| Hotline: 0983.970.780

NM Tinh bột sắn TT - Huế xả thải: Dân khốn khổ!

Thứ Ba 21/02/2012 , 09:10 (GMT+7)

Việc xả thải vô tội vạ của NM không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm hàng chục ha lúa, hoa màu, hồ nuôi cá bị chết hoặc giảm năng suất...

Cống nhà máy thải thẳng ra ruộng, gây ô nhiễm, làm lúa bị “đứng đọt”

Trong nhiều năm qua, Nhà máy tinh bột sắn TT - Huế (xã Phong An, huyện Phong Điền, TT - Huế) xả thải vô tội vạ không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm hàng chục ha lúa, hoa màu, hồ nuôi cá bị chết hoặc giảm năng suất. Trong khi đó, người dân đã kêu cứu nhiều nơi, phương án đền bù được NM đưa ra lại không thỏa đáng.

Lúa chỉ vài chục kg/sào

Những cánh đồng màu mỡ là nguồn lương thực chính của hàng nghìn hộ dân các thôn Thượng An, Đông Lâm (xã Phong An, huyện Phong Điền) giờ đã là “quá vãng” từ khi nhà máy tinh bột sắn TT - Huế đi vào hoạt động. Dẫn chúng tôi ra đồng, ông Lê Cầm - Đội trưởng đội sản xuất số 1, thôn Đông Lâm bức xúc: “Cống xả thải của nhà máy chảy thẳng ra ruộng, không cây cỏ nào sống nổi. Trước đây, lúa của bà con ở Đông Lâm làm năng suất đạt 2,5 đến 3 tạ/sào/vụ, thế mà nay chỉ được 1 tạ/sào, có nơi chỉ được vài chục cân. Cây lúa cứ “đứng đọt” không chịu ra hạt. Bà con trồng lúa để có lương thực, nay diện tích lúa bị điếc nhưng không biết kêu ai cả”.

Theo nhiều người dân ở các thôn Đông Lâm, Thượng An, nhà máy thường xả thải vào ban đêm hay lợi dụng lúc trời mưa lớn. Nước thải từ cống bắc qua Quốc lộ 1A chảy thẳng ra ruộng. Vụ mùa năm trước, những đám ruộng nằm ở khu vực cao, có be bờ che chắn thì ít ảnh hưởng, những thửa ruộng ở khu vực trũng người dân trồng, ra sức chăm sóc, cây lúa cứ xanh rồi “điếc”, tiếc của, bà con Đông Lâm, Thượng An đổ ra đồng bứt cho trâu ăn.

Ông Lê Vũ, một hộ dân trồng lúa ở đội 1 cho biết: “Những vụ mùa năm trước, tui có 2,5 sào lúa, tính ra chi phí 1 sào đã mất 250 nghìn tiền phân bón rồi, chưa kể tiền công chăm bón, be bờ và giống má, thu được 5 tạ lúa. Thế mà đến vụ đông xuân năm 2010-2011, khi nước nhà máy thải về, 2,5 sào lúa tui chỉ thu được non 1 tạ, số còn lại như lúa điếc, lép hết hạt. Trồng lúa vốn đã lấy công làm lãi, giờ như thế thì lỗ to chú à”. Quan sát của chúng tôi, mương nước của nhà máy chảy ra từ đường cống với màu đen ngòm, ở những thửa ruộng bị chất thải của nhà máy, lúa cháy xém, không lên được.

 Ông Lê Cầm cho biết thêm, khi trời mưa là lúc nhà máy lợi dụng để xả thải. Bà con kéo nhau vào phản ảnh thực trạng ô nhiễm thì lãnh đạo nhà máy thông tin là do trời mưa nên nước thải... bị tràn ra ngoài (?!). Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua làm cho diện tích lúa bị ảnh hưởng ở các thôn trên địa bàn xã Phong An đã là 5ha. Con số này sẽ không dừng lại bởi hệ thống be bờ của nhiều ruộng đã xuống cấp, hư hỏng.

Không chỉ làm ảnh hưởng đến mùa màng, mùi hôi thối nồng nặc từ các hồ chứa nước thải của NM tinh bột sắn TT - Huế còn làm hàng nghìn hộ dân nghẹt thở. Nhiều giếng nước của dân nằm trong khu vực gần nhà máy chuyển sang màu vàng, đặc quánh, không thể sử dụng được.

Chây ì đền bù

“Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, không chỉ làm mất mùa màng của bà con mà thời gian gần đây, nhiều hộ dân làm việc đồng áng trở về, cảm thấy chân tay bị ngứa, lở, các khớp xương bị đau nhức do tiếp xúc lâu với nguồn nước. Việc ô nhiễm nguồn nước làm giảm năng suất cây trồng đã rõ, cơ quan chuyên môn cần nhanh chóng vào cuộc giúp dân” - ông Lê Cầm, Đội trưởng đội sản xuất số 1, thôn Đông Lâm, kiến nghị.

Trước thực trạng nhà máy tinh bột sắn TT - Huế gây ô nhiễm kéo dài, ngày 27/12/2011, đại diện HTXNN Đông Lâm đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà máy xác định diện tích ruộng lúa bị ảnh hưởng và đưa ra phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân. Theo đó, nhà máy chỉ hỗ trợ việc be bờ, vôi, thuốc phòng ngừa lem lép hạt trên cây lúa. Người dân Đông Lâm không đồng ý với phương án trên bởi họ cho rằng việc hỗ trợ theo phương thức be bờ, thuốc phòng lép hạt chỉ là biện pháp tình thế. Về lâu dài, không thể bù lại các công sức cũng như tiền của dân bỏ ra, chưa nói đến việc diện tích đất bị ô nhiễm về sau không sản xuất được.

Ông Lê Cầm cho biết: “Phương án người dân đưa ra là nhà máy phải hỗ trợ 700.000 đồng/sào lúa, số tiền đó sẽ được bà con mua phân bón, công be bờ và bù vào khoản lỗ do năng suất lúa giảm”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc NM tinh bột sắn TT - Huế thừa nhận việc xả thải của nhà máy đã ảnh hưởng đến mùa màng của bà con Đông Lâm. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ vẫn chưa được thống nhất giữa phía HTX và nhà máy. “Chúng tôi đang chờ phương án đền bù, xử lý của cấp trên” - ông Hưng nói.

Tuy nhiên, theo bà con Đông Lâm phản ánh, mặc dù trải qua khá nhiều cuộc họp thế nhưng nhà máy vẫn cố tình chây ì trong việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại mùa màng của bà con. “Đợi mãi không thấy, chúng tôi cử người vào nhà máy để hỏi về phương án hỗ trợ, đền bù thì họ nhiều lần từ chối gặp” - ông Lê Cầm bức xúc.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...