| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo thắt ruột

Thứ Sáu 01/03/2013 , 10:31 (GMT+7)

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi và giá cả đầu ra bấp bênh đã khiến không ít “đại gia” và nông dân ở đất Mũi trở nên trắng tay.

Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi và giá cả đầu ra bấp bênh đã khiến không ít “đại gia” và nông dân ở đất Mũi trở nên trắng tay. Năm nay bà con lại khởi đầu một vụ tôm buồn với nhiều bất ổn.

Vào những ngày cuối tháng 2, chúng tôi ngược về những địa phương đã có một thời từng thắng lớn với con tôm của tỉnh Cà Mau như Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những tiếng thở dài não nề của nông dân khi nói đến chuyện tôm tép.

Ngồi bẹp bên bờ ruộng nhà mình, ông Hai Điệp (Nguyễn Văn Điệp) ngụ huyện Cái Nước lẩm bẩm như nói với chính mình: Tôi không nhớ rõ, nhưng có lẽ cách đây khoảng 7 hay 8 năm gì đó, người dân quê tôi còn nghêu ngao câu hát “Ai ơi nhớ lấy câu này! Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi tôm”. Ấy vậy mà bây giờ, nội trong xóm tôi đã có mấy người phải cho thuê hoặc sang đất đi xứ khác làm ăn rồi.

Tuy không có đủ tiền để làm ăn lớn như những người khác, nhưng ông Điệp cũng đặt hết hy vọng vào đợt thả tôm giống lần thứ 3 lần này. Ông nói: “Mình không có bạc trăm triệu hay bạc tỷ để nuôi tôm công nghiệp như người ta. Nhưng ở xứ này người như tui không phải hiếm. Thả một lứa tôm là coi như mất toi mấy triệu bạc tích lũy. Hai đợt thả giống đầu đã tiêu, nay thả thêm đợt này chỉ còn biết dựa vào trời, thả con tôm rồi mà lòng cứ nôn nóng như lửa đốt.


Trước tình hình dịch bệnh chưa xác định được nguyên nhân, nông dân Cà Mau chỉ biết trông chờ vào may rủi

Mà nghĩ cũng phải, những người như Hai Điệp phải lo trong từng vụ thả tôm giống. Vì nếu như mất đi vài triệu bạc tiền con giống thì họ buồn đến “thúi ruột gan”. Tôm nuôi trong từng vụ ở năm 2012 cho thu nhập thì ít mà thua lỗ thì nhiều.

Hỏi Hai Điệp về những kết quả đạt được trong mười mấy năm gắn bó với nghề nuôi tôm của mình. Lão nông này lại đưa đôi mắt nhìn xa xăm về cuối vuông tôm mà hồi tưởng: "Còn nhớ mấy năm trước, khi vùng đất này bắt đầu chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, nhiều nông dân đã có một thời “kê cao gối mà ngủ”. Nhớ cái thời vàng son đó mà sung sướng vô cùng. Thả tôm là coi như thu về bạc trăm triệu dễ như chơi. Ngủ một đêm tới sáng là có trong tay dăm bảy triệu đồng. Còn bây giờ… nhắc đến nghề nuôi tôm lại thấy buồn”.

Trúng đậm được mấy vụ tôm ở những năm đầu, Hai Điệp cũng lo chuyện vợ con cho hai con trai lớn, rồi còn dư chút ít tiền ông hỏi vay thêm ngân hàng mua vật tư về xây nhà với niềm mơ ước ăn chắc ở những vụ tôm tiếp theo. Thế nhưng căn nhà tường tương đối rộng của Hai Điệp ở vùng nông thôn này chỉ mới xây xong phần thô thì con tôm ông nuôi nó “bẻ kèo” chết hoài. Điều này đồng nghĩa với việc căn nhà của ông chỉ dừng lại ở mức độ đó.

Để gỡ gạc, ông nông dân này quyết tâm làm liều một phen. Những vụ tôm sau đó được Hai Điệp đầu tư khá bài bản. Tất tần tật tiền cải tạo vuông tôm, tiền mua hàng trăm ngàn con giống… đều được ông hỏi vay mượn của anh em họ hàng. Nhưng càng làm càng lỗ, thế là hơn 1 ha đất SX của gia đình cũng được ông cầm cố cho người khác, rồi thuê lại để SX lấy tiền trang trải bớt khoản nợ đang bủa vây.

Sau dăm ba câu chuyện xưa và nay của gia đình mình, Hai Điệp dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hữu Đành cách đó không xa. Dường như người nông dân này muốn chứng minh với chúng tôi rằng nỗi lo của mình là không phải thừa ở thời điểm này. Theo lời Hai Điệp, ở địa phương hiện nay vuông tôm của ông Đành được xem là ngon nhất. Vì từ đầu con nước đến nay “bà cậu” đã “ủng hộ” cho ông Đành hơn 20 triệu đồng.

Thế nhưng khi đến nơi, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi cảm thấy ông Đành chẳng những không vui vì trúng tôm, mà trái lại ông còn lo rằng liệu đến sáng mai mấy con tôm trong vuông của ông còn chui đầu vào lú (dụng cụ để bắt tôm dưới vuông - PV) để ông đem bán thu tiền nữa hay không? Tâm sự với chúng tôi, bằng giọng nói chậm chạp, ông Đành bộc bạch: “Nắng ba năm mưa có một giờ thì có thấm vào đâu”.

Có lẽ, ông Điệp, ông Đành và hàng ngàn nông dân khác ở địa phương này đang có chung nỗi lo cho vụ mùa năm nay. Vì theo lời ông Đành, trước tình hình tôm nuôi chỉ biết vịn vào hai từ hên - xui như hiện nay thì mang tôm giống thả xuống ruộng nuôi như gieo thêm nỗi lo vậy.

Hy vọng thì mong manh là thế nhưng lại gánh quá nhiều khát khao. Nào là khát khao trúng mùa để trả bớt nợ, nào là khát khao có tiền lo chuyện học hành của con cái, nào là chuyện cơm, áo, gạo, tiền… Vì vậy, ai có tiền đầu tư vào con tôm nhiều thì càng lo nhiều. Người nông dân nuôi tôm vẫn chưa tìm ra lối thoát bằng các ngành nghề khác nên nỗi buồn và nỗi lo cứ còn đeo đẳng.

Trước cái khó của bà con nông dân, thời gian qua các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau cũng đã làm mọi biện pháp để giúp họ trụ vững với con tôm. Nhiều mô hình SX mới áp dụng KHKT vào nuôi tôm cũng được chuyển giao đến nông dân. Trong số đó phải kể đến việc nuôi tôm sạch sử dụng chế phẩm sinh học, theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cho người nuôi tôm.

Đây được xem như và một bước đột phá để vực dậy nghề nuôi tôm của tỉnh. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, quy trình nuôi tôm theo hướng VietGAP có sự liên kết 4 nhà không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn từng bước giúp nông dân tiếp cận với KHKT để mang lại hiệu quả bền vững.

Sở KH-CN tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có con tôm. Thực hiện các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng… Đây được xem là hướng đi bền vững “cứu cánh” cho ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm