi vào tổ chức này, chú phải để tóc dài, gội đầu bằng bồ kết cho mượt, phải tập nói giọng nữ, đi đứng uyển chuyển như con gái. Nhưng khó khăn nhất là khi ngủ chung với chị em. Họ thì vô tư, còn mình cứ lo giữ khoảng cách vì sợ phát hiện. Những đồng nghiệp nam lại thường rủ ra quán nước tán tỉnh, hẹn hò”.

Khoảng thời gian được cài vào tổ chức Thiên Nga Phụng Hoàng là chuỗi ngày đầy nguy hiểm và căng thẳng trong cuộc đời của ông. Ông thông báo trước các nơi địch sẽ oanh tạc, càn quét, lập danh sách những tên chỉ điểm khét tiếng hung ác để cách mạng trừng trị. Với chiều cao gần 1,7m, dáng người thon thả, nước da trắng trẻo cùng giọng nói nhẹ nhàng giả gái giống hệt khiến chàng thanh niên Huỳnh Văn Thắng đã làm cho biết bao nhân viên tình báo, sĩ quan địch phải “say” người cùng giới tính như điếu đổ.

Nguy hiểm nhất trong 5 năm hoạt động tình báo là lúc ông được con trai của tỉnh trưởng lúc bấy giờ xin hỏi cưới làm vợ. Ông kể: “Tên này ăn chơi khét tiếng trong vùng, vậy mà lần đầu tiên gặp chú, cũng phải gục ngã vì nét “duyên dáng, hiền hậu”. Do đứng trước nguy hiểm thật sự vì từ chối cũng chết, mà đồng ý cũng không thể sống nổi, vậy là chú phải giả lả xuôi theo nhằm tìm cách kéo dài thời gian...”.

May mắn là khi kế hoạch chuyển ông sang vùng khác hoạt động thì đất nước cũng hoàn toàn giải phóng. Năm 1985, một bất ngờ khác là ông nhận thông báo từ phía Chính phủ Mỹ cho phép được định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO dành cho những quân nhân từng làm việc trong cơ quan Mỹ, trong đó có tên ông là “Huỳnh Thị Thanh” làm ông bật cười trước số phận trớ trêu!

Bây giờ, ông đã là một người đàn ông ngoài 60 tuổi, ăn nói rổn rảng đậm chất Nam bộ. Trở về đời thường, ban đầu ông sang Campuchia mong đổi đời. Đầu tắt mặt tối không kể ngày đêm với nghề nhào bột đổ khuôn làm bánh bò. Sau 10 năm lập nghiệp xứ người, ông trở về Kiên Giang với số vốn nho nhỏ nhưng không khá lên được.


Nhà tình báo giả gái năm xưa, nay là một lão nông, chủ trang trại vàng chăn nuôi thành đạt

+ Ngày 6/4/2012 vừa qua, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom đã trao Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì cho ông Huỳnh Văn Thắng, đồng thời một Hãng phim ở TPHCM cũng đang viết kịch bản dài 30 tập xoay quanh cuộc đời làm tình báo giả gái của ông và dự kiến cuối năm sẽ bấm máy. Thế nhưng, cho đến nay bản thân ông vẫn chưa nhận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người có công với cách mạng.

+ “Theo tôi được biết, mỗi năm nhà ông Thắng đóng góp, tài trợ không chỉ xã Bắc Sơn mà cả hai xã lân cận là Vĩnh Tân và Tân An thuộc huyện Vĩnh Cửu, mỗi xã khoảng 20 triệu. Ở địa phương, Trang trại vàng của ông còn được xem là mô hình mẫu về chăn nuôi tổng hợp”(ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch HND xã Bắc Sơn).

Năm 1995, ông quyết định đưa vợ và các con lên Đồng Nai lập nghiệp. HTX Bắc Sơn tạo điều kiện cho ông mượn 2 ha đất, ông lao vào với đôi tay đầy chai sạn cùng ý chí biến đất hoang thành đất vàng. Sau ba năm “quằn” mình với đất, ông mua lại mảnh đất ấy đồng thời mạnh dạn vay vốn mua sắm thiết bị khai hoang, cải tạo rừng thành khu SX, chăn nuôi quy mô, xây dựng các công trình thủy lợi, cầu đường.

Năm 2001, ông thành lập Cty TNHH Thắng Vinh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người tại địa phương. Vậy là từ hai bàn tay trắng, ông tạo nên một “Trang trại vàng VN” như đúng tên gọi mà tờ báo ngành đã trao, đó là trên 20 ha đất, 11 ao cá thịt đủ loại với sản lượng mỗi ao khoảng 8 tấn/năm, cùng hơn 120 con heo nái, hàng trăm heo giống, hơn 2.000 con vịt, gà... thu nhập mỗi khi trừ chi phí từ 600-700 triệu/năm.

Hiện ông đang đầu tư nuôi 2 ao cá kiểng gồm La Hán, Nam Ngư bởi theo ông cá kiểng hiệu quả kinh tế gấp 2 lần cá thương phẩm. Cứ 1 kg cá kiểng bán 60 ngàn, trong khi cá thịt bán có 16-17 ngàn/kg. “Heo thịt cũng vậy, rớt giá quá lâu khiến tôi phải tính toán lại cơ cấu đàn, bây giờ chỉ tập trung nuôi nái đẻ để bán giống, nếu có lỗ cũng không nhiều. Hiện nay, tôi đang bán 1 cặp heo giống 2,5 triệu (12kg/con) nhưng vẫn không đủ hàng vì chất lượng tốt” - ông Thắng nói.

Thành công kinh doanh hôm nay, nhưng không quên những tháng ngày cơ cực ngày xưa nên ông thường xuyên đóng góp xây cầu, làm đường, hưởng ứng các phong trào giúp đỡ người nghèo mà chính quyền địa phương phát động.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm