| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân phong lưu

Thứ Sáu 18/07/2014 , 10:15 (GMT+7)

Nhờ trồng hoa phong lan, nhiều nông dân ở xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội có thu nhập cao, ổn định. 

Làm nông mà không phải lội bùn, áo quần sạch tinh tươm. Gọi họ là lao động cũng đúng, mà coi đó là đam mê thú vui tao nhã, sáng tạo và hưởng thụ cái đẹp cũng chẳng sai.

“Rốn” phong lan rừng

Phong lan, loài cây ăn gió nằm sương, tưởng rằng chỉ thích hợp với kiểu khí hậu bốn mùa man mát và ít biến động của núi rừng, thế mà di thực về Thủ đô khí hậu lúc nóng, lúc lạnh vẫn đua nhau khoe sắc, đâm hoa nở nhụy làm duyên với đất trời. Lần theo dấu chân những người bán hoa, cây cảnh ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), chúng tôi tìm về xã Đông La, huyện Hoài Đức - “thủ phủ” SX hoa phong lan.

Thú thực, khi chưa đặt chân xuống vườn lan, tôi chẳng dám tin lời của chị Đặng Thị Đông, cán bộ nông nghiệp xã Đông La: “Thu nhập của mấy anh nông dân thuần hoá hoa phong lan rừng chẳng khác nào lương của ông giám đốc. Chỉ có 2 sào đất là mỗi năm thu 500 - 600 triệu đồng.

Công việc nhàn lắm, làm 2 - 3 tiếng thì được chơi. Họ đặt cái bàn trà ngay tại vườn, vừa đàm đạo chuyện đời vừa ngắm cảnh. Trồng lan không nặng về lao động chân tay mà quý hóa ở sự hiểu tính nết từng loài hoa để có chế độ chăm sóc phù hợp”.

Chẳng thể ngờ, loài hoa mĩ miều, quý phái, kiêu kỳ vốn chỉ thích sự chiều chuộng của bậc quân tử, đế vương xưa kia, lại chịu “ăn đời ở kiếp” với vùng đất bãi ven sông Đáy nơi đây. Cuộc hội ngộ giữa người với hoa đã ngót nghét 20 năm rồi.

Các cụ già kể, mấy thập kỷ trước, vì nghèo khó do đất chật người đông, không ít thanh niên trai tráng, gái đẹp đảm đang của làng Đồng Nhân, Đông Lao (xã Đông La) phải theo chân cai thầu xây dựng đi làm công trình hoặc ly hương xây dựng kinh tế mới tít tận Tây Bắc hoang vu.

Mỗi lần thăm quê, phong lan vẫn là thứ quà “đặc sản” quý hoá của núi rừng được con em địa phương mang về biếu ông bà, ba mẹ, anh em. Người đồng bằng ngắm hoa mà đắm đuối như nhìn mấy cô diễn viên chân dài, mắt phượng mày ngài trên vô tuyến, xuýt xoa khen nức nở.

Ừ thì khó miếng ăn đấy, nhưng người nào có vài giỏ lan treo trước hiên nhà thì bè bạn đến chơi cũng nể phục thêm mấy phần. Rễ lan rừng bén thân gỗ lâu năm cũng bí bách, kém phát triển, người trồng hoa tách bớt để nhân sang thân gỗ mới, thế là thành vườn lan.

Khi đã thỏa thú vui ngắm nghía cho sướng mắt, dân làng nghĩ tới “nước cờ” làm giàu, mang lan lên Hà thành bán cho những người lắm tiền nhiều của thích chơi sang.

Cái gì thiên về cái đẹp, nhất là cái đẹp nghệ thuật thường không niêm yết giá. Có người “kết” giỏ lan chỉ to bằng cái cối đá mà trả giá 2 - 3 triệu đồng vẫn cười hớn hở; có ông Tây mắt xanh mũi lõ nói xì xà xì xồ chẳng biết mặc cả bằng tiếng Việt sẵn sàng xòe cả xấp đô la nhét vào túi người bán. Người Đông La từ đó mà giàu. Nhà lầu xây bằng hoa lan, xe cộ sắm bằng hoa lan; chai nước mắm, gói mì chính cũng đổi từ hoa lan…

Thấy người này khấm khá, người kia cũng lân la học hỏi làm theo. Lan xé qua vườn tược, bò ra tận cánh đồng lúa. Đi dọc tuyến đê sông Đáy, chốc chốc lại thấy những ô ruộng chăng kín lưới màu đen mịt. Trong đấy chẳng có gì khác ngoài hoa lan. Người ta căng lưới để giảm bớt ánh nắng mặt trời thiêu cháy hoa, héo lá.

Dân làm vườn hễ gặp nhau là nói chuyện về hoa lan, họ bàn tán rôm rả hơn cả những cuộc họp xóm. Người này khoe sở hữu giống lan độc nhất vô nhị; người kia tự vỗ ngực tự hào vừa bán được giỏ lan hơn chục triệu đồng… Để thoả mãn nhu cầu sum họp tỉ tê của những người trồng lan, các thôn Đông Lao, Đồng Nhân đều thành lập HTX hoa lan cây cảnh.

"Bá chủ" nghề nông

Ông Nguyễn Hữu Tích, Chủ tịch Hiệp hội Cây ăn quả - giống cây trồng - lan, cây cảnh Đông Lao thống kê địa phương mình có trên 60 hộ trồng lan, riêng thôn Đồng Nhân cỡ 40 hộ. Bản thân ông Tích có một vườn lan quý rộng 500 m2 với hơn 600 giỏ và 15 cây lan cổ thụ cho thu nhập mỗi năm khoảng 500 triệu đồng. Những giỏ lan treo lủng lẳng thành 2 - 3 lớp tua tủa những chùm hoa đủ sắc màu như một thiên đường trên trần gian.

Theo ông Lĩnh, cây giống lan nuôi cấy mô hoàn toàn sạch bệnh, giá rẻ, độ đồng đều cao nên thuận lợi cho việc chăm sóc và cho ra hoa đồng loạt theo yêu cầu của thị trường. Cây khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh, sớm ra hoa (chỉ từ 8 - 9 tháng sau trồng); mật độ hoa dày; màu sắc và đường kính hoa ổn định qua các thời kỳ; khả năng đề kháng tốt…
Hiện tại, xã Đông La đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, là điều kiện thuận lợi để các xã viên HTX mở rộng diện tích trồng lan và làm giàu ngay trên đồng đất của mình.

Ở đó, chủ vườn thích nhất là cây lan Đa Châu cao 4 m, đường kính 2 vòng tay người ôm đặt ở cạnh cổng ra vào. Ông đã mất 7 năm để tạo được cây lan “tuyệt bích” này. Cái tên Đai Châu thật gợi hình, nó khiến người ta liên tưởng đến cái đai lưng châu báu quý giá của vua quan thời phong kiến. Nhưng, người miền Nam gọi nó là Nghinh Xuân (tức hoa chỉ nở vào mùa xuân).

“Loài lan này đặc biệt ở chỗ nở vào đúng mùa xuân, độ bền của hoa thuộc loại “vô địch thiên hạ” kéo dài 3 tháng. Những chùm hoa trắng tím mọc từ đỉnh cao 4 m rủ xuống tận gốc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tràn đầy sức sống đón chào năm mới. Khách đến thăm, họ nài nỉ mua với giá hàng trăm triệu đồng mà vẫn không nhận được cái gật đầu của tôi”.

Ông tiếp lời: “Bán làm gì hả chú, cứ để đấy vừa được ngắm cảnh, muốn có tiền thì bóc 2 - 3 nhánh là được 1 kg, bán giá 600.000 đồng người ta tranh nhau mua”.

Khi những cánh hoa Đai Châu phai tàn là lúc nụ hoa Hoàng Lan chớm nở. Hoàng Lan có màu vàng óng, phân bố nhiều ở miền Trung, nơi các triều đại phong kiến thường đóng đô. Sau mùa hoa Hoàng Lan là đến Phi Điệp, mỗi chùm hoa dài lê thê, rủ xuống như dáng liễu đẹp say đắm lòng người.

Tháng 7 - 8 âm lịch là thời khoe sắc của lan Tam Bảo Sắc, lan Cáo, lan Chồn… Khu vườn hơn 20 loài lan của ông Tích chẳng bao giờ thiếu hoa. Ông thích nhất là được ngồi thưởng trà tại chiếc bàn khắc gỗ nghiến giữa vườn vào mỗi sáng sớm. Hương lan thơm nhưng không gắt, cứ man mác thoang thoảng rất thú vị.

Ông Tích khẳng định chắc nịch với tôi rằng, trong số các nghề nông nhiệp, hiếm có nghề nào cho thu nhập cao như trồng lan. Để tôi dễ hình dung lợi nhuận từ trồng hoa, ông lấy ví dụ: “Ba năm trước tôi "bắn" vào thân gỗ nhãn 2,5 triệu đồng giống lan Tam Bảo Sắc, tháng vừa rồi xuất cho lái buôn trong làng 12 triệu đồng để họ chuyển lên Bắc Giang bán (trừ chi phí lãi 9 triệu). Nếu trồng lúa, trong vòng 3 năm 1 sào ruộng trồng kịch thủ được 9 vụ, giỏi lắm lãi được 6 triệu đồng”.

Phong lan chủ yếu sống bằng sương gió nên không cần chăm bón nhiều. Ông Tích chưa bao giờ phải dùng đến phân vi sinh, thỉnh thoảng hòa vài viên B1 hoặc phân Đầu Trâu đa năng vào nước rồi phun.

Vào mùa đông phải chắn lưới ở hướng Bắc để tránh gió mùa. Không để lan gặp sương muối. Không được để lan ngoài ánh sáng quá mạnh nhưng nếu ánh sáng yếu quá, cây sẽ không quang hợp đủ dẫn đến thối lá và nhiễm nấm bệnh.

Ở thôn Đồng Nhân, có những hộ “phất” lên nhanh chóng nhờ trồng lan. Gia đình anh Nguyễn Đăng Lĩnh, Chủ nhiệm HTX hoa lan cây cảnh Đồng Nhân có 4 anh em thì tất cả đều làm nghề này. Người nào cũng thu hàng trăm triệu mỗi năm.

“Những chủ vườn lan của Đông La đang liên kết trợ giúp nhau về kỹ thuật cũng như thị trường tiêu thụ để tăng tính cạnh tranh. Hiện tại thị trường Hà Nội rất ưa chuộng những giỏ hoa lan rừng do các xã viên làm ra. Năm 2013, thành phố hỗ trợ cho HTX chúng tôi xây dựng mô hình hoa lan ghép cấy mô với số lượng 52.000 cây trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Qua 1 năm nuôi dưỡng trong bình trụ thủy tinh chuyên dụng, cây lan đã được đưa ra ngoài vườn ươm trồng trên giá thể rêu khô, khoảng 30 ngày nữa là có thể xuất bán ra thị trường", ông Lĩnh chia sẻ.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm