| Hotline: 0983.970.780

Những tấm lòng sẻ chia cùng với nỗi đau Mù Cang Chải

Thứ Hai 07/08/2017 , 07:01 (GMT+7)

Tôi theo đoàn cứu trợ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái do bác sĩ Nguyễn Cao Thắng, PGĐ bệnh viện dẫn đầu lên xã Kim Nọi. 

Sức tàn phá của trận lũ ống, lũ quét sáng ngày 3/8 tràn qua ba xã và một thị trấn của huyện Mù Cang Chải vô cùng khủng khiếp, 14 người chết và mất tích, 54 ngôi nhà bị tàn phá, trong đó có 29 ngôi nhà bị cuốn trôi phá hủy hoàn toàn, 6 công trình công cộng bị tàn phá nặng nề, 141 mương máng thủy lợi bị cuốn trôi… hậu quả của trận lũ vô cùng lớn.

09-22-24_t1
Thôn Kháo Giống chỉ còn bãi đất ngổn ngang đá sỏi và cây cối

Huyện Mù Cang Chải đã huy động tổng lực để tìm kiếm những người mất tích, khắc phục hậu quả trận lũ…
 

Nỗi đau sau trận lũ đi qua

Tôi theo đoàn cứu trợ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái do bác sĩ Nguyễn Cao Thắng, PGĐ bệnh viện dẫn đầu lên xã Kim Nọi. Đây là xã vừa bị trận lũ ống phóng thẳng vào thôn Kháo Giống, đã khiến 6 người chết và mất tích, xóa sổ 6 ngôi nhà. Trên con đường lên Kim Nọi nhìn xuống thị trấn Mù Cang Chải như chiếc lá bám vào sườn núi chênh vênh. Con suối Nậm Mơ đục ngầu chưa thôi gào thét chảy cuồn cuộn.

Bí thư xã Sùng A Sàng dẫn đoàn cứu trợ lên thôn Kháo Giống cách trụ sở UBND xã chừng hơn một cây số, con đường dốc dựng nhoe nhoét bùn đất, anh chỉ dòng suối Kháo Giống bảo tôi: Đây chỉ là khe suối nhỏ chảy từ trên đỉnh núi Háng Gàng xuống, hàng ngày người ta vẫn bước qua. Trận lũ đã phá toang đôi bờ tạo thành khe núi sâu thăm thẳm…

09-22-24_t2
Ngôi nhà sót lại của thôn Kháo Giống

Một bãi sỏi đá trùm lấp lên thôn Kháo Giống dài mấy trăm mét dọc con suối ngổn ngang cây cối và đất đá. Một tảng đá đen sì to hơn cả gian nhà từ trên đỉnh núi văng xuống, trên mình nó còn bám rất nhiều cây rừng leo. Bà Giàng Thị Dinh dáng người thấp bé đi như mộng du trên bãi sỏi đá tìm lại dấu vết ngôi nhà của gia đình mình. Không tìm thấy gì ngoài cây cột nhà bị chôn sâu trong đất đá chỉ hở lên độ một gang tay.

Ngôi nhà nơi sinh sống của 4 con người, gồm bà cùng người vợ cả là bà Hảng Thị Dông và hai đứa con. Hai thằng bé thời gian nghỉ hè sang nhà chị gái lấy chồng ở xã bên cạnh chơi nên thoát chết. Buổi sáng hai bà cùng dậy cho lợn gà ăn, khi trận lũ ào qua, bà Dông đang lúi húi sau nhà không kịp chạy bị lũ cuốn trôi cùng ngôi nhà. Nước mắt bà Dinh chảy giàn giụa khi nhận 5 triệu đồng hỗ trợ từ tay bác sĩ Nguyễn Cao Thắng. Bí thư Sùng A Sàng dịch lại lời bà: Bà ấy chỉ mong dựng lại được một ngôi nhà be bé để ở thôi…

Hôm nay thôn Kháo Giống làm ma cho bà Giàng Thị Cha, 5 người nữa mất tích chưa tìm thấy, ngoài Hảng Thị Dông còn 4 cháu học sinh đi chăn trâu ngủ ngoài lều nương bị lũ cuốn trôi là: Giàng A Nu, Giàng A Phứ, Giàng A Tám, Giàng A Giàng. Chúng thả trâu trên núi Háng Gàng, cháu Giàng A Pào kể lại: Buổi sáng chúng cháu còn đang ngủ, nghe tiếng ầm ầm đá chảy, cháu vùng dậy gọi các bạn dậy. Nước chảy nhanh quá, cháu vội chạy ra ngoài thì vấp ngã bám được vào cây cột lều nương đã sụp đổ, cứ theo dòng lũ đổ ầm ầm từ trên cao xuống. Cây cột vướng vào gốc cây ven suối dừng lại, cháu bám vào cây cỏ leo lên bờ. Không nhìn thấy các bạn cháu đâu cả…Tôi đến tận bệnh viện Nghĩa Lộ để nghe anh rể của Pào kể lại, còn Pào mặt mày sưng húp, tay chân bị đá đập sứt sẹo chằng chịt.

09-22-24_t3
Giàng A Pào thoát chết thần kỳ

Anh Lê Doãn Dũng đầu quấn băng trắng toát, gương mặt thất thần, nước mắt đầm đìa vẫn chưa thể nào quên cơn ác mộng buổi sáng 3/8 khiến vợ anh chị Hồ Thị Liên và hai đứa con bị lũ cuốn trôi cùng ngôi nhà, mặc dù anh vùng vẫy trong bùn đất để tìm vợ con nhưng không thấy. Lũ đẩy anh lên ngọn cây mắc vào đó nên thoát chết. Người anh bị đa chấn thương, nhất là vùng đầu bị đất đá đập vào, đến giờ vẫn choáng váng.

Hàng trăm chiến sĩ bộ đội chia thành nhiều tốp đi dọc dòng suối Nậm Mơ tới tận lòng hồ thủy điện Huổi Quảng tìm kiếm người mất tích trong các hốc đá hay trong các khe suối, một bộ phận khác dùng máy bơm công suất lớn phụt nước rửa 3 sân trường học, Trung tâm bồi dưỡng chính trị và Nhà văn hóa.

Huyện Mù Cang Chải đã huy động hơn 2.000 người, trong đó quân đội 370 chiến sĩ, hơn 1.000 người là thanh niên, dân quân tự vệ, cán bộ các cơ quan đoàn thể, học sinh, giáo viên huy động tại chỗ từ các xã: Khao Mang, Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải và thị trấn tập trung nạo vét hàng ngàn m3 bùn đất đá, cây que tại 3 trường học, Trung tâm bồi dưỡng chính trị và Nhà văn hóa. Công ty Thịnh Đạt huy động 6 ô tô, máy ủi tiếp ứng để san gạt và chở đất đá.

09-22-24_t4
Thu dọn cây cối và đá sỏi


Những tấm lòng sẻ chia với Mù Cang Chải

Sau khi được tin Mù Cang Chải bị mưa lũ tàn phá, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã vận động cán bộ, y bác sĩ được 30 triệu đồng cử PGĐ Nguyễn Cao Thắng lên Kim Nọi hỗ trợ bà con. Ông Mùa A Lầu chỉ còn mỗi bộ quần áo nhầu nhĩ bùn đất mặc trên người, nước mắt đầm đìa nhận tiền hỗ trợ mà không nói được lên lời.

09-22-24_t6
Khoan đá để nổ mìn

Bí thư huyện Văn Chấn ông Trần Mộc và Chủ tịch Hồ Đức Hợp mang 100 triệu đồng lên ngay sáng 4/8 trao cho lãnh đạo huyện Mù Cang Chải. Ông Mộc chia sẻ: Năm 2005 xã Cát Thịnh của Văn Chấn cũng bị lũ quét như thế này, chúng tôi thấm thía nỗi đau của bà con. Số tiền không lớn nhưng là tấm lòng của người dân Văn Chấn dành cho bà con bị nạn Mù Cang Chải. Bí thư TX.Nghĩa Lộ bà Lò Thị Huân dẫn đầu đoàn công tác trao 30 triệu cho huyện Mù Cang Chải. GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái Trần Xuân Hưng đã mang 110 triệu đồng trong đó có 10 triệu đồng của gia đình ông hỗ trợ cho các trường và các gia đình giáo viên bị hại.

09-22-24_t11
Bí thư huyện Văn Chấn ông Trần Mộc trao 100 triệu hỗ trợ cho bà Lương Thị Xuyến

HTX chăm sóc sức khỏe Minh Thành hỗ trợ 3 triệu đồng, 500kg gạo và 2 thùng quần áo cùng một số thuốc men. Ban Chỉ đạo Tây Bắc kịp thời trao 188 triệu. Sáng 5/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác mang 600 triệu đồng và 200 giường tầng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh mang 330 triệu đồng hỗ trợ đồng bào bị lũ… Tổng số tiền các đơn vị, cơ quan và các nhà hảo tâm hỗ trợ đến chiều 6/8 được khoảng 3 tỷ đồng.

09-22-24_t7
Bộ đội dùng máy bơm để bơm nước rửa cho trường học

Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Huyện đã hỗ trợ những gia đình mất hoàn toàn nhà cửa 20 triệu, 10 triệu cho gia đình có người chết, 2,5 triệu cho người bị thương, 15 kg gạo cho mỗi nhân khẩu… Thay mặt huyện Mù Cang Chải bà Xuyến cảm ơn các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm: Đây là sự thiệt hại vô cùng nặng nề đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải chưa từng xảy ra, nên mong muốn những tấm lòng hảo tâm cả nước chia sẻ nỗi đau mất người, mất nhà của bà con…

09-22-24_t5
Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy (giữa) chỉ đạo khắc phục hậu quả trận lũ
09-22-24_t8
Tìm kiếm nạn nhân trên hồ thủy điện Khao Mang thượng
09-22-24_t9
Bác sĩ Nguyễn Cao Thắng trao tiền hỗ trợ cho người dân thôn Kháo Giống
09-22-24_t10
GĐ sở Giáo dục - Đào tạo Trần Xuân Hưng trao hỗ trợ cho thầy giáo Mùa A Lồng bị mất nhà

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm